10:59 CH @ Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Những tủ sách bị khoá trái...

Đọc note "Những tủ sách bị khoá trái..." của TS. Thuỵ Anh (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con) trên Facebook, thấy hay và gần ghi nhớ một số điểm nên pốt lại ở đây.

Nguồn: FB Thuỵ Anh (https://www.facebook.com/notes/10152489753716814/)



-------------------------------------------------------------------------------------------------

Có một hình ảnh khiến tôi lâu nay vẫn day dứt khi nghĩ về cái gọi là “văn hóa đọc” của Việt Nam. Đó là một ngày cách đây gần 5 năm, khi tôi đến chơi nhà một người bạn. Anh chị đang đốc thúc con học. Góc nhà có một tủ đầy ắp sách nhưng bị khóa chặt. Bố mẹ quyết định chỉ được đọc khi … nghỉ hè để không ảnh hưởng đến việc học. Mà kỳ nghỉ hè của chúng thì giờ đây bị “cắt giảm” chỉ còn vẻn vẹn một tháng! Các cô cậu nhỏ phải tập trung học kiến thức, đắm chìm vào các kỳ thi, rảnh ra chút nào lại đăng ký học các lớp kỹ năng sống, lấy đâu ra thời gian cho sách!

Vậy đấy! “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của tuổi nhỏ” bị nằm im trong tủ sách, trong thư viện nhà trường, để rồi sau đó, chúng ta lại la lên trên mặt báo về một văn hóa đọc đang đi xuống, rằng mỗi người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách một năm!... (!) (Số liệu mà Bộ Văn hóa-Thể thao- Du lịch đưa ra tháng 4/2013)

Điều gì có thể cản trở văn hóa đọc?
Đó là một thái độ xã hội đối với việc đọc sách. Việc không kết nối được sách với chương trình học tập nặng nề của trẻ cũng là môt cách cản trở văn hóa đọc. Cách dạy đọc hiểu ở trường theo quy trình khô cứng, không hoặc ít tương tác cũng sẽ dần triệt tiêu cảm xúc đọc của trẻ, khiến chúng ta mất đi một thế hệ bạn đọc mới ngay từ khi họ chớm tiếp cận với thế giới văn chương.

Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Một nhà giáo, diễn giả, một chuyên gia về văn hóa đọc của Tổ chức đọc sách quốc tế (IRA) ở California – Kelly Gallangher năm 2009 đã phân tích và đưa ra 4 nguyên nhân dẫn đến việc “triệt tiêu năng lực đọc”, trong đó đặc biệt cần chú ý đến 2 nguyên nhân: nhà trường chú trọng việc luyện thi cho học sinh hơn là dạy chữ dạy người; cấu trúc quyền lực trong nhà trường và lớp học, phương pháp giảng dạy tiêu cực đã làm suy giảm trải nghiệm việc đọc tự do và chân thành của trẻ (theo thông tin của nhà nghiên cứu Trương Huyền Chi).

Ngoài ra, nhiều người gần đây bày tỏ sự lo lắng chính đáng về sức hấp dẫn của thế giới nghe nhìn phong phú – những games, những phim ảnh, mạng xã hội sẽ chiếm một thời lượng lớn trong cuộc sống con người, để góc của những cuốn sách giấy đương nhiên bị thu hẹp. Nếu không thận trọng ngay từ bước đầu cho trẻ tiếp cận các phương tiện công nghệ, những say mê không đúng cách với thế giới ảo có khả năng thủ tiêu mãi mãi mối liên hệ giữa trẻ và sách.

Đọc sách là tự học
Trên thực tế, những cuốn sách bị khóa kia hoàn toàn có thể hỗ trợ bọn trẻ trong việc học, chưa nói là có thể trở thành một người thày thực sự, với dẫn dắt mềm mại của mình khiến đứa trẻ tham gia vào quá trình tự học, tự đào tạo một cách tự nhiên nhất. Trước hết là mở rộng vốn từ, sử dụng các cấu trúc ngữ pháp nhuần nhuyễn từ lúc nào không biết thay vì khổ sở với mớ lý thuyết “danh từ, cụm danh từ, động từ và cụm động từ...” mà trẻ phải học ra rả để trả bài thi. Từ vựng của nhà văn được đặt trong không gian câu chuyện, khơi gợi tưởng tượng và cảm nhận thế giới bằng mọi giác quan. Chẳng hạn, khi các bé tiểu học đọc “Những chiếc áo ấm” của Võ Quảng theo phương pháp tương tác, các bạn nhanh chóng nhớ những từ và cụm từ “mưa phùn”, “gió bấc”, “lất phất”, “run lên bần bật”. Các em có thể minh họa bằng động tác cơ thể cho mỗi từ, mỗi hình ảnh và sau đó ngay lập tức có thể dùng chúng cho lời nói, câu văn của mình vừa chính xác, vừa tràn ngập cảm xúc. Có em nói: “Vừa nghe đến từ MƯA PHÙN là con đã run hết cả lên vì lạnh, nhưng cũng thích thích vì nghĩ đến Tết!”. Và đây chính là điều tuyệt vời nhất mà sách có thể mang đến cho trẻ: cảm xúc! Khả năng rung động trước một tác phẩm văn học, trước cái đẹp, trước những câu chuyện giữa con người và con người – đó chẳng phải là điều mà môn Văn trong nhà trường hướng tới sao?

Sách còn có thể là... trợ giảng đắc lực của thày cô. Tôi còn nhớ, ngày chúng tôi học về Trần Hưng Đạo, về “ba lần chiến thắng quân Nguyên”, cô giáo Sử khuyên đọc “Trăng nước Chương Dương”, “Trên sông truyền hịch” (Hà Ân). Và tôi đọc. Cảm xúc hào hùng của thời đại lập tức bao bọc lấy tôi. Những con người, những nhân vật lịch sử cười nói, giận hờn, thao thức... khiến tôi cứ trả bài môn Sử là lại nhìn thấy họ đâu đó xung quanh. Điều này khiến tôi nhớ bài nhanh hơn cả khả năng tôi thường nhớ được. Những trang sách ấu thơ như thế mãi là “suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” (Bằng Việt)...

Từ những cảm xúc nhiều cung bậc có thể nhận được qua sách, trẻ được hướng dẫn về các giá trị sống và kỹ năng xã hội. Có thông điệp nào mà trẻ không thể nhận được qua sách?! Tình yêu thương, tình mẫu tử, phụ tử, sự trung thực, lòng quả cảm, niềm trắc ẩn... và nhiều giá trị nhân văn khác nữa! Nó sẽ có hiệu quả mạnh hơn hàng trăm, hàng ngàn lần so với việc trẻ phải ra rả các kết luận của bài học Giáo dục công dân. Một bạn nhỏ đọc xong cuốn “Anaruk, cậu bé ở Greenland” (Czeslaw Centkiewicz) đã chia sẻ rất ngây thơ: “Con đọc xong thấy quý những... món ăn mẹ nấu hơn.” Bạn khác lại bảo: “Con sẽ bắt chước người Eskimo, kể chuyện cười để khỏi cãi nhau với bạn! Vừa vui lại thoải mái, không làm ai buồn.” - đó là cách giải quyết mâu thuẫn của các bạn nhỏ ở Bắc cực. Cách hành xử của nhân vật, những câu chuyện nhà văn kể lại luôn có mục đích mà dễ hiểu, dễ tiếp thu thông qua rung cảm cá nhân giúp cho trẻ có nhiều trải nghiệm mới, từ đó xây dựng cho mình một bộ giá trị tinh thần – điều mà việc đánh giá hạnh kiểm ở trường không thể bao quát được.

Ở xã hội hiện đại bây giờ, khi mà những thông tin về hiện tượng trẻ bị trầm cảm hay nạn tự tử ở thanh thiếu niên tăng lên, thì sách còn nâng đỡ đứa trẻ trong tuổi khủng hoảng dậy thì, giúp nó tìm được sự cân bằng và những ý nghĩa tích cực của cuộc sống.

Để sách và các em được tự do đến với nhau
Như mặt trời mọc lên mỗi sáng, sách và những đứa trẻ dù sớm dù muộn cũng cần được tìm đến với nhau tự nhiên và giản dị nhất. Nếu thay đổi cách tiếp cận, thay đổi phương pháp hướng dẫn trẻ, chúng ta sẽ đạt được điều này. Ngay cả công nghệ thông tin với e-books và nhiều phương tiện khác nữa cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc đưa trẻ vào thế giới kỳ diệu của sách, thế giới tri thức phong phú và tinh tế về cảm xúc, là một trong những gốc rễ bền vững của việc xây dựng con người sáng tạo và tử tế trong tương lai.

Hãy để những tủ sách chứa những cuốn sách sẽ là thày, là bạn thân thương của các em không bao giờ còn bị khóa trái!

TSGD Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con.

Bài đăng trên Tuổi trẻ số ra ngày 22/12/2014
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi