4:36 CH @ Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Tổng kết năm cũ và xây dựng mục tiêu cho năm mới

LTS: giờ là những giờ phút cuối của năm kỳ lạ 2020. Thời gian trôi qua không quay lại được, vậy nên việc cần làm là tổng kết lại cái năm kỳ lạ này, rồi thiết đặt mục tiêu cho năm mới 2021.

Việc thiết đặt mục tiêu và phấn đấu đạt được mục tiêu là phần quan trọng trong cuộc sống cá nhân của mỗi người, vì đây là một trong hai cách để cam kết và giữ cam kết, là hành trình bắt buộc phải trải qua để trưởng thành. Vì khi ta đưa ra cam kết và giữ được cam kết với bản thân và với người khác, dù đó chỉ là các cam kết nhỏ thì cũng sẽ dần dần thiết lập được sự chính trực từ bên trong ta, mang lại nhận thức về sự tự chủ và lòng can đảm cũng như sức mạnh để nhận thêm trách nhiệm cho cuộc đời ta (Sống kiến tạo - sách: 7 thói quen hiệu quả, trang 110 - tác giả: Stephen R. Covey).



Khi tổng kết năm cũ và xây dựng mục tiêu cho năm mới, mỗi người có một cách thức tổng kết riêng khác nhau, đưa ra mục tiêu khác nhau. Và có rất nhiều phương pháp đã và đang được sử dụng. Với cá nhân tôi, tôi thích thú với phương pháp theo hướng "tư duy cuộc sống tối giản", vậy nên post lại đây để quý anh chị tham khảo nếu cần.


I. Tổng kết năm cũ

Tổng kết các thành tựu cá nhân đã đạt được, dựa trên 10 tiêu chí đơn giản mà bất kỳ cá nhân nào cũng đã trải qua theo hướng "đi từ bên trong ra ngoài", cụ thể:

  1. Tâm linh (Spirituality): các nghiền ngẫm, suy tư, tìm hiểu, luyện tập về đời sống tâm linh - tinh thần
  2. Tình cảm (Romance): chuyện tình cảm cá nhân
  3. Sức khoẻ (Health): tình hình ốm đau, luyện tập thể thao, bảo hiểm, ...
  4. Nâng cấp bản thân (Self Improvement): đã học thêm được kỹ năng nào mới, vỡ ra điều gì, đọc được bao nhiêu đầu sách?
  5. Nơi mình đang sống (Physical Environment): cảm nhận về nơi ở hàng ngày như thư thái, căng thẳng, tủi hờn, sạch sẽ, ầm ĩ, ...
  6. Tài chính (Finance): thu nhập/tiết kiệm so với năm ngoái, đầu tư lỗ/lãi, ...
  7. Sự nghiệp (Career): thăng tiến trong công việc ntn, hài lòng/không hài lòng điều gì, ...
  8. Du lịch (Travel): đi được bao nhiêu điểm, bao nhiêu nước, ...
  9. Bạn bè (Friends): kết bạn thêm được với bao nhiêu người, ai là bạn thân, ai là tri kỷ, ...
  10. Đóng góp cộng đồng (Giving): đóng góp/cho đi được bao nhiêu lần, đã tham gia vào các dự án cộng đồng/phi lợi nhuận ra sao, ...

II. Xây dựng kế hoạch cho năm mới

Tâm lý thường sinh ra chán nản khi các năm trước đặt ra mục tiêu, thực hiện được thời gian ngắn rồi lại dở dang hoặc khi tổng kết thì thấy kết quả không được như ý. Vậy nên ta cần xác định thực tế này để xây dựng kế hoạch cho năm mới một cách khả thi nhưng cũng đầy thách thức.
Vậy nên ở đây có hai gợi ý:
  • Một là: KHÔNG đo lường sự thành công dựa trên kết quả cuối cùng, mà đo lường dựa trên những thu lượm được trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu (các bài học, các trải nghiệm bản thân đã có, quá trình phát triển của bản thân tiến triển ra sao).
  • Hai là: chọn các thử thách là một (hoặc nhiều) điều gì đó mới mẻ mà ta muốn thay đổi, và nhớ chọn cái thứ thách nào đó mang lại niềm vui và giá trị lâu dài cho cuộc sống cá nhân, tập trung thực hiện để tối thiểu mỗi tháng (hoặc mỗi quý) hoàn thành được 01 mục tiêu/thử thách.
Có thể dựa vào bảng tổng kết 10 mục ở trên để thiết lập các mục tiêu cho năm mới. Sau đó bổ sung thêm một số điểm vào (vẫn theo phong cách tối giản cuộc sống). Dưới đây là các gợi ý để tìm kiếm các mục tiêu vui vẻ và thách thức để bổ sung vào một trong "10 cái gạch đầu dòng" ở bảng tổng kết.

1. Danh sách những thứ ta yêu
Thay vì nghĩ về những mục tiêu khô khan, hãy thay đổi bằng những thứ ta yêu. Tình yêu kì diệu lắm, nó là một nguồn năng lượng để đạt được điều ta muốn.
Lập một danh sách những điều ta yêu liên quan đến cuộc sống, tình cảm, công việc.
Điều gì thực sự ta yêu và muốn làm vào năm tới? Ta muốn dành thời gian cho ai?
Cách để tạo một danh sách những điều ta yêu:
  1. Chọn một không gian yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi Internet và bởi người khác, vd: quán cafe lạ nhưng vắng và đẹp.
  2. Mở một album nhạc nhẹ không lời (vd: của Secret Garden), có thể xông thêm tinh dầu thơm.
  3. Lấy giấy và bút, viết tự do những điều ta thực sự muốn làm trong năm tới mà không cần lo nghĩ đến tiền bạc hay sự ảnh hưởng của người khác.
Ví dụ:
  • Học bơi tốc độ
  • Học kỹ năng sơ cứu
  • 2 tuần đọc xong 1 cuốn sách mới
  • Đi du lịch ít nhất 6 điểm
  • Lắng nghe sâu, nghe nhiều hơn nói tối thiểu 3 lần
  • Có ít nhất 01 tháng (30 ngày) không phàn nàn, kể cả trong suy nghĩ

2. Có thể thêm điều gì vào cuộc sống?
Không phải là những món đồ vật chất, ta có thể thêm điều gì vào cuộc sống của mình trong năm tới không? Gợi ý:
  • Giá trị: tìm xem 03 giá trị (nguyên lý cho phẩm giá) ta đã và đang theo đuổi là gì? Từ trước tới giờ  ta đã sống (tư duy và hành động) đúng theo 03 giá trị/nguyên lý phẩm giá đó chưa?
  • Sự tĩnh lặng: cuộc sống có quá nhiều thứ bận rộn, đã có 05 phút mỗi ngày để tĩnh lặng và không làm gì chưa?
  • Nghệ thuật: dù có khiếu hay không thì cũng cần thử tìm hiểu về nghệ thuật cũng là một cách làm cho tâm hồn sâu hơn. Có thể thử đi xem triển lãm, xem kịch, tập nghe nhạc giao hưởng/nhạc jazz/nhạc rock.
  • Biết ơn: thực hành nói lời biết ơn trước bữa ăn, viết ra 03 điều biết ơn mỗi ngày.
  • Cho đi: càng cho đi nhiều thì càng nhận lại nhiều và những gì ta sẽ nhận được chính là những gì ta đã cho đi (Nhân - Quả, Nghiệp - Quả).
  • Tình yêu: mở lòng yêu mọi người vô điều kiện, tự nhiên sẽ thấy cuộc đời này rực rỡ lung lung linh hơn, cảm nhận về hạnh phúc trong ta mãnh liệt hơn.

3. Xây dựng 01 thói quen buổi sáng lúc vừa thức dậy
Dù dậy sớm hay dậy muộn, hãy xây dựng cho mình 01 bộ thói quen buổi sáng, trong 5 phút thôi cũng được. Trong 5 phút đó hãy dành thời gian cho mình trước.
Ví dụ: ngồi thiền 3 phút, uống một ly nước hay tập một vài động tác thể dục theo Suối Nguồn Tươi Trẻ.

4. Chia sẻ những trải nghiệm để giúp người khác
Không cần phải là một người siêu giỏi hay thành công nghìn tỉ, mỗi người chúng ta đều có một câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện đó biết đâu lại có thể giúp được một người xa lạ ở chung hoàn cảnh.
Vậy nên đừng ngần ngại bắt đầu một blog để chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân hoặc có thể thử chia sẻ câu chuyện trong các nhóm/diễn đàn mở có thể tìm thấy trên FB.

5. Tối giản tủ quần áo
Nếu chưa thử lối sống tối giản, thì khả năng rất cao là trong tủ quần áo của ta hiện tại có những món đồ đã lâu không mặc. Hãy dành một buổi thử mở tủ đồ ra, xem những món đồ nào đã 3-6 tháng gần đây không mặc, cân nhắc loại bỏ bớt hoặc cho người khác.
Những người sống tối giản có tham gia thử thách ‘Project 333’ – chỉ dùng 33 món đồ (quần áo, phụ kiện) trong 3 tháng – cũng thú vị để thử đấy nhỉ?

6. Chơi trò chơi tối giản
Nếu thấy mình đang có quá nhiều đồ đạc, hãy thử chơi một trò như thế này: Ngày đầu tiên bỏ đi một món đồ đang có, ngày thứ hai là 02 món, ngày thứ ba là 03 món, cứ thế cho đến hết 01 tháng.
Thử xem kết quả sao nhé.

7. Bỏ bớt
Thay vì thêm một mục tiêu mới, hãy thử nghĩ xem có phải ta đang theo đuổi quá nhiều? Điều gì có thể bỏ bớt đi để có thêm thời gian và không gian cho bản thân?
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi