4:22 CH @ Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

KHỞI NGHIỆP - TS. Alan Phan

Những gì tôi sắp viết bạn sẽ không thấy trong sách nào hay báo chí nào, mong rằng sau bài này sẽ có nhiều người cân nhắc cơ hội nghề nghiệp của mình là khởi nghiệp. Vì những người viết báo khởi nghiệp không phải là những người khởi nghiệp, có phỏng vấn đại gia thì người ta cũng sẽ trả lời kiểu trả lời báo chí và những đại gia thường bận quá chẳng chịu viết. Nếu họ có viết sách thì khi đó họ đã quá thành công và không còn nhớ cái tâm trạng và hiểu biết của họ thời chập chững như nào nữa. Tôi nghĩ rằng bài này rất hợp với nhiều người vì tôi đang ở trong đúng cái chân núi đó, tiền không nhiều, mắc sai sót hàng ngày nhưng cũng có trải nghiệm và thành tựu nhất định.

1. TẠI SAO TÔI LẠI ỦNG HỘ BẠN KHỞI NGHIỆP?

Vì một nền kinh tế luôn cần có những người giải quyết những vấn đề ngổn ngang, luôn cần những sản phẩm dịch vụ mới. Khởi nghiệp thì tất cả thời gian là của bạn, thích làm lúc nào thì làm, bạn sẽ giàu, rất giàu, siêu siêu giàu nếu thành công. Nhưng chuyện không dễ như thế, bạn sẽ có thể mất nhiều tiền, tuyệt vọng, gia đình mắng chửi…

Tôi biết rất nhiều người khởi nghiệp nhưng không như ý và mất mát rất nhiều, nhưng qua đó họ đều trưởng thành hơn, không có gì là thất bại nếu như mình học được từ nó. Không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách – tên một quyển sách rất nổi tiếng của chủ tịch Huyndai. Bạn chỉ cần đúng một tố chất là có thể trở thành doanh nhân được, đó là yêu thích giải quyết vấn đề, còn lại mọi thứ khác đều học và luyện tập được bằng ý chí và quyết tâm.

Có thể bạn không biết chứ một người làm chủ như Xôi Yến (một cửa hàng xôi gần hồ Gươm, trên đường Nguyễn Hữu Huân) một tháng cũng phải bỏ túi 400 - 500 triệu đồng tiền lãi. Hoặc một chị học FTU chỉ mới K44 (1987) mà đã tự mua được một cái nhà trên Kim Mã 5 Tỉ nhờ mở Take One. Anh Điệp - CEO Vật Giá - FTU (1979) tài sản giờ cũng tầm vài trăm tỉ và còn rất nhiều thành phần đại gia âm thầm khác…

Thế giới của những người khởi nghiệp thường không được nhiều người biết đến vì không có trường nào dạy, cũng không bao giờ được in trong quyển "Những Điều Cần Biết về Tuyển Sinh". Đại học là dạy nghề để làm thuê. Các phụ huynh thì luôn muốn con mình “ổn định”, nhưng sự thật là nghèo ổn định, biết bao giờ mới mua được cái nhà cái xế hộp ở Hà Nội chật chội này đây.

2. DOANH NHÂN KHỞI NGHIỆP LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Để làm một cái gì đó thành công thì mình phải thật rõ cái hình ảnh mà mình muốn trở thành. Doanh nhân không phải là người có nhiều tiền, được gọi là doanh nhân có từ “nhân” đằng sau thì họ phải theo một cái gì đó lớn hơn chính sự thỏa mãn giàu sang của bản thân. Khởi nghiệp là để thỏa mãn ước mơ, đam mê và vì những gì xung quanh xã hội mình đang sống. Cái tên của họ vẫn còn mãi sau khi họ chết đi, điều đó mới thực sự đáng mơ ước. Họ luôn cân nhắc môi trường và lợi ích của người tiêu dùng với từng sản phẩm và dịch vụ của họ. Làm ra tiền bằng mọi cách chính đáng chứ không phải bằng mọi giá.

3. CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ KHỞI NGHIỆP?

a) Vượt qua rào cản tâm lý để bắt đầu

Người Việt Nam không có thói quen chào đón với thất bại, họ không muốn con mình làm một cái gì đó mạo hiểm và họ sẽ bằng mọi cách ngăn cản. Gia đình thường muốn con mình “tập trung học” mà không biết rằng trường đại học cũng chẳng dạy gì giúp cho nghề nghiệp nhiều. Bạn phải “tập” cho bố mẹ quen với việc không thể can thiệp được tương lai con mình nữa, xác định cho gia đình biết trước là khởi nghiệp sẽ có thể mất tiền và mất nhiều thứ vì thế không nên dầy vò con khi ngã và hãy để cho con ngã vài lần con sẽ tự đứng lên đi tiếp (cách tốt hơn là đừng cho bố mẹ biết).

Rào cản tiếp theo là giới hạn của chính bản thân các bạn. Bạn có một ý tưởng bạn cho là siêu phàm, bạn dành vài tháng để nghĩ về nó nhưng cũng chẳng dám làm gì với nó vì “ngại”, bạn quá thoải mái với vòng an toàn của mình, và bạn tự thuyết phục bản thân mình rằng là mình chưa đủ chín để thực thi ý tưởng này. Để vượt được rào cản này thì bạn phải tập được cho mình thói quen luôn và ngay, nói theo ngôn ngữ trẻ hiện nay là “thích thì nhích”. Bằng mọi giá từ bỏ thói quen trì hoãn, nếu để tới mai thì sẽ còn ngày kia và tuần sau, tháng sau và không bao giờ nữa.

Còn về việc thiếu nguồn lực thì bạn nên biết rằng khởi nghiệp là lúc nào bạn cũng thiếu thốn nguồn lực, làm ít thiếu ít làm nhiều thiếu nhiều. Thời điểm tốt nhất là hôm nay chứ không phải ngày mai. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ chỉ một bước đầu tiên, muốn tắm nước lạnh thì phải dội nước vào chân mình trước đã. Đúng là nếu muốn vấp ngã thì chỉ nên chọn lúc mình đang còn trẻ và sung sức để đứng dậy được, chẳng có thời gian nào tốt hơn thời gian sinh viên này đâu. Nghĩ nhiều mà không làm thì cũng giống như người làm mà không nghĩ.

b) Học gì trước tiên: Giao tiếp và bán hàng

Bài học đầu tiên là phải biết quí trọng đồng tiền để thấy bố mẹ làm ra tiền vất vả như thế nào. Giao tiếp là kĩ năng sống còn để thành công, còn bán hàng là kĩ năng sống còn của doanh nhân. Hãy tham gia một công việc bán hàng nào đó mà cần mình phải vượt qua ngại ngùng nói trước đám đông và biết chấp nhận sự từ chối của người khác một cách vui vẻ, học được cái tinh thần không bỏ cuộc là cực kì quan trọng. Khi khởi nghiệp thì đích thân chủ cũng là người bán hàng, kế toán, quét dọn, sản xuất…

Bán hàng là một nghề vinh quang vì họ nuôi sống cả tổ chức, hãy luôn coi mỗi lần bán hàng là một thử thách mình cần chinh phục. Tập bán thật nhiều các loại hàng hóa có thể vào để hiểu được cách tiếp cận với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức khác nhau như nào. Tôi còn nhớ có lần xách rượu cần tới từng phòng kí túc xá Xây Dựng hỏi bán hồi gần tết, phòng nào cũng thích lắm nhưng toàn đứa hết tiền chẳng thèm mua... Nghĩ lại hồi ấy thì cũng ngại ngùng thật. Bất kể việc bạn làm nó “chuối củ” đến đâu thì sau này vẫn luôn là một kỉ niệm đẹp, vì thế đừng ngại làm những thứ mình chưa bao giờ làm.

c) Học kinh doanh nhỏ

Khi đã “mặt dày” thì hãy bắt đầu làm những việc mà cần mình phải bắt đầu làm một việc nào đó mà mình phải đứng mũi chịu sào lo toan toàn bộ. Nhớ câu thần chú “start small, really small”. Một số người thích kinh doanh và có một ý tưởng hay thường có một kiểu khởi nghiệp hài hước là dồn toàn bộ tiền của mình vào khởi nghiệp và làm cho nó thật hoành tráng tử tế. Họ đâu biết rằng 99,99% phi vụ kinh doanh đầu tay là sẽ thất bại. Không phải vì ý tưỏng tồi mà do khả năng thực thi của họ không tốt. Làm một vài phi vụ kinh doanh nhỏ sẽ dạy cho bạn những bài học rất ngấm về tiếp thị, vận chuyển hậu cần (logistic), chọn địa điểm (location), trang trí, bán hàng, đàm phán, mua hàng, chuẩn bị và lập kế hoạch, giữ được tinh thần chiến đấu không bỏ cuộc…

Học bơi thì phải uống chục lít nước trong bể mới thành được, chỉ đọc sách không làm bạn trở thành doanh nhân, phải đích thân xông pha. Street-smart là cực kì quan trọng, cũng quan trọng như book-smart vậy (xin lỗi vì phải dùng thuật ngữ tiếng Anh vì tiếng Việt diễn giải rất dài).

Nhiều giảng viên môn kinh doanh của đại học Việt Nam tệ là vì họ không gần doanh nghiệp, những gì họ dạy thường từ sách, và số ít họ là kinh doanh một cái gì đó thực sự nên đừng trông chờ gì từ nền giáo dục đại học mà khởi nghiệp. Bạn học về “chiến lược”, “thương hiệu”… toàn là thứ dùng cho doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp khởi sự thì cái cần dùng khác sách giáo trình rất rất nhiều. Bạn có thể bắt đầu nhỏ như bán hoa 8/3, to hơn có thể mua quần áo về bán online…và nên bắt đầu bằng một nhóm vài người chứ không nên làm một mình để học cách làm việc nhóm nữa.

Một phần rất quan trọng là phải bắt đầu xây cho mình một hệ sinh thái khởi nghiệp. Không nên nghe lời, không nên ở gần những người có tư tưởng ổn định và an nhàn, họ sẽ cố dìm bạn xuống cho “ổn định” được như họ, họ sẽ nói cả ngàn lí do rằng bạn sẽ không thành công và ý tưởng của bạn không đáng giá. Tìm những người bạn muốn khởi nghiệp và những anh chị đã khởi nghiệp để học hỏi. Chỉ có những người khởi nghiệp mới nâng đỡ và mang lại niềm vui cho nhau lúc trái gió trở trời.

Bên cạnh họ bạn sẽ thấy khó khăn nhẹ đi và thử thách sẽ trở nên thú vị hơn. Có những bài học không cần phải trả giá vẫn học được. Và không có người hướng dẫn thì bạn sẽ đi rất chậm. Đợi khi ra trường có công việc “ổn định” và thu nhập mới khởi nghiệp? Không. Bạn chẳng cần kinh nghiệm từ các tập đoàn bằng khả năng xoay sở của bạn kìa.

Đọc sách, đọc nhiều sách về kinh doanh và khởi nghiệp. Tôi đọc và nghe audiobook cũng phải 3-400 quyển. Gần như tất cả những gì tôi làm và định làm là sách đã mang cho tôi ý tưởng hết cả rồi. Các doanh nhân tỉ đô cũng đọc cực kì nhiều sách. Sinh viên chỉ hay chăm đọc kenh14, những từ mà người ta đọc nhiều nhất chắc là “lộ hàng”, “hiếp dâm”, “chân dài”… một tháng hãy đọc lấy một quyển sách, giảm thời gian đọc những thứ giải trí và chỉ thỏa mãn trí tò mò.

d) Kinh doanh thật sự

Thời điểm bạn đã có một ý tưởng tiềm năng đã đến và bạn muốn bắt tay vào làm cho nó thành một gia tài. Lúc này là tiền thật và người thật, không còn mang tính lướt sóng như trước nữa. Vì không biết được những điều sắp tới này nên rất nhiều bạn trẻ đã phá sản trong tức tưởi và tiếc nuối. Hãy tự viết nó lên tường và nhắc mình không được quên.

Oh yeah! Ý tưởng của mình trị giá cả triệu đô ấy chứ!

Luôn bắt đầu kinh doanh bằng việc thử nghiệm sức sống của ý tưởng trước. Bắt buộc. Bạn có ý tưởng làm đồ ăn chay giao tận nhà thì đừng vội mua đồ đạc bàn ghế đầu tư website vội. Hãy thử xem thị trường của bạn rộng đến mức nào và khả năng cung ứng của bạn đến mức nào. Làm thử một cái blog, quảng cáo quanh khu văn phòng mình, tự nấu nướng tại nhà và giao đi. Từ ý tưởng đến thực tế là một câu chuyện hoàn toàn khác, thị trường có thể không lớn như bạn nghĩ đâu. Chưa gì đã mua rất nhiều đồ đạc, thuê nhà cửa thì bạn sẽ có thể lãng phí rất nhiều.

Khởi nghiệp là để xây dựng gia tài, chứ không phải là để chứng tỏ bạn thông minh nhường nào. Lập kế hoạch và luôn tính toán từ trước. Rủi ro là đương nhiên nhưng tính sao cho bạn không quá đau thương khi vấp ngã, vẫn còn chí hướng để làm tiếp. Nhiều người ngã quá đau nên cứ nghĩ lại là thấy sợ.

Nên nhớ rằng ý tưởng rất rẻ, quan trọng là thực thi. Nokia ngày xưa là công ty làm bột gỗ, Deawoo là một xưởng dệt may… Ý tưởng gì không quan trọng bằng khả năng thực thi của bạn lớn như nào. Có một công ty ở Mỹ trị giá tới 6 tỉ đô chỉ đơn giản là làm gấu bông theo đơn đặt hàng, khách hàng được tự tay khâu gấu. Theo một lời khuyên của một lão làng là chỉ nên khởi nghiệp với một ý tưởng cũ và mình làm tốt hơn, mình là có thể có lãi, mình đáp ứng một loại khách hàng tốt hơn sẽ đảm bảo khả năng thành công cao hơn nhiều. Đừng “quyết chiến” với một ý tưởng mà chưa từng tồn tại trên thế giới bao giờ, khả năng thất bại sẽ rất cao.

e) Tiền

Máu của doanh nghiệp, và thường là doanh nghiệp chết vì hết tiền. Do đó khi bắt đầu bạn phải tìm mọi cách và mọi giá để tiết kiệm tiền đầu tư vào doanh nghiệp. Thường chi phí sẽ bị đội lên gấp 3-4 lần so với cái bản nháp một trang “kế hoạch kinh doanh” của bạn. Phải chi li và tính sao cho mình đủ tiền một năm, đừng trông chờ là làm 3-4 tháng có doanh thu sẽ bù để làm tiếp. Mua sắm đồ cũ, tăng xin, dùng phần mềm nguồn mở, web tự đi nhờ viết, logo search google rồi tùy biến chẳng hạn.

Đồ cũ mình mua mà bán lại thì cũng được gần như giá trị lúc mua về nên bạn sẽ vẫn giữ được rất nhiều tiền còn lại, còn tiền là còn bày keo khác được. Hết tiền là bạn sẽ rất khó xin hoặc vay ai khác nữa lắm. Có một điều lầm tưởng là khởi nghiệp cần phải rất nhiều tiền nhưng thực tế là cần khả năng xoay tiền của bạn hơn. Dù thế nào thì bạn cũng chẳng bao giờ đủ tiền để làm doanh nghiệp đầu tay đâu, càng làm càng thiếu. Và khởi nghiệp nên dùng tiền của chính mình chứ không phải tiền bố mẹ cho để đảm bảo từng quyết định dùng người, từng quyết định mua sắm của mình là chính xác.

f) Người

Chỉ nên khởi nghiệp với đội ngũ sáng lập không quá 2 người làm điều hành. Người thứ 3 thể nào làm cho mâu thuẫn. Các bạn thử điểm các công ty lớn mà thành công chúng ta biết đều 2 người hoặc một người. Google là Sergey Brin và Larry Page, Apple là 2 bác Steve, Microsoft là Bill Gate và Paul Allen (Steve Balmer là vào để điều hành giúp thôi chứ không phải cùng khởi sự). Sai sót về tuyển người có thể kết liễu doanh nghiệp của bạn, hãy chọn cho team mình những người nào họ không làm việc vì tiền mà làm vì yêu ý tưởng.

Chọn những người mình yêu quí được và chơi được để khó khăn còn thông cảm được cho nhau. Chỉ chọn những người nào có tiềm năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp của mình. Hãy đối xử với nhân viên thật tốt như anh em, vì họ là những người mình gặp nhiều, quyết định chất lượng cuộc sống của mình mà. Chỉ có những người như thế mới làm cho lúc khó khăn và nản trở nên dễ dàng hơn. Khởi nghiệp sẽ hứa hẹn rất nhiều sóng gió và khó khăn đấy.

Nuôi doanh nghiệp khởi sự cũng giống như nuôi một đứa trẻ sơ sinh, nó chỉ có mục tiêu là sống, có cái ăn và không mắc bệnh tật gì. Đừng cho nó ăn quá nhiều để cố gắng làm nó lớn thật nhanh. Tìm hiểu và áp dụng Lean Start-up (khởi nghiệp tinh gọn). Tức là khách hàng cũng chính là một phần trong chu trình sản xuất và xây dựng sản phẩm. Như Google Docs là vừa làm vừa sửa liên tục theo yêu cầu khách hàng, còn Microsoft Word là 2 năm mới ra một lần thì lỗi phát hiện cũng không kịp sửa.

Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi