10:00 CH @ Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành

Đây là loạt bài phóng sự điều tra của báo điện tử VnMedia (của Bộ Thông tin và Truyền thông) về các chiêu trò, thủ đoạn của công ty lừa đảo Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trong việc lừa người dân tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty này. Đồng thời, loạt bài cũng sẽ cung cấp những góc nhìn về những lổ hổng pháp lí và công tác quản lí của cơ quan chức năng với TNMU nói riêng và các công ty đa cấp nói chung.




Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành

Nhập vào một đồng nhưng bán ra mười đồng mà không bị bất cứ chế tài nào quản lý. Từ khoản lãi khủng đó, các công ty đa cấp đưa ra một mức hoa hồng khủng theo kiểu mỡ nó rán nó để "bẫy" các con mồi đa cấp. Đây chính là lỗ hổng khổng lồ khiến đa cấp lộng hành, Thiên Ngọc Minh Uy cũng tận dụng triệt để lỗ hổng này.

Mua giá 1 bán giá 10
Theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số:1052/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành thể hiện Thiên Ngọc Minh Uy làm ăn phát đạt theo kiểu 1 vốn thu 4 lời. Theo đó, năm 2014, Thiên Ngọc Minh Uy bỏ ra 309 tỷ tiền nhập hàng và bán ra được1.105 tỷ. Năm 2015, công ty này bỏ ra 703 tỷ tiền nhập hàng, bán ra được 2559 tỷ đồng.

Số liệu về báo cáo tài chính 2015 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Thiên Ngọc Minh Uy đạt con số khủng là 73%.


Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

PV đã dựa trên danh mục các sản phẩm bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy do Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cung cấp để đối chiếu về giá bán với các mặt hàng cùng chủng loại, công dụng, xuất xứ thì ra các kết quả tương ứng như sau: quần lót chỉnh hình, xuất xứ Đài Loan, bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,8 triệu - bán ngoài thị trường giá 350 ngàn; máy tạo khí ozone HA 1366 bán tại Thiên Ngọc Minh Uy 11 triệu - ngoài thị trường bán 2,5 triệu; bếp hồng ngoại xuất xứ Trung Quốc bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,4 triệu - bán ngoài thị trường giá 990 ngàn; nồi chiên không khí xuất xứ Trung Quốc bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,6 triệu - bán tại điện máy lazada giá 1,7 triệu; Thực phẩm chức năng viên nang hạt bí đỏ xuất xứ Đài Loan bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 11 triệu - bán tại bên ngoài thị trường 500 ngàn. Đặc biệt, sản phẩm Ngưu Chương Chi có xuất xứ tại Đài Loan được Thiên Ngọc Minh Uy đăng kí bán với giá 11 triệu đồng - ngoài thị trường bán dao động từ 800 - 1,3 triệu đồng...

Trên thực tế, phóng viên ghi nhận ở thời điểm hiện tại, khi người mua hàng của Thiên Ngọc Minh Uy muốn sở hữu hộp ngưu chương của công ty này, người mua phải bỏ ra số tiền 88,8 triệu, tương ứng với 6 mã hàng. Cần nói thêm, Thiên Ngọc Minh Uy quảng bá Ngưu Chương Chi là thần dược chữa bệnh ung thư trong khi trên thực tế sản phẩm này được cơ quan chức năng khẳng định chỉ là thực phẩm chức năng.

Bộ Công Thương bất lực?
Trao đổi với PV, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục Phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) xác nhận: các doanh nghiệp đa cấp khi triển khai các chương trình bán hàng cần đăng kí danh mục hàng hoá, chất lượng, giá cả bán ra và mức hoa hồng cho các đại lí phân phối. Tuy nhiên, về vấn đề quản lí giá bán hàng của các doanh nghiệp đa cấp thì ông Trịnh Anh Tuấn lại cho rằng: "Doanh nghiệp đa cấp muốn bán giá bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp".

Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi trả lời báo giới. Không đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia nhận định: Việc Bộ Công Thương không quản lý được giá bán ra của các sản phẩm, thả nổi cho các doanh nghiệp đa cấp bán giá trên trời so với giá gốc chính là lỗ hổng lớn nhất để đa cấp biến tướng, lộng hành.


Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh



Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh và Cục Phó Cục Quản lí Cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn đều cho rằng không thể can thiệp vào giá bán hàng của các công ty đa cấp.

Khi tìm hiểu về lỗ hổng trong kinh doanh đa cấp, PV được PGS Tiến sĩ Trần Văn Nam,Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân giới thiệu người mà ông Nam cho rằng có hiểu biết sâu sắc về thực trạng kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - Tiến sĩ Lê MinhTuấn.

Tiến sĩ Lê Minh Tuấn phân tích: Năm 1999, khi Công ty đa cấp đầu tiên là Amway vào Việt Nam, tôi và nhóm cộng sự của mình được Amway uỷ quyền cho việc tìm hiểu các cơ sở pháp lý cho việc hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó, nước ta chưa có hàng lang pháp lý cho ngành kinh doanh này.

Tới năm 2005 chúng ta mới có nghị định đầu tiên về đa cấp. Tôi vẫn luôn theo sát các thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam nhưng không nghĩ nó lại biến tướng như vậy. Nguyên nhân thể có nhiều nhưng căn bản nhất là các công ty đa cấp đã tận dung triệt để lỗ hổng về quản lí giá bán hàng đầu ra để đẩy giá hàng hoá bán hàng đa cấp lên mức cao cắt cổ. Từ đó, họ xây dựng một mức hoa hồng hấp dẫn đánh vào lòng tham của con người.

Lúc này, hàng hoá trong kinh doanh đa cấp không còn tuân theo qui luật cung - cầu, người mua không mua vì nhu cầu thực để tiêu dùng mà chỉ chăm chăm nhìn vào mức hoa hồng trên trời. Các công ty đa cấp nhờ đó mà hút dòng tiền chảy về túi mình.

Trả lời câu hỏi: Bộ Công Thương có thể quản lý được về vấn đề giá bán ra của các sản phẩm thuộc các công ty đa cấp hay không? Tiến sĩ Lê Minh Tuấn cho hay: Ngay từ khi đăng kí các chương trình bán hàng đa cấp, các công ty đa cấp đã phải khai báo về sản phẩm, chứng nhận chất lượng, mẫu mã, mức giá và mức hoa hồng với Bộ Công thương.

Vì vậy, từ lúc duyệt hồ sơ Bộ Công Thương đã có thể quản lý các vấn đề về giá cả hàng hoá bán ra của các công ty đa cấp rồi. Bộ Công Thương hoàn toàn có thể phối hợp với ngành hải quan để có số liệu về giá cả nhập vào. Sau đó, khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp chương trình bán hàng đa cấp lên Bộ Công Thương để xin phê duyệt thì cơ quan này có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về mức giá bán hàng mà doanh nghiệp xin phê duyệt dựa trên các căn cứ nào, có hợp lí hay không để từ đó đồng ý hoặc bác bỏ.

"Đây là ngành kinh doanh đặc thù, có điều kiện nên các cơ quan quản lí nhà nước có quyền điều chỉnh về giá và chính sách kinh doanh sao cho phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp, người dân và xã hội. Tại Trung Quốc, đã có thời các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lộng hành, tàn phá nền kinh tế nên chính quyền nước này đã mạnh tay dẹp bỏ ngành kinh doanh đa cấp", ông Lê Minh Tuấn cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, GS Đỗ Đức Bình, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: "Các cơ quan nhà nước cần phải quản lí về giá bán ra đối với ngành kinh doanh đa cấp kiểu biện chứng. Họ phải so sánh giá đầu vào và đầu ra nếu có chênh lệch quá lớn, quá vô lí thì cần điều chỉnh luôn, không phải ngẫu nhiên mà nhà nước đưa ra một hành lang pháp lí riêng để quản lí hoạt động bán hàng đa cấp. Thực trạng đa cấp lừa đảo như vừa qua theo tôi lỗi lớn là của các cơ quan quản lí nhà nước lỏng quá, các địa phương thì thờ ơ để cho bà con bị lừa. Lừa cả hơn tín dụng đen thế này thì chết!".

Trả lời báo giới về vấn đề giá bán các sản phẩm trong kinh doanh đa cấp cao phi lí gấp nhiều chục lần so với giá gốc, Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính đưa ra quan điểm: Nếu các công ty đa cấp bán hàng độc quyền với giá cao phi lý (gấp nhiều chục lần so với giá nhập) vi phạm Điều 14 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp dùng vị thế độc quyền thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, trong đó có hành vi bán hàng với mức giá cao phi lí (gấp nhiều chục lần so với giá nhập).
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi