Chưa thấy Thiên Ngọc Minh Uy sai: Hỏi ngược ngành công thương
Nguồn: Báo Đất Việt (PV: Quế Chi)
Việc kiểm tra ghi nhãn mác TPCN của Thiên Ngọc Minh Uy và có kết luận sơ bộ chỉ do Thanh tra ngành Công thương thực hiện là chưa đủ, không đúng chức năng thanh tra. Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy: Khắp nơi phát hiện trái luật Dân đau khổ vì đa cấp, bộ ngành bảo tốt
Bộ Công thương hiện vẫn đang thực hiện thanh tra 7 công ty kinh doanh đa cấp. Trong đó, theo nguồn tin từ Infonet, kết quả thanh tra Công ty Thiên Ngọc Minh Uy phát hiện chỉ có một số điểm cần khắc phục không lớn, công ty thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng, TPCN vốn không thể chữa được bất cứ loại bệnh nào. Việc ghi nhãn mác hàng hóa có đúng quy định pháp luật hay không phải để cơ quan đúng chuyên môn xác nhận.
"Về việc Bộ Công thương có thông tin kết luận sơ bộ như theo phản ánh báo chí cho biết "đã thực hiện các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá", của Thiên Ngọc Minh Uy, theo tôi, phải xem kỹ lại. Bởi việc chứng thực các thông tin này là chức năng của Bộ Y tế mà cụ thể là Cục ATTP hoặc Thanh tra Bộ Y tế. Nếu không có chuyên môn thì không thể xác nhận việc này", PGS. TS. Trần Đáng nhận định.
Theo PGS.TS. Trần Đáng, TPCN cần được kiểm tra dưới các thông tin nhãn mác có ghi đúng như trong thành phần của thuốc hay không, tác dụng hỗ trợ chữa bệnh ra sao, tới đâu, việc tổ chức các đoàn tuyên truyền hỗ trợ điều trị như thế nào... chứ không chỉ dựa vào các nhãn mác được dán trên sản phẩm có đúng quy định không.
Theo vị chuyên gia, rất nhiều thông tin dư luận và ghi nhận cho thấy công ty Thiên Ngọc Minh Uy có tổ chức các trung tâm khám bệnh. Điều này đặc biệt cần làm rõ.
''Bởi riêng về điều kiện các trung tâm khám chữa bệnh phải được tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế, các điều kiện về y, bác sỹ với trình độ chuyên môn được cấp phép", PGS.TS. Trần Đáng cho hay.
Vị chuyên gia đặt vấn đề, trong hoạt động kinh doanh đa cấp rõ ràng là Thiên Ngọc Minh Uy có nhiều dấu hiệu đáng ngờ: bắt các nhà phân phối phải bỏ tiền ra với số tiền lớn mới được tham gia vào hệ thống của họ, mua sản phẩm của họ hoặc mời chào bỏ ra một khoản tiền để lấy lời cao hơn nhiều lần, có khi không trả lại. Điều này trái với các quy định về hoạt động kinh doanh đa cấp.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, TPCN nếu được quảng cáo là "chữa được ung thư" là sai. TPCN là một loại thực phẩm bổ sung, có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Việc khám chữa bệnh của các trung tâm cũng phải được phép và được cấp bởi Bộ Y tế, ngoài ra còn trình độ chuyên môn cũng phải có xác nhận của người thực hiện khám chữa bệnh.
"Tất cả các sản phẩm TPCN đều được quy định trong Điều 3 và Điều 4 của Thông tư 43, Bộ Y tế, cụ thể yêu cầu đối với các TPCN đều phải công bố hợp quy và phù hợp quy định ATVSTP, yêu cầu báo cáo hiệu quả về công dụng.
Cần xem TPCN đó đã được quảng cáo và đã có báo cáo về hiệu quả, công dụng hay chưa sẽ phải chiếu theo Thông tư 43 của Bộ Y tế", GS.TS. Trịnh Quân Huấn nhận xét.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Theo tôi, tốt nhất là Bộ Công an nên vào cuộc trong vụ việc này. Công an sẽ chiếu theo 2 loại văn bản quy phạm pháp luật của 2 Bộ, cụ thể là các văn bản của Bộ Công thương về bán hàng đa cấp và các văn bản từ Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng, từ đó mới đưa ra kết luận.
Khi đó, việc TPCN được quảng cáo là điều trị được bệnh là sai quy định của pháp luật. Hành vi này có cấu thành tội lừa đảo hay không phải do Công an vào cuộc mới xác định được".
Theo GS. TS. Trịnh Quân Huấn, việc yêu cầu báo cáo thử nghiệm hiệu quả công dụng là điều rất quan trọng giúp cho người sử dụng biết được những hiệu quả và công năng của các TPCN như thế nào đối với quá trình điều trị bệnh. Ngoài ra, các TPCN đúng quy định đều phải ghi dòng chữ: "Đây là TPCN, không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh".
Ông Huấn cho rằng, đưa các văn bản, thông tin về bán hàng đa cấp là chưa đầy đủ nên người dân chưa hiểu hoàn toàn về loại hình kinh doanh này. Do chưa hiểu nên người thân giới thiệu sẽ tin ngay dù cho rằng nó có vô lý như việc ngồi không vẫn sinh lời lãi, kiếm tiền.
Vì người dân chưa hiểu thế nào là bán hàng đa cấp, chưa hiểu làm sao để kiếm được tiền trong bán hàng đa cấp, cần thiết thì phải quy định cụ thể với những người tham gia bán hàng đa cấp, có kiến thức, trình độ ra sao... Nếu vi phạm thì hành vi nào là thuộc loại xử lý nào, phạt hành chính hay truy tố trước pháp luật...
PS.TS. Trịnh Quân Huấn phân tích: "Người dân mình cả tin, ngay cả khi nghe tin cả trăm công ty đa cấp dồn dập vào làng như vậy mà vẫn chấp nhận bỏ tiền vào đó. Tới khi đổ bể thì chỉ thiệt cho người nghèo mà thôi. Do vậy, việc quy định như thế nào là lừa đảo, phải bị truy tố trước pháp luật cần phải cụ thể hơn nữa để trước mắt hạn chế được việc tham gia vô tội vạ vào đa cấp dù không biết lợi ích và vi phạm pháp luật của nó ra sao.
Ngoài ra, hậu kiểm việc kinh doanh đa cấp, TPCN còn hạn chế. Đặc biệt là kiểm soát sản xuất TPCN trong nước. Kiểu sản xuất từ nhà bếp, chuồng gà cũng là nơi sản xuất được TPCN, tôi cho là rất nguy hiểm nếu không có hậu kiểm".
"Trên thế giới, việc hậu kiểm rất được chú trọng. Công ty nào sai phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng, sai phạm nghiêm trọng hơn có thể phạt tù. Ở Việt Nam có thể thấy các văn bản quy phạm pháp luật có rồi nhưng không thực hiện hoặc vì nhiều lý do, nên việc hậu kiểm còn chưa đạt ở mức kiểm soát được lượng và chất của sản phẩm trước khi tung ra thị trường", ông Huấn nhấn mạnh.
Bình luận