12:39 CH @ Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Bạn không thấy hạnh phúc bởi vì bạn chưa trưởng thành

Ý nghĩ của chúng ta cho rằng hạnh phúc là việc của nội tại và bất hạnh đến từ ngoại cảnh có lẽ là một trong số tất cả các thiên kiến nhận thức dai dẳng, cố chấp nhất.

Nhìn chung, ta công nhận là bản thân phải tự tạo nên hoặc đóng góp để có được hạnh phúc cho riêng mình (phải tự book chuyến đi, rời bỏ công việc, tìm người bạn đời) nhưng lại thường không nhận ra được rằng những nguyên nhân sâu xa và có sức ảnh hưởng nhất của bất hạnh, khốn khổ (về mặt tinh thần) lại không phải là những sự kiện bên ngoài xảy ra tình cờ, ngẫu nhiên.

Sự bất hạnh sinh ra từ sự kết hợp của các hành vi, đặc điểm (thường là tính cách), kiểu suy nghĩ, và sự thích ứng. Ta tưởng tượng rằng việc không hạnh phúc đơn thuần chỉ là kết quả của sự việc, sự kiện ngoại cảnh thôi, đó chính là lý do mà ta sợ mất kiểm soát. Thế nhưng ta biết điều đó không đúng khi xét trong thực tiễn: một số người vẫn hạnh phúc dù họ không có nhiều lý do để trở nên như vậy, và một số khác lại cực kỳ không vui, họ thống khổ tuy là mọi thứ xung quanh đang hỗ trợ cho họ.

Vấn đề không nằm ở những thứ xung quanh ta mà là thứ ở ngay trong bản thân ta - và gần như tất cả những người thấy không hạnh phúc đều mang chung một nét tính cách.

. . .

Khi còn trẻ, nếu may mắn, ta có một người bố người mẹ hay là người chăm sóc nào đó lo lắng và thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất của ta. Có ai đó giúp buộc giày, đánh răng, hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị bữa ăn. Đây về cơ bản là thứ mà trẻ em cần có để tồn tại và phát triển.

Theo thời gian, một người phụ huynh thực hiện đúng vai trò về cơ bản sẽ cố vấn, động viên con trẻ để nó có thể tự mình hoàn thành việc cần làm. Trong quá trình khôn lớn, đứa trẻ học được cách để tự sửa soạn chải chuốt, tự tìm kiếm thức ăn khi đói và chăm sóc không gian riêng của mình. Con trẻ cũng sẽ học cách để quản lý các mối quan hệ mình có, thực hiện bài tập hay không, đi đến buổi tập luyện hay không, và trở thành một người tử tế hay không.

Sau đó thì, dĩ nhiên là chúng sẽ đối mặt với hệ quả từ những lựa chọn của mình rồi.

Thế nhưng, nếu như đứa trẻ chưa bao giờ có được cơ hội để nhìn nhận bản thân như là một người có sự hoàn toàn tự chủ - không chỉ chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình mà còn có khả năng tự tạo ra sự hài lòng hay bất mãn - nó sẽ trở thành một người lớn bế tắc. Đây là kết quả điển hình của mối gắn bó không lành mạnh với những phụ huynh lấy con cái ra để phục vụ cho nhu cầu thừa nhận bản thân của họ.

Khi còn là con nít, ta la khóc để được bố mẹ giải quyết vấn đề của mình. Là người lớn rồi, ta chỉ có thể dựa vào chính mình thôi.

. . .

Tất cả những người không hạnh phúc đều có chung một nét tính cách: non nớt, chưa trưởng thành. Nó nằm ở phần gốc của mọi thói quen và hành vi mà sau cùng sẽ dẫn họ đến sự bất mãn với cuộc sống.

Khi ta không nhận trách nhiệm với lời nói hay hành động của mình, ta nói năng và xử sự bừa bãi, kết thúc bằng việc chia rẽ, cắt đứt các mối quan hệ và tổn thương người khác. Đấy là sự thiếu trưởng thành.

