Hiển thị các bài đăng có nhãn Quang Trung. Hiển thị tất cả bài đăng
Tại sao nhà Tây Sơn sụp đổ?
© Giang Lê - The X file of History
Trong lịch sử Việt Nam tồn tại không ít các cuộc khởi nghĩa nông dân; tuy nhiên đỉnh cao nhất phải kể đến là phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Một cuộc khởi nghĩa vĩ đại, lập nên một sự nghiệp oanh oanh liệt liệt nhưng lại quá ngắn ngủi. Bởi trong đó đã tồn tại rất nhiều hạn chế chết người.
Bài viết dưới đây của bạn Giang Lê đến từ Cần Thơ, cảm ơn bạn, và chúng tôi luôn hoan nghênh những bài viết lịch sử xuất sắc gửi đến page The X file of History.
Ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ
Có một điều mà lịch sử đã bị chiến công vĩ đại của Quang Trung ở Thăng Long che lấp đi ít nhiều. Dù đã càn quét từ nam chí bắc, Quang Trung vẫn chưa thật sự thống nhất được toàn vẹn theo kiểu Trung Ương mà theo kiểu cát cứ. Chính ở đó, xuất hiện hạn chế thứ nhất.
Để bắt đầu nói về hạn chế này, phải nói về 1 bài học mà Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc đã làm, cũng thống nhất sau khi thu về được 6 nước tách biệt. Ngay khi đánh bại lục quốc; Thủy Hoàng Đế đã ra lệnh hủy bỏ danh xưng của các quốc gia cũ; chia cả nước ra làm 36 quận; đặt hệ thống quan lại hành chính quản lý các quận cùng với hệ thống giám sát; song song với đó ông định luật pháp như thời Thương Ưởng để nhanh chóng đưa đất nước đi vào quỹ đạo ổn định. Thống nhất luật pháp, thống nhất lãnh thổ; từ đây Trung Hoa hoàn toàn đặt dưới bàn tay trị vì của ông vì khi đó chỉ còn một quốc gia duy nhất, đó là Đại Tần. Sở dĩ Tần Thủy Hoàng có thể làm được là do ở nước Tần, ông là minh chủ cao nhất và duy nhất, không ai đứng trên hay ngang ông, Đại Tần là quốc gia thống nhất.
Nhưng ở thời Tây Sơn, lãnh thổ đã bị chia ba, không lập quốc hiệu riêng; tương tự như cách một ông Hội đồng địa chủ chia gia tài cho các con của mình; mỗi người một căn nhà, vài trăm công ruộng, tự sinh tự diệt; người nào tài giỏi thì có thể tạo lập sản nghiệp như ông cha; lười biếng thì sẽ tiêu hết sản nghiệp khiến cho tài sản ông bà để lại tiêu tán. Quốc gia thì không thể như vậy; quốc gia phải thống nhất, sức mạnh cộng hưởng từ tất cả các vùng đất trong cùng một đất nước tạo ra sức bật lớn cho sự phát triển. Và khi mà triều Tây Sơn thực hiện việc chia lãnh thổ như cách một ngài Hội đồng chia đất; thì kết quả là người con tài giỏi nhất Nguyễn Huệ mở mang được ra Bắc Hà trong khi người con yếu đuối nhất là Nguyễn Lữ lại để mất Nam Hà vào tay kẻ tử thù, cơ nghiệp từ đó mà mang họa diệt vong. Thế mới thấy được việc “trị quốc, bình thiên hạ” xử lý theo thói “tề gia” là cực kì nguy hại.
Tính chính thống của Tây Sơn: Tính chính thống là đến từ lòng dân; lòng dân công nhận thì mới được xem là chính thống. Triều Tây Sơn gặt hái một vài tích cực về phương diện chính thống khi nhận được sự thừa nhận từ nhà Thanh, quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ như thế thôi thì không đủ. Thời điểm Tây Sơn bắt đầu hoạt động, bối cảnh chính trị xã hội ở Đàng Trong lúc này khá nhiều rối ren. Các chúa Nguyễn không còn khả năng kiểm soát chính quyền, đại thần Trương Phúc Loan nổi lên như một nhân vật chính trị trung tâm của vũ đài chính trị Đàng Trong. Khác với Hồ Quý Lý hay Mặc Đăng Dung trước đây; Trương Phúc Loan tuy tiếm quyền nhưng không đủ khả năng khống chế đại cục, tranh giành vương vị. Ông ta chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực mua quan bán tước, tích trữ của cải. Và đó là thời cơ thích hợp để phong trào Tây Sơn nổ ra; khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu ủng hộ Hoàng Tôn Dương, đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan. Cần lưu ý ở đây là ngay từ đầu nguyên nhân khởi nghĩa là để ủng hộ chúa Nguyễn; Tây Sơn đã ngầm công nhận chúa Nguyễn là lãnh đạo hợp pháp của Đàng Trong, nhờ đó mà dân chúng đã hưởng ứng và đi theo nghĩa quân. Nhiều cánh quân khởi nghĩa ban đầu theo Tây Sơn do nghĩ rằng Tây Sơn phò chúa Nguyễn; nhưng sau này khi thấy Tây Sơn thẳng tay giết hại các chúa thì đã ly khai và chống lại, tiêu biểu như cánh quân Chu Văn Tiếp. Tây Sơn dùng ngọn cờ ủng hộ chúa Nguyễn để tranh thủ lòng dân, và khi đã có được thực quyền thì họ lại ra tay sát hại các chúa không thương tiếc; mồ mả chín chúa nhà Nguyễn đều bị quật lên, tro cốt ném xuống sông; tổ chức truy sát công khai con cháu nhà Nguyễn.
Đồng ý đã thay triều đổi đại thì không nên cải lương, hay mềm lòng; nhưng có chăng họ đã quá vội vàng. Giết hại các chúa Nguyễn là Tây Sơn đã bắt đầu tháo bỏ chiếc mặt nạ chính thống mà mình đã kì công đeo bấy lâu, điều này đã chạm sâu đến lòng trung thành của những người còn thờ chúa.
Lùi về lịch sử hơn ba thế kỷ trước, khởi nghĩa nông dân Lam Sơn của Lê Lợi trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt cuối cùng, để có thể thỏa hiệp với Vương Thông, lập con cháu nhà Trần nối ngôi. Ông đã cho lập Trần Cảo – hậu duệ nhà Trần lên làm vua, bản thân mình giữ chức Vệ quốc công. Sau đó, Trần Cảo thân cô sức yếu, sợ bị giết phải bỏ trốn. Lê Lợi cho người đuổi theo, ép uống độc chết. Nhà Trần không còn con cháu, nghiễm nhiên vương vị thuộc về Lê Lợi. Cùng một bản chất, thủ đoạn ra tay đều tàn độc; nhưng Lê Lợi đã thực hiện có phần “tinh tế” hơn, ít bị điều tiếng. Có thể dẫn ra giả thiết rằng Quang Trung đã dự đoán được trước các mối nguy hại này và Ngài tự tin với khả năng của mình có thể dọn dẹp tất cả trong 10 năm hay 20 năm. Tiếc thay, người tính không bằng trời tính; Ngài ra đi quá sớm khiến những vấn đề Ngài đặt ra là một bài toán quá khó đối với ấu chúa Quang Toản.
Một vấn đề quan trọng khác: NGƯỜI HOA. Nói về Nam Hà; miền Nam trước đây vốn bao gồm đất đai của Chân Lạp và các vùng đất chưa được khai phá. Các bồ thần nhà Minh vì tránh nạn quân Thanh đã đến nương nhờ chúa Nguyễn, chúa giao cho họ khai dân lập ấp các vùng đất mới. Từ đây, đất đai Đàng Trong ngày càng được mở rộng hơn về phía Nam và hình thành nên cộng đồng người Hoa đông đảo, giàu có. Người Hoa không thể một mình chống giữ các vùng đất mới nên cần phải nương nhờ các chúa, trở thành thần tử của chúa Nguyễn tạo nên mối liên kết, đó có thể xem là một mối ân tình. Từ đó, người Hoa tại Nam Hà luôn trung thành với chính quyền chúa Nguyễn. Nhưng mọi thứ trở nên xáo trộn khi Tây Sơn tiến đánh Nam Hà. Họ cho quân lính phá tan các khu vực buôn bán giàu có của người Hoa như vùng Cù Lao Phố. Đỉnh điểm là việc Thái Đức cho thảm sát 1 vạn người Hoa tại Nam Hà để báo thù cho Phạm Ngạn, tướng thân cận của Thái Đức. Ra chiến trường, đồng đội hơn anh em; một đồng đội chết cả đội quân có thể xông lên báo thù. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm tính của người lính. Đằng này, Nguyễn Nhạc đường đường là tổng tư lệnh chỉ huy ba quân mà lại cư xử theo kiểu tình cảm vụn vặt. Huống chi ra chiến trường, anh không chết thì tôi chết, cái chết của Phạm Ngạn là chiến tử nơi sa trường, sao có thể xem là bất công để rồi báo thù.
Hãy nhìn cách Nguyễn Ánh đối đãi với dân chúng Quy Nhơn khi Ngài chiếm được; Ngài thừa biết Quy Nhơn là đất tổ của Tây Sơn nhưng vẫn không tiến hành báo thù; ngược lại còn giảm bớt thuế má, yên ủi lòng dân, nhờ đó dẹp tan sự chống cự; để sau này Võ Tánh an tâm thủ thành Quy Nhơn cả năm trời trước sức tấn công vũ bão của Tây Sơn. Hành động thảm sát người Hoa của Thái Đức đã vĩnh viễn đẩy người Hoa về với Nguyễn Ánh. Ân tình của chúa Nguyễn và ân oán với Tây Sơn đã khiến người Hoa tại Nam Hà hết lòng ủng hộ Nguyễn Ánh cả về nhân lực lẫn vật lực; giúp cho Ngài có thể giành được thế đứng chân tại Nam Hà; tạo nền tảng để đánh bại Tây Sơn về sau.
Hạn chế thứ hai đến từ sự phân tán quyền lực và chia rẽ nội bộ. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sụp đổ của Tây Sơn. Như đã nói ở trên, Tây Sơn thực chất giống một tập đoàn quân sự nhiều hơn là một vương triều chính thống. Mà đã là một tập đoàn thì sẽ bị lãnh đạo bởi nhiều cá nhân chứ không phải duy nhất. Nếu các cá nhân tài giỏi và đoàn kết thì tập đoàn sẽ mãi hùng mạnh, còn nếu chia rẽ hay tranh thủ lợi ích nhóm thì tất yếu sẽ suy kiệt. Có thể nhìn thấy trong thế giới thực tại với bằng chứng là tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Việc đấu đá quyền lực của cha con, anh em trong gia đình đã đẩy tập đoàn vào chỗ khốn cùng; các thành viên liên tục tố cáo lẫn nhau vô tình bóc mẽ nhiều sai phạm của Lotte trong mắt công chúng cùng với cơ quan tư pháp. Tây Sơn lúc mới thành lập là một nội bộ đoàn kết, lí tưởng (cướp của người giàu chia cho người nghèo) tuy nhiên sau khi giành được chính quyền dần bộc lộ sự tha hóa; lạm dụng vũ lực để giành quyền cai trị nhiều hơn là tranh thủ lòng dân; tiêu biểu là việc dùng vũ lực với người Hoa ở Nam Hà, điều này đã bị Nguyễn Ánh sau đó khai thác triệt để. Thái Đức ăn chơi hưởng lạc; chỉ bo bo giữ những gì mình có (trên cương vị là nhà sáng lập mà hành động như vậy thì sẽ tạo ra phản ứng không tốt đối với cấp dưới); nội bộ đánh giết lẫn nhau khiến dân chúng lầm than. Khởi đầu là tranh chấp giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Tây Sơn có hai trung tâm quyền lực chính là Quy Nhơn (Thái Đức) và Phú Xuân (Quang Trung, sau này là Cảnh Thịnh), đáng buồn là hai trung tâm này lại không vui vẻ gì; luôn phải đề phòng lẫn nhau. Đông Định Vương Nguyễn Lữ giữ Gia Định nhưng khả năng quân sự hạn chế, nhút nhát, chỉ cần kế ly gián nhỏ là đã bỏ chạy; Phạm Văn Tham phải một mình chống giữ và tất yếu mất về tay Nguyễn Ánh. Có thể thấy việc phân tán quyền lực đã làm cho sức mạnh Tây Sơn tại Gia Định yếu đi rất nhiều. Nếu chính quyền ở Quy Nhơn tập trung toàn lực hỗ trợ cho miền Nam thì chưa chắc Nguyễn Ánh đã dễ dàng tạo được thế đứng chân trên thành Gia Định. Nhưng không, Quy Nhơn đang còn bận đối đầu với “đại địch” Phú Xuân, hơi sức đâu mà giữ Nam Hà.
Sự chia rẽ nội bộ: ở đây có đến hai sự chia rẽ; chia rẽ giữa Quy Nhơn và Phú Xuân (chia rẽ trong Hội đồng quản trị) và chia rẽ giữa nội bộ tại Phú Xuân (chia rẽ trong Ban giám đốc). Chia rẽ giữa Quy Nhơn và Phú Xuân thể hiện ở việc Thái Đức lo sợ quân Phú Xuân tấn công nên chỉ lo phòng bị phía Bắc; từ chối hoặc hạn chế cứu viện cho chiến trường phía Nam. Thậm chí khi Quang Trung mất năm 1792, Thái Đức cũng không thể đi viếng do quân của Cảnh Thịnh ngăn giữ. Đỉnh điểm năm 1793, Thái Đức bị Nguyễn Ánh vây đánh Quy Nhơn đã cầu viện Phú Xuân giúp đỡ. Các tướng của Phú Xuân vận dụng “rất tốt” kế sách “Mượn đường diệt Quắc”; đánh lui quân Nguyễn xong sẵn chiếm luôn thành; việc làm này khiến cho Thái Đức uất hận mà chết. Sách lược này đã được các tướng Tây Sơn vận dụng không đúng lúc. Ngoại địch lúc này còn đang quá mạnh, chưa thể tiêu diệt mà lại gây ra tranh chấp lớn, mất đoàn kết nội bộ. Thực tế sau đó, các tướng lĩnh trung thành với Thái Đức đã bị nghi kị và giết hại; một số đã bỏ sang phe Nguyễn Ánh; điển hình là tướng Lê Trung - một trong những người tham gia tích cực chiến trường Nam Hà - trước đây theo Nguyễn Nhạc đã bị giết chết, con trai (có tài liệu nói con rể) là Lê Chất phẫn nộ mà bỏ sang phe Nguyễn Ánh, thông báo nội tình thủy quân Tây Sơn cho Nguyễn Ánh biết. Tướng Phan Văn Lân đang canh giữ biên giới phía Bắc sau khi nghe tin đã bất mãn mà bỏ đi. Việc phân biệt giữa những người theo Thái Đức và những người theo Cảnh Thịnh đã làm nội bộ Tây Sơn thêm xào xáo, ám hại lẫn nhau ngày càng nhiều và dần suy yếu.
***
Bây giờ là câu chuyện về những ngày đánh nhau của Tây Sơn sau khi Quang Trung mất.
Ngoại thích Bùi Đắc Tuyên nắm quyền hành. Để nói về tầm của Bùi Đắc Tuyên thì có thể kể đến việc: trong yến tiệc, vì muốn mua vui cho Thái tử Quang Toản mà Bùi Đắc Tuyên đã yêu cầu hai võ tướng giỏi côn pháp là Võ Đình Tú và Đặng Văn Long thi tài đấu côn. Hai tướng đành miễn cưỡng ra thi đấu. Sau vua Quang Trung biết được sự việc đã lên tiếng quở trách và nghiêm cấm không được tái diễn. Có thể thấy nhân vật này là người rất có “tài” làm chia rẽ nội bộ. Năm 1794, danh tướng Lê Văn Hưng sau khi mang quân đánh Phú Yên, đã hợp sức với Nguyễn Quang Huy (tướng của Thái Đức) chiếm lại được từ tay quân Nguyễn. Sau đó Hưng giao cho Nguyễn Quang Huy giữ rồi rút về. Bùi Đắc Tuyên nhân đó xàm tấu với Cảnh Thịnh rằng Hưng có ý phản nghịch (cấu kết với phe Quy Nhơn) nên bắt giết; Tây Sơn vì thế mất một tướng tài.
Chưa dừng lại, Võ Văn Dũng đang ở Thăng Long cũng bị Tuyên triệu tập về Phú Xuân hòng kiềm chế. Trên đường về Võ Văn Dũng đã gặp Trần Văn Kỷ (đang bị Tuyên lưu đày) nên biết sớm thông tin và ra tay trước. Võ Văn Dũng huy động các tướng lĩnh bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên và tiện tay triệu hồi Ngô Văn Sở ở Thăng Long về xử chết vì cho rằng Sở thuộc phe của Tuyên. Cuộc thanh trừng nội bộ này khiến cho Trần Quang Diệu dù đang tiến quân rất thuận lợi ở Diên Khánh cũng phải rút về để giải quyết, về đến Phú Xuân suýt nữa là đánh nhau với Võ Văn Dũng. Liên tiếp về sau; Tây Sơn liên tục rơi vào tranh đấu nội bộ, lạm dụng quân đội để giải quyết mâu thuẫn. Các tướng tự lập phe phái, xàm tấu lẫn nhau, không coi trọng ấu chua. Về phần mình, Cảnh Thịnh sợ uy quyền lớn mạnh của các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú,..nên đã tìm cách chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các tướng. Có thể nói Tây Sơn từ lục đục chìm sâu hơn vào khủng hoảng nội bộ; ấu chúa chẳng những không thể giải quyết mà còn tiếp tay thêm vào quá trình mâu thuẫn. Một Tây Sơn lục đục nội bộ, mất lòng dân đối đầu với một Gia Long đang hừng hực khí thế, quân đội hùng mạnh. Cán cân cuộc chiến đã bắt đầu có sự dịch chuyển.
Về Quang Toản: Vua Quang Trung có thể không nhìn sai về Quang Toản; nhưng Ngài không thể thắng được thời gian. Nếu Quang Trung có thể sống lâu hơn 10 hay 20 năm thì biết đâu rằng Ngài có thể đào tạo Quang Toản thành một minh chúa. Trước khi mất, Ngài còn đánh giá: “Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!”.
Từ những gì vua nói lúc lâm chung có thể mang đến cho chúng ta nhiều vấn đề. Thứ nhất, Ngài lo lắng về việc Quang Toản còn quá nhỏ để có thể điều hành công việc; điều này đã quá hiện hữu. Thứ hai, Quang Trung nhìn nhận quân Gia Định của Nguyễn Ánh là thế lực nguy hiểm nhất vào thời điểm hiện tại. Ngài đã dự định huy động một đội quân hùng hậu vào Nam, quyết tâm tiêu diệt kẻ đại thù. Một kế hoạch vô cùng chu đáo; chặn đứng mọi con đường sang Xiêm hay ra biển của Nguyễn Ánh; Quang Trung thực sự đánh giá rất cao Gia Long. Điều đó càng thể hiện rõ khi ban đầu Ngài dự định một kế hoạch khổng lồ chủ động tấn công vào sào huyệt kẻ thù; nhưng khi đổ bệnh Ngài chỉ yêu cầu Trần Quang Diệu phải tập trung toàn lực giúp Quang Toản dời đô về Nghệ An, chuyển hoàn toàn sang thế thủ. Ngài đánh giá được rằng ngoài bản thân mình ra thì Tây Sơn không còn ai đủ khả năng dẫn quân vào Nam đương đầu với Nguyễn Ánh. Trong khi Phú Xuân lại không phải là nơi dễ phòng thủ so với sức mạnh thủy quân nhà Nguyễn. Tiếc thay, không một ai trong Tây Sơn làm theo lời yêu cầu cuối cùng của nhà vua.
Sự chênh lệch tầm nhìn cũng như năng lực giữa Quang Trung và cấp dưới quá rõ rệt tạo ra một lỗ hổng lớn khi Ngài mất. Thiếu Ngài, tác chiến không có định hướng, rối bời. Trước đây, thủy quân Tây Sơn dù yếu hơn; nhưng nhờ có Quang Trung chỉ huy, họ vẫn anh dũng đánh bại thủy quân của Gia Long. Giờ đây, mọi chuyện đã khác; quân chủ lực Tây Sơn do Trần Quang Diệu nắm giữ đánh rất khá nhưng không giành được thắng lợi quan trọng, chỉ làm tròn vai chứ không gây đột biến. Võ Văn Dũng giỏi chính trị, ngoại giao nhưng cầm quân không tốt, liên tục bại trận, nướng hết thủy quân. Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết co cụm phòng thủ, không đóng góp được gì nhiều. Lê Văn Hưng, Lê Trung, Ngô Văn Sở đều đã bị giết. Giới văn nhân hoàn toàn bị đặt ra ngoài vòng chiến, Ngô Thì Nhậm tham gia chiến trường hạn chế. Quân Tây Sơn tác chiến theo kiểu dập lửa; cháy đâu dập đó; không ngăn được đám cháy lan tỏa.
Điểm sáng duy nhất trên chiến trường có lẽ là Nguyễn Quang Huy, thân yếu thế cô nhưng liên tục khuấy đảo bên trong lòng địch. Tuy nhiên; tất cả đều là không đủ. Tây Sơn sụp đổ như một vấn đề tất yếu.
Lời kết:
Cái chết của Vua Quang Trung luôn là một điều tiếc nuối lớn của lịch sử. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Tây Sơn thì chưa hẳn. Họ đã quên đi cách thu phục lòng dân mà mải mê đấu đá nhau. Nếu lòng dân nhìn Nguyễn Ánh với sự xấu xa, thì cớ sao Nam Hà chưa bao giờ quên ngài? Việc bỏ quên lòng dân khi lên đến đỉnh cao danh vọng là hạn chế cuối cùng nhưng đấy là hạn chế lớn lao mang tầm vĩ mô nhất.
Nguyễn Trãi đã từng nói: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền được.”
Trên một bình diện nào đó, với những hạn chế của Tây Sơn ta lại thấy được cái chính trị toàn diện của Gia Long Nguyễn Ánh.
Rất nhiều người tiếc, nhưng cũng có thể chưa hẳn đã tiếc. Chỉ biết rằng lịch sử đã chọn Gia Long thay vì Quang Trung.
Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày?
© GS. Lê Văn Lan (bài đăng trên báo QĐND)
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ
Trong Chiến dịch giải phóng Thăng Long (còn gọi là “Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa”) đầu Xuân năm Kỷ Dậu - 1789, đại đồn Ngọc Hồi của quân xâm lược Mãn Thanh là một mục tiêu tấn công chủ yếu của Quang Trung Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn.
Trong kế hoạch của chủ tướng đạo quân xâm lược Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị phòng thủ tòa Kinh thành Thăng Long vừa chiếm được từ ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân, để rồi đến ngày mồng 6 Tết Kỷ Dậu sẽ bắt đầu tiến quân vào Quảng Nam đánh tiêu diệt hoặc bắt Tây Sơn Nguyễn Huệ phải hàng phục, thì đại đồn Ngọc Hồi cũng đồng thời vừa là một căn cứ tiền tiêu, vừa là một bàn đạp xuất phát quan trọng nhất.
Ngọc Hồi ở cách Thăng Long 14km về phía Nam, nằm ngay trên trục đường Cái quan (Quốc lộ 1 ngày nay). Chủ tướng Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị tin chắc, và Quang Trung Nguyễn Huệ cũng biết rằng, một khi có giao tranh, thì Ngọc Hồi sẽ là chỗ đánh trận kịch liệt nhất.
Vì thế, ở Ngọc Hồi, trên một nền đất rộng gần 20 mẫu, cao hơn mặt đường khoảng 0,5m-đến nay vẫn còn giữ được tên gọi là “Cánh Đồng Đồn” và “Cánh đồng Bứng”-dàn ra hai bên đường Cái quan, Tôn Sĩ Nghị đã cho đóng tới 3 vạn quân, cử chính phó tướng của mình là Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, cùng với cả hai chức Tổng binh Quảng Tây là Thượng Duy Thăng, Tổng binh Quảng Đông là Trương Triều Long đến trấn giữ. Lại còn cho đóng đồn Văn Điển ở ngay phía sau để tiếp viện. Và một loạt đồn nữa, ở phía trước để che chắn (phòng thủ) theo chiều dọc: Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Hà Hồi…
Đấy là những hành động nhiều nhất thì cũng chỉ có ý nghĩa chiến thuật để gỡ lại cái sai lầm chiến thuật chết người của phía Mãn Thanh: Đang đà dồn dập tiến quân, bỗng dưng khựng lại, theo lời huênh hoang của viên chủ tướng họ Tôn: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc đang còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!”.
Về phía Tây Sơn, thì như lời Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói khi dẫn đại quân từ Phú Xuân, qua Nghệ An, Thanh Hóa, ra tới vùng đèo Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15-1-1789): “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chỉ trong vòng mươi ngày là đuổi được giặc Thanh!”.
Theo “phương lược tiến đánh đã tính sẵn” ấy, quân Tây Sơn sẽ (đã) hành tiến tấn công theo đội hình “Bàn tay xòe”:
- Trung quân (ngón tay giữa) gồm bộ binh và tượng binh (100 thớt voi chiến) do chính Quang Trung chỉ huy, hành quân chiến đấu dọc con đường Cái quan, từ Tam Điệp thẳng tới Thăng Long, đánh vỗ mặt đạo Trung quân của địch.
- Cánh thủy quân thứ nhất (ngón đeo nhẫn) đi đường ven biển, do Đô đốc Tuyết chỉ huy, vào cửa sông Cái, đánh đạo Tả dực của quân Thanh đóng ở Hải Dương, không cho nó lên ứng cứu Trung quân.
- Cánh thủy quân thứ hai (ngón tay út), do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng theo đường biển, nhưng vòng xa lên mạn Lục Đầu, chẹn đường Trung quân giặc thua chạy về nước, ở Phượng Nhãn (Bắc Giang).
- Cánh kỵ binh và tượng binh (ngón tay trỏ) do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi song song với đạo Trung quân nhưng chếch về phía Tây, theo đường đồi núi, đổ ra Đại Áng, phục binh ở phía tây Ngọc Hồi.
- Cánh Khinh binh tinh nhuệ (ngón tay cái) do Đô đốc Long chỉ huy, vòng xa hơn về mạn tây, theo con đường “Thượng đạo” (đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn ngày nay) bất ngờ đến Khương Thượng, sát Đống Đa ở mạn tây nam Thăng Long, đánh vỗ quân Hữu dực của giặc ở đây, rồi nhanh chóng thọc dao vào sau lưng Trung quân (đại bản doanh) Tôn Sĩ Nghị.
Đúng đêm 30 Tết, triển khai thế trận, đạo Trung quân Tây Sơn xuất phát từ Tam Điệp. Đánh mạnh và quá nhanh, chỉ qua hai ngày Mồng Một và Mồng Hai Tết, tiến dọc chiều sâu chính diện 80km, nhổ phăng các đồn tiền tiêu Gián Khẩu, Nguyệt Quyết… của địch. Đến đêm Mồng Ba Tết, đạo quân này đã tiến tới trước đồn Hà Hồi – cách Ngọc Hồi 6km, cách Thăng Long 20km.
Chỉ chốc lát, và chỉ một cung đường ngắn ngủi nữa, đạo Trung quân này đã hoàn toàn có thể tấn công Ngọc Hồi, chậm nhất là vào sáng sớm Mồng Bốn Tết.
Nhưng thực tế, đã không có trận đánh nào ở Ngọc Hồi trong cả ngày Mồng Bốn Tết ấy.
Vì sao như vậy?
Đã có nhiều cách giải thích từ trong lịch sử. Chẳng hạn như (và cả 3 vạn quân tướng giặc ở Ngọc Hồi cũng đã nghĩ thế) rằng vậy là để dứ đòn, khiến quân Thanh phải căng thẳng, mệt mỏi đối phó, trước khi trận đánh thực sự nổ ra.
Nhưng thật ra, đây chỉ là động thái chờ nhau giữa các cánh quân Tây Sơn, để phối hợp nhịp nhàng, hữu hiệu, trong một thế trận, với “phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi”-như lời tuyên bố của Quang Trung từ trước đấy.
Bởi vì đạo Trung quân do chính chủ soái Tây Sơn chỉ huy, vừa đi đường thẳng và phẳng, vừa đánh quá nhanh, cho nên phải chờ đạo Hữu dực đi đường thủy và vòng xa về phía đông. Nhất là phải chờ đạo Tả dực cũng vừa phải vòng xa về mạn tây, lại vừa phải đi đường núi. Đặc biệt đối với việc đánh Ngọc Hồi, thì Quang Trung còn phải chờ cánh quân Đô đốc Bảo, giữ vai trò rất quan trọng là trực tiếp đến đích phối hợp tác chiến.
Một ngày và một đêm-từ sáng sớm Mồng Bốn Tết đến sáng sớm Mồng Năm Tết-là thời gian cần và đủ để điều hành và thực hiện tất cả những công việc và hành động quân sự trên chiến trường ấy.
Cho nên, rạng sáng Mồng Năm Tết, khi Quang Trung vừa tháo chiếc khăn vàng hoàng đế chít đầu, thắt vào quanh cổ để tỏ ý quyết không sống nữa nếu không thắng trận này và vừa trèo lên bành voi phất cờ lệnh cho toàn đạo Trung quân xung trận, bất chấp địa lôi, rào cản, súng đạn, hỏa mù… chống trả của giặc, sau đấy đã tràn được vào đại đồn Ngọc Hồi mà đánh giết, khiến chiến trường “máu ngập đến mắt cá chân”. Như sự ghi chép của sử cũ thì những kẻ sống sót khi bỏ đồn chạy thục mạng về phía Thăng Long, nhưng vấp phải đội quân nghi binh Tây Sơn phục sẵn, nổi dậy giương cờ gióng trống xua đuổi, chúng đành phải dạt cả về phía tây, để ở đấy mà chịu trận đánh tiêu diệt của Đô đốc Bảo vừa kịp đến phối hợp: Dùng voi, ngựa giày xéo, giẫm đạp toàn bộ quân giặc dưới khu bùn lầy Đầm Mực!
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Cũng vào lúc rạng sáng Mồng Năm Tết ấy, cánh khinh binh vu hồi của Đô đốc Long đã kịp tới đích để cùng dân chúng “Ba làng gừng” (Khương Thượng, Khương Trung, Khương Đình) làm “trận Rồng lửa”, phá tan đại đồn Đống Đa của quân Thanh, rồi nhanh chóng xông qua cửa Ô Chợ Dừa, đánh thẳng vào sau lưng đại bản doanh địch. Chủ tướng Tôn Sĩ Nghị đang mải miết theo dõi, chỉ huy hướng trận phía trước ở mạn nam-Ngọc Hồi-bất ngờ, thảng thốt, chỉ kịp đập kiếm lệnh xuống bàn, thét câu: “Địch trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên à?” và nhảy ngay lên con ngựa chưa kịp thắng cả yên cương, vượt sông Cái (sông Hồng) cắm đầu chạy một mạch về nước, sau khi may mắn nhờ vứt bỏ cả ấn tín, giấy tờ… mà thoát khỏi được chiếc bẫy chẹn đường ở Phượng Nhãn của Đô đốc Lộc vừa kịp đến giương lên ở đấy.
Người dân Thăng Long đón vua Quang Trung ngày Mùng năm Tết
Chiến dịch giải phóng Thăng Long vậy là kết thúc thắng lợi trọn vẹn vào ngày Mồng Năm Tết. Hiện chưa thể biết rõ hết, trong ngày Mồng Bốn Tết trước đấy, phương thức thông tin liên lạc để “điều binh khiển tướng” đã được vị Hoàng soái Tây Sơn Nguyễn Huệ thực hiện cụ thể như thế nào, để có thể tạo ra được sự phối hợp nhịp nhàng đến mức thần diệu như vậy giữa năm cánh quân, đúng là năm ngón tay của một “Bàn tay xòe chỉ thẳng”, nhưng lại là những đơn vị lớn, hoạt động với những nhiệm vụ trọng đại khác nhau và ở xa nhau! Tuy nhiên, chắc chắn là trong một ngày đánh trận Ngọc Hồi chậm lại ấy, những công việc vô cùng cần thiết nhưng tinh tế và khó khăn, phức tạp cực kỳ như thế, đã được tổ chức thực hiện một cách tuyệt vời!
Xem thêm: NHỮNG CÁI TẾT OAI HÙNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ CỦA VN
Đọc nhiều nhất
-
Đường Định mệnh (Sự nghiệp/May mắn)
Dẫn nhập: ngày trước cũng tò mò về cái chủ đề chỉ tay, rồi xem tay, rồi tự đọc và tìm hiểu loạn xị cả lên, thực ra kết quả chính là để loè g... -
Phim: Buddha – Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Buddha về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn. Bộ phim lấy cảm hứng ( hoặc cũng có thể gọi là được chuyển t... -
Xem phim "Analyze This" của Robert De Niro
Hôm nọ có xem cái phim "Analyze This" của Robert De Niro về xem, thấy vui vui, nay giới thiệu sơ sơ với mọi người... -
Nguyệt Ánh: Chill-out là thương hiệu của tôi
Chủ đề cuộc gặp lần này xoay quanh dự án Nguyệt Ánh Chill-out của Nguyệt Ánh đang được chú ý trên báo chí, trong các forum âm nhạc và cả ở ... -
Nếu không có thực lực, bạn chỉ là kẻ ăn bám
Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người chạy, chỉ có tự dựa vào chính mình mới là đáng tin cậy nhất. Ba mẹ có là ông nọ bà kia đi chăng nữa... -
36 câu hỏi để yêu nhau
20 năm trước, nhà tâm lý học người Mỹ Arthur Aron đã tự soạn ra một bộ 36 câu hỏi, với mục đích khiến cho hai người hoàn toàn xa lạ yêu nhau... -
Hiệu ứng domino và bí quyết tạo lập chuỗi các thói quen tích cực trong cuộc sống
Các hành vi của con người đều có mối liên hệ tương tác lẫn nhau Hãy lấy ví dụ về trường hợp của Jennifer Lee Dukes. Sau hơn 2 thập kỷ, từ k...
Tham khảo
Liên kết web
Phân loại
Báo chí
(55)
Văn hoá
(33)
Tâm lý
(29)
Tán nhảm
(27)
Công nghệ
(25)
Blog
(17)
Xã hội
(16)
Nghề nghiệp
(15)
Phim
(15)
Quora
(14)
Con người
(13)
Kinh doanh
(13)
Nhạc
(13)
Cuộc sống
(11)
Kỹ năng
(11)
Marketing
(11)
Công cụ
(10)
Lập trình
(10)
Lịch sử
(10)
Sách
(10)
Cặp đôi
(9)
Phát triển
(9)
Thiền
(8)
Tình yêu
(8)
Tản mạn
(7)
Sức khoẻ
(6)
Chính trị
(5)
Giáo dục
(5)
Hạnh phúc
(4)
Kim Dung
(4)
Kiếm hiệp
(4)
Mạng xã hội
(4)
Phát triển cá nhân
(4)
Phần mềm
(4)
Tiền tệ
(4)
Tài chính
(4)
Thực hành
(3)
Tâm linh
(3)
Quản lý công việc
(2)
Quản lý thời gian
(2)
Tiếp thị
(2)
Chăm sóc khách hàng
(1)
Làm việc
(1)
Lãnh đạo cá nhân
(1)
Nguỵ biện
(1)
Quản lý cá nhân
(1)
Thương hiệu
(1)
Tình dục
(1)