Lý Mạc Sầu - Mộ chim nhạn chôn một đóa hoa tình
“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ - Thiên hạ hà nhân bất thức quân”
- Cao Thích
Kẻ phụng hiến toàn phần cho tình yêu đã ít thấy. Kẻ hận tình đến cùng cực thì còn khó kiếm hơn. Trong số những nhân vật của Kim Dung, chỉ duy nhất có một nhân vật đạt đến cảnh giới cao nhất của sự cuồng si về tình và cũng chìm xuống tầng sâu nhất của sự hận tình, đó chính là Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu.
1. Hiếm thấy có một tác gia nào lại dựng lên được nhiều hình tượng phụ nữ với tính cách đa dạng như Kim Dung. Ta tôn thờ sự băng khiết của Tiểu Long Nữ, ta yêu mến trí thông minh tinh nghịch của Hoàng Dung, ta cảm phục sự thông tuệ của Vương Ngữ Yến, ta ngậm ngùi với tính nhũn nhịn hy sinh của ni cô Nghi Lâm. Ta cũng không thể không kinh sợ trước sự lạnh lùng của Diệt Tuyệt Sư Thái, giận giữ trước tính tình ác độc của A Tử cô nương. Còn với Lý Mạc Sầu thì sao? Không thể không thấy căm phẫn trước những hành động tàn ác của nàng. Nhưng khi Lý Mạc Sầu bị độc hoa tình hành hạ, tự lao mình vào đám lửa rực cháy chốn Tuyệt Tình Cốc và hát lên lời cuối: “Tình là gì hỡi thế gian? Lời thề sinh tử đa mang một đời” trong tuyệt tác “Mộ chim nhạn” của tác giả Nguyên Hiếu Vấn, ta không khỏi cảm thấy đôi chút ngậm ngùi cho số phận của nàng.
Lý Mạc Sầu nhất quyết là một kẻ dám yêu hết mình và sẵn sàng hy sinh tất cả để có được tình yêu. Những lời thề non hẹn biển và chút ít tình cảm của Lục Triển Nguyên dành cho nàng đã khiến nàng trở thành kẻ phụng hiến hết mình cho tình yêu. Khi con tim lên tiếng, đó là khi lý trí câm lặng. Lý Mạc Sầu đã sẵn sàng vứt bỏ con đường khổ luyện để tranh ngôi chủ nhân của Cổ Mộ Phái. Nàng cũng chấp nhận trở thành kẻ phản bội sư môn khi đạp tan những lề luật nghiệt ngã của sư phụ chỉ để được ở bên người trong mộng Lục Triển Nguyên. Nhưng khi quyết liệt bước ra khỏi đường hầm an toàn mà cũ kỹ của Cổ Mộ để hồi hộp bước trên lối đi đầy sắc màu của tình yêu thì cũng là lúc nàng nhận ra đó là con đường cụt. Mối tình si được hứa hẹn đáp đền, giờ bị rũ bỏ phũ phàng.
“Vấn thế gian tình thị hà vật? Trực giao sinh tử tương hứa” trong tuyệt tác “Nhạn khâu” của Nguyên Hiếu Vấn đã trở thành câu hát đầu môi và gắn với số phận của Lý Mạc Sầu. Tình là gì mà lúc trước ấm nồng tình ý, giờ gặp lại như người xa lạ? Cô gái tuổi đôi mươi với trái tim băng khiết lần đầu hồi hộp bước ra khỏi bốn bức tường của Cổ Mộ đã vấp phải câu hỏi hóc búa nhất mà ngàn năm nay người ta chẳng thể giải thích được: “Tình thị hà vật?”
2. “Vấn thế gian” nhưng Lý Mạc Sầu đâu có hỏi thế gian? Nàng đang hỏi chính mình bởi nàng quá lụy tình. Nàng đã hy sinh tất cả, đã si cuồng với trái tim yêu mãnh liệt nhưng “trăng thề còn đó trơ trơ” mà “người tình đã bỏ ta đi như dòng sông nhỏ”. Lý Mạc Sầu phải làm gì? Quay lại Cổ Mộ Phái ư? Sư phụ Lâm Triều Anh của nàng chắc chắn không chấp nhận một kẻ đã phản bội sư môn. Nàng cũng không còn hy vọng bám víu gì vào tình yêu của Lục Triển Nguyên được nữa khi họ Lục đã quyết tâm ruồng rẫy. Khắp thiên hạ đều nhìn thấy nàng là một kẻ thất tiết, si dại và đáng bị coi thường.
Từ tột đỉnh của hạnh phúc, Lý Mạc Sầu đã rơi xuống vực thẳm của cay đắng. Trái tim son trẻ hằn những nhát chém của số mệnh đã trở nên khô kiệt tình yêu và chỉ còn đó những giọt độc hoa tình. Lòng kiêu hãnh của người con gái si mê bị tổn thương đến cùng cực. Không chỉ tình yêu mà hận thù cũng có ma lực che mờ lý trí. Thế gian khinh thường ta, đã vậy ta chẳng thèm coi thế gian là gì! Ta sẽ vẫn “điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một tiếng cười”. Ta sẽ trả thù kẻ bội tình. Ta sẽ gây thù chuốc oán với thiên hạ xem thử các ngươi có dám khinh nhờn ta không.
3. Lý Mạc Sầu đã chọn cho mình một lối đi đầy oan nghiệt. Nàng tạo cho mình một bản mặt lạnh lùng, một tính cách tàn nhẫn và reo rắc oán hờn gây bao đau đớn sóng gió trong giang hồ. Những gia đình yên ấm bị nàng tận diệt. Những đôi lứa hạnh phúc bị nàng chia lìa. Khi bị người tình chối bỏ, Lý Mạc Sầu đã trở thành một kẻ chối bỏ tất cả niềm hạnh phúc của những người khác. Tưởng rằng phá tan hạnh phúc của người mình yêu sẽ làm vết thương lòng dịu lại. Tưởng rằng hủy hoại thanh danh mình sẽ khiến người mình yêu hồi tâm chuyển ý. Tưởng rằng trả thù sẽ giải tỏa mối hận trong lòng. Nhưng không, nàng đã nhầm! Con đường Lý Mạc Sầu đã chọn chỉ khiến nàng thêm lún sâu vào cái bẫy của số phận do chính nàng giăng ra chứ không thể nào đưa nàng đến lối thoát mà mình hằng tìm kiếm.
Ẩn sâu trong tâm hồn của Lý Mạc Sầu, nàng là một nữ nhi thật yếu đuối. Dù có được che phủ bởi những “Băng phách ngân châm” hay “Ngũ độc thần chưởng”, dù có thể đả bại những cao thủ bậc nhất nhưng nàng vẫn một ngàn lần là kẻ yếu đuối. Lý Mạc Sầu yếu đuối vì nàng không đủ sức mạnh đối diện với thất bại trong tình trường. Nếu như Lâm Triều Anh với lý trí hơn người có thể xây nên cổ mộ để chôn chặt mối tình của mình với Vương Trùng Dương và dồn nén tình yêu của mình thành những chiêu kiếm tuyệt đỉnh của Cổ Mộ phái thì Lý Mạc Sầu không đủ lý trí để làm như vậy. Nàng quá yếu đuối để nỗi thất tình bỗng trở thành mối hận tình khôn nguôi. Nàng càng yếu đuối thì thù hằn càng che mờ lý trí và biến nàng thành kẻ độc ác bậc nhất thiên hạ. Nhưng phải chăng trong con người nàng chỉ có sự hận thù?
4. Trên mỗi cánh của chùa đều có hình ông Khuyến Thiện và ông Trừ Ác cũng như trong mỗi con người chúng ta Thiện-Ác luôn luôn tồn tại. Khi lý trí mạnh mẽ và tâm hướng Thiện, cái Ác sẽ bị đẩy lùi. Nhưng Lý Mạc Sầu vốn cả đời sống dưới lòng Mộ Cổ, va chạm xã hội gần như không có. Lần đầu bước chân ra giang hồ theo mách bảo của con tim thì mối tình si với người mình yêu bỗng thành tình phụ. Nàng lại vốn là người sống bản năng chứ không thiên về lý trí. Cái Ác đã nảy mầm khiến tính cách nàng biến đổi trở nên tàn bạo. Sự hận tù đã khiến nàng trở nên mù quáng. Nhưng Lý Mạc Sầu không phải lúc nào cũng tàn nhẫn đến mức cùng cực. Khi nhìn thấy chiếc khăn tay đính ước kỷ vật của mình trao cho người yêu, nàng đã dừng tay không hạ sát Lục Vô Song, đứa con của kẻ phụ tình mà nàng hằng căm hận.
Và tính Thiện trong người Lý Mạc Sầu được thể hiện rõ nhất khi nàng bắt cóc hài nhi Quách Tương. Khi đó, Lý Mạc Sầu tưởng rằng đứa trẻ là con tư sinh của Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Mà nàng vốn căm ghét Tiểu Long Nữ bởi Long cô nương dường như có được tất cả những gì mà Lý Mạc Sầu không có. Tiểu Long Nữ được sư phụ Lâm Triều Anh cưng chiều ưu ái. Tiểu Long Nữ được giang hồ ngưỡng mộ chứ không như nàng bị mọi người căm ghét. Và hơn tất cả, Tiểu Long Nữ có được tình yêu son sắt của Dương Quá chứ không như nàng hẩm hiu ôm mối hận tình với Lục Triển Nguyên. Theo logic thông thường và với bản tính tàn nhẫn vốn có, Lý Mạc Sầu sẽ xuống tay hạ sát hài nhi Quách Tương. Nhưng không! Chính sinh linh nhỏ nhoi và yếu ớt đó đã khiến tính Thiện trong con người nàng trỗi dậy. Tình yêu trong trái tim nàng có thể đã chết nhưng tình mẫu tử và khát khao làm mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Lý Mạc Sầu đã chăm chút cho đứa bé mặc dù nó là nghiệt chủng của những người mà nàng căm ghét. Thậm chí khi đã bại trận và cam chịu chết dưới tay Hoàng Dung, nàng vẫn một lòng xin cho đứa bé được sống sót. Phải chăng những giây phút gần gũi con trẻ, đó chính là lúc bản năng của người phụ nữ trỗi dậy mạnh mẽ khiến Lý Mạc Sầu sống những giây phút Thiện nhất trong cuộc đời đầy giông bão của mình?
5. Khi Lý Mạc Sầu lao mình vào lửa, dường như đó cũng là lúc nàng nhận thấy những gì mình đã dành suốt cả một cuộc đời tìm kiếm thật xa vời. Trái tim trinh nguyên của nàng có bao nhiêu tình yêu, nàng đã phụng hiến hết cho mối tình đầu với Lục Triển Nguyên. Vậy nên khi bị phụ tình, trái tim đầy tổn thương của nàng chẳng thể nào rung nhịp thêm với bất cứ một chàng trai nào khác nữa. Làm sao Lý Mạc Sầu có thể yêu được nữa khi ký ức của mối tình đầu quá lớn lao. Cả một đời yêu, cả một đời hận để rồi đến lúc chết vẫn không thể quên được hình bóng kẻ phụ tình và cũng là mối tình duy nhất. Phải chăng đó là lý do khi bị thiêu đốt trong đám lửa và từ giã cõi đời, nàng đã tự nhận thấy mình quá lụy tình để cất lên lời hát cuối: “Vấn thế gian, tình thị hà vật?”.
Tôi rất thích hai câu thơ của thi sĩ Cao Thích đời Đường, ngẫu nhiên câu thơ lại có tên của Lý Mạc Sầu: “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ - Thiên hạ hà nhân bất thức quân” (xin tạm dịch nghĩa: Đừng buồn khi trước mặt chẳng có một ai là người tri kỷ - Chẳng nhẽ thiên hạ lại không có ai hiểu được mình sao). Chẳng nhẽ người ta cứ mãi thù ghét Lý Mạc Sầu? Trong bản Thần Điêu Hiệp Lữ mới được hiệu đính, có thể thấy Kim Dung đã phần nào bày tỏ sự thông cảm với mối lụy tình đến mức cực đoan của Lý Mạc Sầu. Theo đó, Lý Mạc Sầu đã tâm sự rằng Lục Triển Nguyên vốn hứa hẹn rất nhiều với nàng khi còn đôi lứa mặn nồng. Nhưng gặp lại nhau, họ Lục đã hoàn toàn thay đổi, dửng dưng đến mức khách sáo. Khi nàng đau khổ nhất thì đó là lúc họ Lục mời nàng đến dự đám cưới của mình với người khác. Lý Mạc Sầu đã thống hận đến mức thổ huyết ngất đi và sau đó mới quyết định trả thù mối hận tình và trở thành kẻ tàn nhẫn bậc nhất giang hồ. Kim lão gia đã cho nàng cơ hội nói ra được mối hận tình của mình. Đó phải chăng là sự an ủi phần nào dành cho Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu?
HOÀNG TÙNG @ Spiderum
Bình luận