Khi có người làm việc gì đó sai trái, ta từ chối, loại bỏ họ và trở nên gay gắt chua cay. Những lời lẽ hung hãn và chấp nhặt không chỉ khiến ta mãi bế tắc mà còn làm chính bản thân mình trông có vẻ bị tổn thương nhiều hơn so với thực tế. Đấy là sự thiếu trưởng thành.

Khi ta không mấy vui vẻ với quỹ đạo cuộc sống của mình và chọn cách ai oán than phiền như trẻ con bất lực thay vì tìm kiếm chiến lược thay đổi như người lớn, ta sẽ cứ bất hạnh thôi. Đấy là sự thiếu trưởng thành.

Khi lớn khôn đúng cách, ta bắt đầu đứng ra chịu trách nhiệm cho ngoại hình, tổ ấm, công việc, và - sau cùng là - hệ quả trở thành của chính ta.
Khi ta trưởng thành, chúng ta có khả năng đặt lợi ích dài lâu lên thành ưu tiên trước những mong muốn, khát khao ngắn hạn.
Dần dà, ta nhận thấy rằng nguồn gốc của vài niềm vui sướng lớn nhất của mình cũng bắt đầu từ đó. Ta tìm được sự an yên thực thụ nhờ đi về nhà, về nơi mà ta thật sự yêu thương; ta xuất hiện trong với diện mạo tươi tắn rạng rỡ và sẵn lòng giao thiệp hơn khi sửa soạn, chuẩn bị theo cách mà mình muốn; ta gặt hái lợi ích qua việc lao động chăm chỉ như tập thể dục, và gắn bó với một con đường sự nghiệp cụ thể.

Khi trưởng thành, chúng ta có khả năng đặt lợi ích dài lâu lên thành ưu tiên trước những mong muốn, khát khao ngắn hạn.

Những cá nhân không trưởng thành thì lại không làm được như vậy.

. . .

Nói cho rõ ràng thì, chuyện trầm cảm lâm sàng không tính là “chưa trưởng thành”. Chẩn đoán đó khác với sự bất hạnh nói chung. Đấy là hai thứ khác nhau, mang trải nghiệm không giống nhau với những nguyên nhân và sự điều trị cũng khác nhau.
Cội rễ của bất hạnh chính là việc không sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
Thế nhưng, với việc một người nhìn chung sẽ tự đứng ra chịu trách nhiệm để sửa chữa cuộc đời của mình và hồi phục bản thân, thì hai thứ trên (trầm cảm và sự chưa trưởng thành) lại thường bổ sung cho nhau. Sự non nớt có thể là một nét tính cách, nhưng nó vẫn dễ uốn nắn.

Đó là thứ ta có thể khắc phục và cải thiện được.

Một nửa thế giới này thong dong như thể họ vẫn còn là trẻ con, như thể có ai đó đang chịu trách nhiệm cho việc giải quyết các vấn đề của họ, như thể nếu như họ khóc toáng lên đủ to thì cuối cùng sẽ có một người lớn nào đó đáp lời vậy. Một nửa thì nhận ra mình đã là người lớn rồi - và với thời gian, không gian và sự trưởng thành, họ sẽ có năng lượng và tài nguyên để khắc phục, xử lý những rắc rối họ gặp phải. Hay ít nhất là, họ sẽ có thể lên kế hoạch tìm giải pháp và bắt tay vào việc thực hiện thay đổi.

Cội rễ của bất hạnh chính là việc không sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Là cứ mãi ở trong trạng thái như trẻ con và thắc mắc tại sao thế giới này lại không dành cho mình lời hồi đáp.



-----
Tác giả: Brianna Wiest @ Medium
Dịch giả: Minh Thanh @ Quora Vietnam
Photo: sprout_creative/Getty Images
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi