Nhạc Bất Quần - một góc nhìn khác
Nếu như trường thiên tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ là một bản giao hưởng hùng vĩ với bao cung bậc cảm xúc ngập tràn thì những nhân vật độc đáo trong khúc nhạc Tiếu Ngạo chính là những nốt nhạc thăng trầm tạo nên những những ấn tượng hằn sâu trong ký ức người đọc. Trong số đó, nhân vật trưởng môn Hoa Sơn Kiếm phái Nhạc Bất Quần là một trong những điểm nhấn độc đáo bậc nhất.
Có thể nói đây là một nhân vật mà tác giả Kim Dung đã dày công xây dựng và đã tạo thành một hình tượng Ngụy Quân Tử khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng vì bất ngờ.
Đã có quá nhiều những lời bình phẩm xấu xa nhất dành cho kẻ Ngụy Quân Tử mang danh Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy thử nhìn họ Nhạc từ một góc nhìn khác. Liệu rằng từ những góc nhìn đa diện, chúng ta sẽ có nhiều hơn sự đồng cảm với Nhạc Bất Quần?
1. Đọc Tiết Ngạo Giang Hồ, ta không khỏi rùng mình khi nghĩ đến những mưu thâm trầm đầy nham hiểm của Nhạc Bất Quần. Tuy nhiên, Nhạc Bất Quần cũng có bi kịch của riêng lão. Có thể, Nhạc Bất Quần đã tự mình dựng nên bi kịch cho mình khi tự biết rằng khả năng của mình có hạn nhưng tham vọng lại quá lớn lao.
Khi nhậm trọng trách là Trưởng môn Hoa Sơn kiếm phái, Nhạc Bất Quần có gì trong tay? Gần như như họ Nhạc không có gì ngoài một đống đổ nát do nội bộ môn phái tàn sát lẫn nhau. Lúc nào họ Nhạc cũng canh cánh với nỗi lo từ phe “kiếm tông” từ trong đánh ra và dã tâm xâm chiến trắng trợn của Tả Lãnh Thiền.
Với một người có bản tính thâm trầm nhưng táo bạo như họ Nhạc, chắc chắn lão không thể nào khoanh tay ngồi im chờ con tạo xoay vần được vì một tương lai đầy bất ổn đang chờ đợi phái Hoa Sơn của lão. Và lão chọn con đường hành động trong âm thầm. Con đường tìm đến “Tịch tà kiếm phổ” là lối thoát mà nhiều người sẽ nghĩ đến nếu bị đặt vào địa vị của Nhạc Bất Quần.
2. Có thể nói nếu như nội lực Hoa Sơn đủ mạnh, Nhạc Bất Quần đã không phải dày mưu tìm đoạt “Tịch tà kiếm phổ” làm gì. Bao năm tu luyện “Tử Hà Thần Công” và kiếm pháp Hoa Sơn, họ Nhạc tự biết giới hạn của môn phái. Có thể nói họ Nhạc đã dày công tập luyện và đã đạt đến đỉnh cao thành tựu trong Hoa Sơn kiếm phái.
Vốn là người trí mưu, bản thân họ Nhạc không thể không nhận thấy “khí tông” với Tử Hà thần công là căn bản cũng không thể sánh được với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự. Còn kiếm pháp Hoa Sơn? Họ Nhạc cũng hoàn toàn có thể nhìn “kiếm tông” của Hoa Sơn không thể dùng để tranh hùng thiên hạ được. Đơn giản vì những cao thủ “kiếm tông” khác như Thành Bất Ưu, Phong Bất Bình cũng chưa đạt đến ngang tầm võ công của lão. Vậy nếu muốn bảo toàn Hoa Sơn và tranh hùng thiên hạ, lão sẽ phải tìm đến với những kíp kíp võ công khác và “Tịch Tà kiếm phổ” là sự lựa chọn của họ Nhạc.
Sự lựa chọn đó có xấu xa không? Có thể nói hoàn toàn không phải là điều xấu! Liệu có ai bình tâm trước một “Tịch tà kiếm phổ” vô địch thiên hạ được không? Không chỉ những kẻ thấp kém như Mộc Cao Phong hay Dư Thượng Hải mà đến cả Tả Lãnh Thiền với một biển võ học trong tay cũng không thể kiềm lòng thèm khát kiếm phổ. Thậm chí cả bậc tu hành như Trụ trì Thiếu Lâm Tự Phương Chứng Đại Sư cũng không thể không xao xuyến khi nhắc đến kiếm pháp “Tịch Tà”.
Đến những cao thủ bậc nhất cũng đều thèm muốn Tịch Tà Kiếm Phổ thì việc họ Nhạc tìm mọi cách đoạt kiếm phổ cũng không phải là chuyện phải đáng phải lên án quá mức.
3. Tất nhiên sẽ có bạn đọc thắc mắc tại sao Nhạc Bất Quần không theo con đường của con “thần long phiêu hốt” Phong Thanh Dương và học lấy kiếm pháp vô địch thiên hạ? Có thể nói Nhạc Bất Quần không có được cái cơ duyên như đại đệ tử của lão là Lệnh Hồ Xung. Hơn nữa, kiếm pháp Phong Thanh Dương có thể xưng hùng thiên hạ nhưng đó không phải là kiếm pháp Hoa Sơn. Kiếm pháp đó chỉ mang tinh thần “kiếm tông” đặc trưng của cá nhân Phong lão tiền bối mà thôi. Còn khí cốt của kiếm pháp đó lại không hề liên quan đến “kiếm tông” của Hoa Sơn.
Độc Cô Cửu Kiếm với tinh thần “vô chiêu thắng hữu chiêu” là di sản tâm huyết một đời của Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại. Đó mới chính là yếu quyết để tạo thành một Phong Thanh Dương kiếm pháp vô địch. Từ đó có thể kết luận kể cả đỉnh cao của kiếm pháp Hoa Sơn, cho dù có là “khí tông” hay “kiếm tông”, thì cũng còn xa mới có thể sánh ngang được với những cao thủ khác như Tả Lãnh Thiền, Nhậm Ngã Hành hay Xung Hư Đạo Trưởng. Và việc tìm đến “Tịch Tà kiếm phổ” của Nhạc Bất Quần như một lối thoát là điều có thể phần nào thông cảm được.
4. Trên phương diện là một Trưởng môn, có thể nói Nhạc Bất Quần đã thực hiện công việc của mình xuất sắc hơn hẳn nhiều Trưởng môn khác, ít nhất là trong nội bộ Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Trong khi phái Thái Sơn luôn bất ổn với những mầm nổi loạn ẩn sâu trong nội bộ khiến sau này Thiên Môn đạo nhân phải chết thảm thì Nhạc Bất Quần đã xây dựng một Hoa Sơn thống nhất và đoàn kết hơn rất nhiều.
Với Hành Sơn, không thể phủ nhận Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh là một trong những nhân vật để lại ấn tượng tốt trong lòng người đọc nhưng trên vị trí là trưởng môn, ông không hề hoàn thành trách nhiệm của mình. Việc tiêu dao tự tại nay đây mai đó phù hợp với bản tính phóng khoáng của Mạc Đại Tiên sinh nhưng phái Hành Sơn không có trưởng môn sát sao nên dễ dàng chịu sự can thiệp của Tả Lãnh Thiền khi tàn sát Phó Bang Chủ là Lưu Chính Phong. Trong thời gian làm Trưởng môn, Nhạc Bất Quần sát sao và có trách nhiệm với môn phái hơn rất nhiều so với Mạc Đại Tiên sinh.
So với Định Nhàn Sư thái phái Hằng Sơn, Nhạc Bất Quần đã tạo ra được những thế hệ đồ đệ giỏi và có tiềm năng phát triển hơn hẳn so với những đệ tử của Hằng Sơn phái. Có thể nói về việc chăm lo cho môn phái, quy tụ nhân tài, xắp xếp công việc môn hộ, chỉ có Trưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền mới có được sự chú tâm và trách nhiệm tương đương so với Hoa Sơn Nhạc Bất Quần.
5. Về mặt “tài”, có thể Nhạc Bất Quần có phần không xuất chúng như các cao thủ hàng đầu khác. Nhưng thực tế cho thấy nguyên nhân trên phần nào do cuộc thanh trừng nội bộ trong môn phái đã không thể để lại những cái tinh hoa nhất cho họ Nhạc tiếp thu. Đó không phải là lỗi của Nhạc Bất Quần.
Về mặt “trí”, có thể nói Nhạc Bất Quần đã vượt xa so với tất cả những cao thủ khác. Biết rằng mình đang bị Tả Lãnh Thiền tìm cách hạ bệ và cài người vào nhưng bề ngoài họ Nhạc hoàn toàn thản nhiên, không hề để lộ bất cứ một chút gì tâm cơ và khiến cho các đối thủ khác hoàn toàn bất ngờ.
Sự ẩn nhẫn và thâm trầm của lão khiến người ta kinh sợ nhưng không khỏi có phần nể phục trước sức chịu đựng, sự toan tính và những nước cờ cao tay của lão trước đối thủ trực tiếp là Tả Lãnh Thiền.
6. Việc con gái của Nhạc Bất Quần là Nhạc Linh San yêu Lâm Bình Chi sau này khiến cho người ta quy kết rằng họ Nhạc đã xắp xếp từ đầu, sẵn sàng đánh đổi con gái làm mồi nhử để lấy bí kíp tuyệt học. Thực ra đây là suy đoán hoàn toàn gò ép.
Ví thử tự đặt mình vào địa vị là một người cha, ta sẽ chọn ai giữa Lệnh Hồ Xung và Lâm Bình Chi để gả cho con gái yêu? Cá tính ham chơi, lãnh mạn, phóng khoáng, vô nguyên tắc của Lệnh Hồ Xung rất tốt để kết bạn nhưng chưa chắc đã tốt để gây dựng một gia đình hạnh phúc và yên ấm. Trong khi đó, Lâm Bình Chi có sự chín chắn, cẩn trọng và có nhiều hơn yếu tổ để trở thành một người chồng, người cha tốt cho gia đình. Đó là chưa kể gia thế nhà họ Lâm với tiềm lực kinh tế hùng hậu mới thực sự môn đăng hậu đối với Nhạc Bất Quần.
Ở cương vị là một người cha, khó có thể trách được Nhạc Bất Quần khi toan tính chọn Lâm Bình Chi thay vì Lệnh Hồ Xung cho con gái của mình. Hơn nữa Nhạc Linh San thực sự yêu họ Lâm chứ không phải họ Lệnh, thành ra việc Nhạc Bất Quần để con gái kết đôi với Lâm Bình Chi là hoàn toàn phù hợp với lẽ logic thông thường.
7. Không có ai hoàn toàn xấu hay toàn toàn tốt, hoàn cảnh là một phần tạo nên những mảng tối sáng trong con người. Không thể nói Nhạc Bất Quần hoàn toàn xấu xa và đáng bị khinh bỉ. Nếu không phải là một đấng trượng phu giỏi giang và có những phẩm chất hơn người thì làm sao Nhạc Bất Quần có thể trở thành chồng của một Nữ hiệp có tính cách mạnh mẽ như Ninh Trung Tắc. Và không thể phủ nhận gia đình họ Nhạc đã có cả một khoảng thời gian hạnh phúc với kết quả là sự kết mầm của Nhạc Linh San.
Không thể phủ nhận công ơn dày công dưỡng giục của Nhạc Bất Quần dành cho Lệnh Hồ Xung. Và cũng không phải tự nhiên mà Lệnh Hồ Xung kính phục và coi họ Nhạc như một người cha. Nếu không thực sự có chân tình, làm sao lão có thể thuần hóa được một nhân vật có cá tính phá cách và phóng khoáng như Lệnh Hồ Xung?
Tất nhiên sau này Nhạc Bất Quần đã sử dụng nhiều người như những con tốt thí trên bàn cờ tham vọng của lão. Nhưng đó là khi lão đã chìm sâu trong tham vọng quá lớn của mình. Trên thực tế, Nhạc Bất Quần “dị sàng đồng mộng” với Tả Lãnh Thiền, Nhậm Ngã Hành cùng một giấc mơ: “Thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ”. Thực ra không chỉ riêng họ Nhạc mà cả Tả Lãnh Thiền và Nhậm Ngã Hành cũng đều bị giấc mơ này chi phối, trở nên u mê và độc ác. Vậy sao không thể thông cảm phần nào cho Nhạc Bất Quần?
Bình luận