11:00 CH @ Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Thâm nhập Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 4: Bí thư tỉnh ra tay

Đây là loạt bài phóng sự điều tra của Hoàng Sang, Trường Phúc, Kiên Trung (Báo điện tử VietnamNet) về các chiêu trò, thủ đoạn của công ty lừa đảo Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trong việc lừa người dân tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty này.




Loạt phóng sự điều tra của Báo điện tử VietnamNet:



Bài 4: Bí thư tỉnh ra tay siết chặt quản lý đa cấp


Riêng năm 2015, 5 cơ sở đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy đạt “doanh thu” gần 15 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh nghèo Tuyên Quang. Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu “siết chặt quản lý, tuyên truyền người dân” về đa cấp.

15 công ty đa cấp “bủa vây” Tuyên Quang

Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương Tuyên Quang) Nguyễn Minh Chính cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 công ty kinh doanh đa cấp. Trong đó, riêng Thiên Ngọc Minh Uy có 5 hộ kinh doanh tại TP. Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên.

15 công ty kinh doanh đa cấp tại Tuyên Quang:

Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy; Công ty Lô hội; Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam; Công ty Nu Skin Enterprises VN; Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long; Công ty Liên kết Sản xuất - Thương mại VN; Amway Việt Nam; Morinda Việt Nam; Mỹ phẩm Thường xuân; Công ty Herbalife VN; Công ty Đầu tư sản xuất và Thương mại MLM VN; Con đường Việt; Liên kết tri thức; XNK và Thương mại Quốc tế TNC; Công ty CNI Việt Nam.
Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của công ty này năm 2015, doanh thu hơn 14,886 tỷ đồng. Số lượng người tham gia mạng lưới này là 1.860 người.

Ông Chính cho biết, cơ quan này thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực, do đó, phải tiếp nhận hồ sơ, giấy phép kinh doanh của các công ty này đã được Bộ Công thương cấp phép.

“Hồ sơ, giấy phép hoạt động của Thiên Ngọc Minh Uy được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cấp phép. Họ gửi thông báo tới Sở Công thương về việc sẽ mở đại lý, cơ sở kinh doanh tại Tuyên Quang. Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi phải tiếp nhận” - ông Chính nói thêm.

Ông Chính còn cho biết, những công ty hoạt động đa cấp này còn gọi điện thúc giục, thậm chí hối thúc, “đe dọa” Sở khi cơ quan này chưa có văn bản phúc đáp khi gần tới thời gian theo quy định.

Đổ bộ lên Tuyên Quang từ năm 2014, đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đã từng “gây bão” khi lôi kéo người dân tham gia.

Ông N.V.B - một cán bộ nghỉ hưu sinh sống tại đây cho biết: Người già, cán bộ nghỉ hưu… là các đối tượng mà đa cấp hướng tới.

“Có những buổi họp tổ dân phố, nội dung cuộc họp không ai để ý, vì mọi người còn mải rủ nhau tham gia đa cấp. Cách thức hoạt động của họ là mời tới chăm sóc sức khỏe, tổ chức cho các cụ tham gia các trò chơi tập thể, sau đó tặng quà là những viên đá với giới thiệu là “đá năng lượng”. Nếu các cụ rủ thêm bạn đến tham gia, sẽ được tặng quà lớn hơn” - ông B. cho biết.

Rất nhiều các cụ cao tuổi giấu con cái mang tiền tiết kiệm để tham gia đa cấp. Ông Nguyễn Văn Đ., sinh sống tại chợ Tuyên Quang, một người đi lao động ở Đức về, cũng “nướng” vào đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy cả trăm triệu đồng để mua gói “trị liệu sức khỏe”.

HĐND chất vấn

Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, đa cấp đã từng là nội dung “nóng” trong nhiều phiên chất vấn tại các cuộc họp thường kỳ HĐND tỉnh Tuyên Quang.

Tại phiên họp HĐND tỉnh Tuyên Quang kỳ 11 (tháng 12/2015), các đại biểu đã chất vấn GĐ Sở Công thương về công tác quản lý lĩnh vực đa cấp.


Thiên Ngọc Minh Uy có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành và đang cuốn người dân nghèo vào vòng xoáy "giấc mộng làm giàu"


Bí thư tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở ban ngành quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về hoạt động này; tránh để bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính...

Ông Nguyễn Minh Chính thẳng thắn: “Các công ty đa cấp rất “khôn” trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Họ hoạt động rất kín kẽ, đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin, ít va chạm, thậm chí còn tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo kỹ năng cho người tham gia".

Theo ông Chính, cơ quan cấp phép là Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) nên cấp Sở không có thẩm quyền gì ngoài chức năng quản lý nhà nước đối với công ty đa cấp. Danh mục các mặt hàng, giá cả… cũng được cấp Bộ phê duyệt.

Quản lý thị trường, Thanh tra của Sở Công thương, cơ quan công an cấp địa phương chỉ vào cuộc nếu như có phản ánh về chất lượng sản phẩm, sản phẩm kinh doanh không nằm trong danh mục đăng ký kinh doanh, hoặc nếu như có đơn thư tố cáo của người dân.

Tuy nhiên, trong thời gian hơn 2 năm hoạt động, chưa có bất kỳ đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh nào.

"Người tham gia thì lén lút, đến chồng con cũng giấu. Nếu có mất thì họ cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Cũng chưa có cơ sở nào bị "vỡ trận"" - ông Chính nói.

Theo danh mục hàng hóa kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy gửi kèm hồ sơ mở cơ sở kinh doanh tới Sở Công thương Tuyên Quang, công ty này hiện kinh doanh gần 100 mặt hàng thuộc các nhóm thực phẩm chức năng; hàng may mặc; mỹ phẩm, hàng kim khí điện máy, hàng gia dụng, dụng cụ mát-xa.

Trong đó, có các sản phẩm quần lót nam - nữ có chức năng chỉnh hình với mức giá từ 1,2 - 8,4 triệu đồng/sản phẩm.

Tất cả các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan.

Về mức giá “trên trời”, đại diện Sở Công thương Tuyên Quang giải thích: “Họ đăng ký với cơ quan cấp phép. Còn chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm, chúng tôi không nhận được văn bản nào của cơ quan cấp phép (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương) hoặc văn bản giải thích của đơn vị bán sản phẩm. Cục Quản lý cạnh tranh về duyệt mức giá mà họ trình lên, nhân viên của họ cứ thế bán thôi”.
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi