11:00 CH @ Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 9: Đa cấp hoành hành do pháp lý vẫn còn lỗ hổng

Đây là loạt bài phóng sự điều tra của báo điện tử VnMedia (của Bộ Thông tin và Truyền thông) về các chiêu trò, thủ đoạn của công ty lừa đảo Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trong việc lừa người dân tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty này. Đồng thời, loạt bài cũng sẽ cung cấp những góc nhìn về những lổ hổng pháp lí và công tác quản lí của cơ quan chức năng với TNMU nói riêng và các công ty đa cấp nói chung.




Bài 9: Đa cấp hoành hành do pháp lý vẫn còn lỗ hổng


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia về những vấn đề còn khúc mắc, đặc biệt là những “lỗ hổng” pháp lý cần khắc phục đối với hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.

Trước những diễn biến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực từ các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam trong thời gian gần đây, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam để “mổ xẻ” những vấn đề còn khúc mắc, đặc biệt là những “lỗ hổng” pháp lý cần khắc phục…

- Phóng viên: Ngành nghề kinh doanh đa cấp tại Việt Nam có phải là ngành kinh doanh có điều kiện hay không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Và ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục 4 Luật đầu tư và kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục này.

- Các mặt hàng mua bán tại các công ty đa cấp tại Việt Nam có phải là các mặt hàng thuộc nhóm hàng kinh doanh có thị trường cạnh tranh hạn chế, có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán; bên mua, bên bán phụ thuộc vào nhau không thay thế được?

Thực tế, hàng hóa trong kinh doanh đa cấp rất đa dạng. Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Điều 4 Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã quy định hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan và những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:

Thứ nhất là hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật;

Thứ hai là hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hóa chất nguy hiểm và sản phẩm có hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Do đó, bất kì loại hàng hóa nào nếu đáp ứng những điều kiện trên và không thuộc doanh mục những hàng hóa bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp và được quy định tại Văn bản hợp nhất số Số: 19/VBHN-BCT quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đều có thể được kinh doanh theo phương thức đa cấp.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)

- Nếu có căn cứ về các yếu tố cấu thành giá, có khiếu nại từ người tiêu dùng, có sự phản ánh của dư luận và các cơ quan báo chí về việc giá bán các mặt hàng tại các công ty đa cấp đang cao ở mức phi lí thì các cơ quan quản lí nhà nước có thể yêu cầu các công ty kinh doanh đa cấp phải điều chỉnh mức giá bán hàng của các công ty này hay không?

Thực tế hiện nay, không có quy định nào quy định về mức giá bán hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. Bởi lẽ mục đích trong kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận và các bên “thuận mua vừa bán”. Do đó, pháp luật không cấm các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp nói riêng bán hàng hóa với mức giá cao trừ những trường hợp kinh doanh những hàng hóa thuộc doanh mục hàng hóa được Nhà nước bình ổn giá theo từng thời kỳ theo quy định của Luật giá.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người tiêu dùng thì việc các doanh nghiệp này bán hàng với mức giá cao gấp nhiều lần (thậm chí là hàng chục lần) thì hoàn toàn bất lợi và phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Luật giá 2012 cũng đã quy định người tiêu dùng có quyền “Lựa chọn, thỏa thuận và góp ý về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ”.

Do đó, những người tiêu dùng trước hết phải là những người tiêu dùng thông thái, phải biết lựa chọn những hàng hóa với chất lượng và mức giá cả phù hợp trên cơ sở am hiểu những thông tin thị trường, hàng hóa mà mình có nhu cầu. Và người tiêu dùng cũng có thể tự mình hoặc thông qua các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng để thông tin, kiến nghị đến Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Công thương về việc việc các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp bán hàng hóa với giá “trên trời” phương hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nói chung và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp nói riêng, Luật giá và Luật bảo vệ người tiêu dùng đều quy định là phải niêm yết và công khai giá hàng hóa, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo mô hình đa cấp khi kí hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp phải có sự thể hiện giá bán trong hợp đồng. Do đó, chính việc niêm yết, công khai về giá cả hàng hóa bán ra sẽ giúp cho người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc cân nhắc giá cả khi mua hàng.

Và trong những lần sửa đổi, bổ sung nghị định và quản lý việc kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp sắp tới, cần thiết phải xem xét bổ sung quy định về mức giá bán của hàng hóa cũng như những chế tài đối với hành vi vi phạm về giá để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tuân thủ và để hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh và bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

-Phóng viên: Các cơ quan quản lí nhà nước có động thái cụ thể nào để điều chỉnh các qui định về quản lí hoạt động bán hang đa cấp nhằm hạn chế những lỗ hổng dẫn tới đa cấp biến tướng, lừa đảo hay không?

Luật sư Hậu: Để khắc phục những hạn chế, bất cập về quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp thì mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Và Dự thảo đã sửa đổi bổ sung những nét chính như là:

Thứ nhất Dự thảo đã mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung, theo đó áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Động thái trên đã tạo cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép thời gian qua.

Thứ hai Dự thảo nghị định mới còn đề cập tới vấn đề Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cần phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng, yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền.

Thứ ba Quy định việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng cần phải thực hiện thông qua chuyển khoản.

Thứ tư quy định của Dự thảo không cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc truy trách nhiệm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi có sai phạm xảy ra.

Với những quy định trên, tôi tin rằng khi được thông qua và có hiệu lực, Nghị định sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cụ thể để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời hạn chế những lỗ hổng dẫn tới đa cấp biến tướng, lừa đảo như hiện nay.


Hoạt động kinh doanh đa cấp. (Ảnh minh họa)


- Căn cứ vào các Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lí hoạt động bán hàng đa cấp; căn cứ vào Luật Giá; căn cứ vào Luật Cạnh tranh; Luật Bảo về Người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế nhân định việc Cục Quản lí Cạnh tranh có thể kiểm soát hiệp thương giá bán các mặt hàng tại các công ty kinh doanh đa cấp là hoàn toàn khả thi vì kinh doanh bán hàng đa cấp là ngành đặc thù, có tính chất độc quyền, ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi của người tiêu dùng. Quan điểm của này đúng hay sai?

Vì bản chất của nền kinh tế thị trường là Nhà nước sẽ để các doanh nghiệp tự do trong hoạt động kinh doanh dựa trên tinh thần tuân thủ những quy định của pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán hàng đa cấp nói riêng có quyền tự quyết định giá bán hàng hóa dựa theo quy định của Luật giá, Luật cạnh tranh và các văn bản pháp luật có liên quan. Tùy theo giai đoạn và những biến động về kinh tế xã hội mà nhà nước sẽ ban hành những chính sách về định giá, bình ổn giá, hiệp thương về giá và kiểm tra yếu tố cấu thành giá. Theo quy định của Luật giá thì việc hiệp thương về giá chỉ được áp dụng đối với những hàng hóa sau:

Thứ nhất là những hàng hóa Hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;

Thứ hai là hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được.

Bên cạnh đó, điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá đối với những hàng hóa trên là phải có đề nghị của bên mua hoặc bên bán, cả hai bên mua và bán hoặc có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Hoạt động ban hàng đa cấp là một hoạt động kinh doanh đặc thù nhưng không phải là mọi hoạt động kinh doanh đa cấp đều có tính chất độc quyền.Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của doanh nghiệp với nhà sản xuất theo quy định của luật cạnh tranh, luật thương mại mà một doanh nghiệp hoặc một đại lý có tính chất độc quyền hay không.

Hơn nữa Điều 24 Luật giá và các văn bản hướng dẫn quy định thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá là bộ tài chính và sở tài chính cùng các đại diện bên mua, bên bán; đại diện của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan có liên quan theo yêu cầu của cơ quan tổ chức hiệp thương giá. Kết quả của hiệp thương giá là sự đồng thuận của các bên tham gia trên cơ sở nghiên cứu về tình hình thị trường điều kiện kinh tế xã hội… theo từng giai đoạn chứ không phải là sự kiểm soát một bên của cơ quan nhà nước.

Do đó, theo tôi nhận định trên là chưa đúng.

- Các công ty kinh doanh đa cấp bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp khi vi phạm những nội dung nào? Các lỗi vi phạm tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hang hoá tại các địa phương có được thống kê trong hồ sơ xử lí sai phạm của các Công ty kinh doanh bán hang đa cấp hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong những trường hợp sau đây:

Thứ nhất, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi hoặc hết hiệu lực;

Thứ hai, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối;

Thứ ba, doanh nghiệp bị xử phạt về một số hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP trong quá trình tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;

Thứ tư, doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

Thứ năm, doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 42/2014/NĐ-CP trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp;

Thứ sáu, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp quá 12 tháng liên tục;

Cuối cùng, doanh nghiệp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

Còn về Chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hàng hoá tại các địa phương hoạt động phụ thuộc vào Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp, bên cạnh đó điểm a, b khoản 2 điều 22 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có quy định “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc ngoài trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp hoạt động đó không liên quan đến doanh nghiệp”.

Chính vì vậy, trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hàng hoá tại các địa phương có hành vi vi phạm thì Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẻ là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm. đồng thời các vi phạm đó sẻ được thống kê trong hồ sơ xử lí sai phạm của Doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

- Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Hậu đã tham gia cuộc phỏng vấn!
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi