Những thứ “thầm lặng” giết chết mối quan hệ mà bạn không lường trước được
Vào năm 1992, tôi và những người bạn phát cuồng với album "A pocket full of Kryptonite" của ban nhạc The Spin Doctor. Tôi đã gần như quên hẳn về nó cho đến vài hôm trước. Một bài hát của ban nhạc được bật trên radio, và tôi chợt nhớ lại lý do tại sao mình yêu thích nó.
Trong thời kỳ hoàng kim của nó, chúng tôi bật đi bật lại cái đĩa CD trong không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ. Sau một lúc thì chúng tôi cảm thấy bớt hứng thú đi một chút nhưng vẫn có thể thưởng thức nó được. Không lâu sau đó, chúng tôi ngán nó tới tận cổ và quẳng vào một xó nào đấy rồi bỏ quên luôn.
Những mối quan hệ cũng có thể diễn biến theo một trình tự như thế nếu bạn không chú ý cẩn thận.
Bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đấy sẽ xảy đến với bạn, hoặc chí ít là trong giai đoạn đầu của sự ham muốn lẫn nhau.
Sự hấp dẫn đến điên cuồng
Câu chuyện bắt đầu với một vài mối quan tâm đơn giản. Cả hai bạn đều cảm thấy nó. Từ hư vô, nó bung xòe lên thành sự say mê lẫn nhau. Và rồi điều gì đến cũng sẽ đến.
Bạn gặp mặt tại một cuộc hẹn hò tối thứ 6 và về nhà cùng nhau. Các bạn lại trồi lên vào chiều thứ Bảy, say đắm nhau một cách điên cuồng.
Bạn cảm thấy choáng váng và lo lắng khi cách xa nhau - mọi suy nghĩ đều chỉ hướng về lần gặp gỡ tiếp theo. Công việc sa sút. Sếp bạn cảnh báo về mấy cái deadline bị trễ, nhưng về cơ bản là bạn chẳng thể tập trung vào cái gì cả.
Các bạn ăn bữa brunch với nhau và cùng lắng nghe câu chuyện ngớ ngẩn về anh chàng Chris ở bộ phận Kế toán, và bạn nghĩ đấy là thứ hài hước nhất bạn từng nghe trong đời.
Vài tuần trôi qua và bạn nghĩ rằng những ngày tuyệt vời này sẽ không bao giờ kết thúc. “Nó đây rồi”, bạn tự nói với lòng mình, “Tình yêu đấy”.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi những hứng thú ban đầu phai đi, gần giống như khi bạn thấy rất thích một bài hát nào đó, cứ chơi đi chơi lại liên tục, sau đó thì biến nó thành quen thuộc.
Bạn vẫn có cái cảm xúc đặc biệt dành cho đối phương, nhưng có cái gì đấy đã “biến mất”. Bạn dần quen với mối quan hệ này. Lúc ban đầu, hai bạn cứ “quấn lấy nhau” không rời ra được. Sau đó, bạn coi chuyện đó là “chịch nhau” (nguyên văn: fucking). Và bây giờ, bạn gọi nó là sex, nếu bạn bỏ qua một vài ngày, thì cũng chẳng sao cả.
Thiết lập một thói quen
Thứ Sáu trở thành đêm “hò hẹn và sex” chính thức của cả hai. Thứ Bảy, hai người tụ tập với bạn bè. Chủ Nhật, hai bạn dùng bữa brunch với nhau. Thứ Hai và thứ Ba, hai người cùng xem TV. Thứ Tư là ngày giặt giũ. Thứ Năm là buổi tối tự do và sau biến thành đêm “hoan ca” vì hai bạn hết sức để làm sau buổi hẹn thứ Sáu.
Mỗi tuần cứ lặp đi lặp lại như thế. Nó rất là thoải mái và dễ đoán, nhưng nhàm chán, giống như cái cách mà bài hát ưa thích bắt đầu làm bạn thấy chán sau một khoảng thời gian vậy.
Vào bữa tối, các bạn hỏi thăm về ngày hôm nay của nhau, không phải vì tò mò, mà bởi vì các bạn cảm thấy bắt buộc phải hỏi. Không phải là bạn không quan tâm, mà bạn biết rằng cả hai sẽ chỉ lặp lại cùng một câu trả lời đã nói vào tối hôm qua, và nhiều nhiều tối khác trước đó nữa.
Bạn cố gắng nhóm lại chút tình cảm cuối cùng, bằng cách tổ chức một chuyến đi chơi. Một chút ánh sáng cuối đường hầm lóe lên, và bạn tự nói với mình, “Chúng mình vẫn còn yêu nhau”.
Bạn trở về và lịch trình cũ lại lặp lại, từ ngày này qua ngày khác. Một tuần trôi qua, và bạn cảm thấy như là chả có chuyến đi nào vừa diễn ra cả. Rồi ngày làm “chuyện đó” đến, và cả hai người còn chẳng cảm thấy có chút hứng thú nào. Cả hai tụt xiêm y trong im lặng và chui vào chăn. “Sẵn sàng chưa?” bạn hỏi.
Bạn không còn nghĩ đến nó như là “chịch nhau” hay thậm chí là sex nữa. Đấy chỉ là quan hệ tình dục, vậy thôi. Nó giống như là bạn làm việc đó với một người trung niên tẻ nhạt, khoác áo blouse trắng và nguệch ngoạc vài nét lên cái clipboard vậy.
Vì sao mà nên nông nỗi này?
Còn nhớ bài hát bạn đã từng thích không? Theo thời gian, nó sẽ làm bạn thấy chán. Sau đó, là đến sự khó chịu. “Ugh, nếu tao mà phải nghe cái bài đó một lần nữa thì...”.
Một bữa tối khác lại đến và bạn nghĩ trong đâu, “Nếu tôi mà phải nghe chuyện về gã Chris ở bộ phận Kế toán một lần nữa thì…”.
Lại một tối thứ Năm nữa, và theo kế hoạch thì các bạn sẽ phải quan hệ với nhau. Nhưng cuối cùng bạn lại đi xem mấy cái show dở òm trên Netflix. “Ồ, anh không nghĩ là muộn đến thế rồi cơ đấy”, bạn nói.
“Em cũng vậy. Thế chúng mình bỏ qua tối nay nhé?”
“Ừm, nếu em thấy ổn với chuyện đó, anh nghĩ thế”.
Phù. Bạn thở dài. Và sau đó như một nỗi sợ hãi, bạn nghĩ: Làm sao mà ra nông nỗi này?
Hai người không bao giờ cãi nhau. Không ai nổi khùng đến mức dọn ra khỏi nhà và thề không bước chân quay lại. Không ai lăng nhăng. Thế thì nó sẽ kết thúc kiểu như này à?
Và hai người thốt lên thứ mà cả hai cùng nghĩ đến. “Một mối quan hệ yêu đương không vận hành kiểu như này”.
“Anh biết. Chúng mình phải làm cái gì đó. Anh vẫn yêu em mà. Em biết điều đó, đúng không?”
Một chút tưởng tượng
Bạn tháo tấm lịch xuống và quăng thẳng vào lò sưởi. Không còn những tối thứ Sáu ở nhà hàng Ý ưa thích nữa. Những tối hò hẹn với bè bạn và TV cũng cho cuốn gói luôn.
Bạn dựng người ấy dậy để cùng chạy bộ một chút sáng thứ Bảy. Người ta “ú òa” với bạn trong lúc bạn tắm để chuẩn bị đi làm sáng thứ Hai. Vào bữa tối, bạn không cho mình hỏi câu hôm nay em thế nào nữa. Thay vào đó, bạn hỏi, “Em muốn làm những gì trong cuộc đời của mình?”
Vài tuần sau, cả hai cùng tham dự một lớp kịch ứng tác. Bạn vội vã trở về nhà như những ngày mới yêu, không kiểm soát được bản thân. Và như một bài hát bạn từng thích và rồi thấy ghét; bạn nghe lại một lần nữa và bạn nhận ra tại sao bạn yêu thích nó.
Những thứ “thầm lặng” giết chết mối quan hệ mà bạn không lường trước được
Sau 17 năm ở trong một mối quan hệ hạnh phúc, cái dấu hiệu cảnh báo rằng cần phải điều chỉnh mối quan hệ lại một chút, đó là cảm giác về sự giống nhau hoặc một thói quen cố định. Sau đây là một câu hỏi để kiểm tra xem đấy có phải là một vấn đề không này:
Hãy nhìn lại 6 tháng vừa rồi. Nó có giống như một ngày được lặp lại 180 lần không?
Thói quen, sự giống nhau và dễ đoán trước sẽ dẫn tới nhàm chán. Sẽ chẳng có cái kết ồn ào nào đâu. Thay vào đó, bạn từ từ chết dần chết mòn cho đến cái ngày mà cả hai cùng thắc mắc, thế quái nào lại ra nông nỗi này?
Nhưng bạn có thể né cái kết cục đó được. Có thể bạn từng nghe đến 2 giải pháp này rồi. Nhưng thế không có nghĩa là bạn đang áp dụng chúng hoặc làm đúng.
Thêm một chút ngẫu hứng
Không phải cứ phá vỡ một thói quen thì mọi chuyện sẽ luôn luôn ổn. Việc cứ cố tình sắp đặt kế hoạch cho những hoạt động nhằm “hâm nóng” lại tình cảm sẽ chỉ đem lại áp lực và những kỳ vọng phi lý.
Khi bạn không đạt được kỳ vọng như mong muốn, bạn sẽ cảm giác rằng có cái gì đó sai sai ở đây. Nhưng có thể, chỉ là bạn đang đặt quá nhiều áp lực lên bản thân mà thôi.
Hãy thêm một chút ngẫu hứng vào. Hãy thử một hoạt động gì đó mới, mang tính thử thách cùng với người kia. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cùng tham gia những hoạt động thú vị sẽ làm tăng tính lãng mạn.
Hãy theo đuổi những đam mê riêng
Khi bạn mắc kẹt trong một thói quen nào đó, thì giống như là bạn tua nhanh một bài hát, nhưng lại chẳng biết dừng ở điểm nào cả.
Theo đuổi một đam mê nào đó sẽ giúp cho sự phát triển và cho bạn một lý do. Bạn sẽ không cảm thấy là mối quan hệ đang giữ chân bạn lại một chỗ. Mỗi người đều đem lại một chút gì đó bí ẩn, cho phép các bạn có mong muốn được khám phá về đối phương hơn.
Cái sự lặp đi lặp lại giống nhau ngày qua ngày sẽ biến mất, bởi vì cả 2 người đang làm những thứ làm cho bản thân hứng thú.
Và như một bài hát bạn từng bị ám ảnh, mối quan hệ của bạn sẽ trở nên rất mệt mỏi nếu cứ bật chế độ chơi đi chơi lại. Một chút đa dạng sẽ giúp bạn trân trọng sự tuyệt vời, nhưng mong manh của nó.
Tác giả: Barry Davret @ Medium
Dịch giả: Hoang Tran @ Quora Vietnam
Bình luận