1:00 SA @ Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày?

© GS. Lê Văn Lan (bài đăng trên báo QĐND)

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ

Trong Chiến dịch giải phóng Thăng Long (còn gọi là “Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa”) đầu Xuân năm Kỷ Dậu - 1789, đại đồn Ngọc Hồi của quân xâm lược Mãn Thanh là một mục tiêu tấn công chủ yếu của Quang Trung Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn.

Trong kế hoạch của chủ tướng đạo quân xâm lược Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị phòng thủ tòa Kinh thành Thăng Long vừa chiếm được từ ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân, để rồi đến ngày mồng 6 Tết Kỷ Dậu sẽ bắt đầu tiến quân vào Quảng Nam đánh tiêu diệt hoặc bắt Tây Sơn Nguyễn Huệ phải hàng phục, thì đại đồn Ngọc Hồi cũng đồng thời vừa là một căn cứ tiền tiêu, vừa là một bàn đạp xuất phát quan trọng nhất.

Ngọc Hồi ở cách Thăng Long 14km về phía Nam, nằm ngay trên trục đường Cái quan (Quốc lộ 1 ngày nay). Chủ tướng Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị tin chắc, và Quang Trung Nguyễn Huệ cũng biết rằng, một khi có giao tranh, thì Ngọc Hồi sẽ là chỗ đánh trận kịch liệt nhất.

Vì thế, ở Ngọc Hồi, trên một nền đất rộng gần 20 mẫu, cao hơn mặt đường khoảng 0,5m-đến nay vẫn còn giữ được tên gọi là “Cánh Đồng Đồn” và “Cánh đồng Bứng”-dàn ra hai bên đường Cái quan, Tôn Sĩ Nghị đã cho đóng tới 3 vạn quân, cử chính phó tướng của mình là Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, cùng với cả hai chức Tổng binh Quảng Tây là Thượng Duy Thăng, Tổng binh Quảng Đông là Trương Triều Long đến trấn giữ. Lại còn cho đóng đồn Văn Điển ở ngay phía sau để tiếp viện. Và một loạt đồn nữa, ở phía trước để che chắn (phòng thủ) theo chiều dọc: Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Hà Hồi…

Đấy là những hành động nhiều nhất thì cũng chỉ có ý nghĩa chiến thuật để gỡ lại cái sai lầm chiến thuật chết người của phía Mãn Thanh: Đang đà dồn dập tiến quân, bỗng dưng khựng lại, theo lời huênh hoang của viên chủ tướng họ Tôn: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc đang còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!”.

Về phía Tây Sơn, thì như lời Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói khi dẫn đại quân từ Phú Xuân, qua Nghệ An, Thanh Hóa, ra tới vùng đèo Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15-1-1789): “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chỉ trong vòng mươi ngày là đuổi được giặc Thanh!”.

Theo “phương lược tiến đánh đã tính sẵn” ấy, quân Tây Sơn sẽ (đã) hành tiến tấn công theo đội hình “Bàn tay xòe”:


  • Trung quân (ngón tay giữa) gồm bộ binh và tượng binh (100 thớt voi chiến) do chính Quang Trung chỉ huy, hành quân chiến đấu dọc con đường Cái quan, từ Tam Điệp thẳng tới Thăng Long, đánh vỗ mặt đạo Trung quân của địch.
  • Cánh thủy quân thứ nhất (ngón đeo nhẫn) đi đường ven biển, do Đô đốc Tuyết chỉ huy, vào cửa sông Cái, đánh đạo Tả dực của quân Thanh đóng ở Hải Dương, không cho nó lên ứng cứu Trung quân.
  • Cánh thủy quân thứ hai (ngón tay út), do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng theo đường biển, nhưng vòng xa lên mạn Lục Đầu, chẹn đường Trung quân giặc thua chạy về nước, ở Phượng Nhãn (Bắc Giang).
Đó là hai cánh quân Hữu dực của Tây Sơn. Còn đạo Tả dực thì cũng gồm hai cánh:
  • Cánh kỵ binh và tượng binh (ngón tay trỏ) do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi song song với đạo Trung quân nhưng chếch về phía Tây, theo đường đồi núi, đổ ra Đại Áng, phục binh ở phía tây Ngọc Hồi.
  • Cánh Khinh binh tinh nhuệ (ngón tay cái) do Đô đốc Long chỉ huy, vòng xa hơn về mạn tây, theo con đường “Thượng đạo” (đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn ngày nay) bất ngờ đến Khương Thượng, sát Đống Đa ở mạn tây nam Thăng Long, đánh vỗ quân Hữu dực của giặc ở đây, rồi nhanh chóng thọc dao vào sau lưng Trung quân (đại bản doanh) Tôn Sĩ Nghị.

Đúng đêm 30 Tết, triển khai thế trận, đạo Trung quân Tây Sơn xuất phát từ Tam Điệp. Đánh mạnh và quá nhanh, chỉ qua hai ngày Mồng Một và Mồng Hai Tết, tiến dọc chiều sâu chính diện 80km, nhổ phăng các đồn tiền tiêu Gián Khẩu, Nguyệt Quyết… của địch. Đến đêm Mồng Ba Tết, đạo quân này đã tiến tới trước đồn Hà Hồi – cách Ngọc Hồi 6km, cách Thăng Long 20km.

Chỉ chốc lát, và chỉ một cung đường ngắn ngủi nữa, đạo Trung quân này đã hoàn toàn có thể tấn công Ngọc Hồi, chậm nhất là vào sáng sớm Mồng Bốn Tết.

Nhưng thực tế, đã không có trận đánh nào ở Ngọc Hồi trong cả ngày Mồng Bốn Tết ấy.

Vì sao như vậy?

Đã có nhiều cách giải thích từ trong lịch sử. Chẳng hạn như (và cả 3 vạn quân tướng giặc ở Ngọc Hồi cũng đã nghĩ thế) rằng vậy là để dứ đòn, khiến quân Thanh phải căng thẳng, mệt mỏi đối phó, trước khi trận đánh thực sự nổ ra.

Nhưng thật ra, đây chỉ là động thái chờ nhau giữa các cánh quân Tây Sơn, để phối hợp nhịp nhàng, hữu hiệu, trong một thế trận, với “phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi”-như lời tuyên bố của Quang Trung từ trước đấy.

Bởi vì đạo Trung quân do chính chủ soái Tây Sơn chỉ huy, vừa đi đường thẳng và phẳng, vừa đánh quá nhanh, cho nên phải chờ đạo Hữu dực đi đường thủy và vòng xa về phía đông. Nhất là phải chờ đạo Tả dực cũng vừa phải vòng xa về mạn tây, lại vừa phải đi đường núi. Đặc biệt đối với việc đánh Ngọc Hồi, thì Quang Trung còn phải chờ cánh quân Đô đốc Bảo, giữ vai trò rất quan trọng là trực tiếp đến đích phối hợp tác chiến.

Một ngày và một đêm-từ sáng sớm Mồng Bốn Tết đến sáng sớm Mồng Năm Tết-là thời gian cần và đủ để điều hành và thực hiện tất cả những công việc và hành động quân sự trên chiến trường ấy.

Cho nên, rạng sáng Mồng Năm Tết, khi Quang Trung vừa tháo chiếc khăn vàng hoàng đế chít đầu, thắt vào quanh cổ để tỏ ý quyết không sống nữa nếu không thắng trận này và vừa trèo lên bành voi phất cờ lệnh cho toàn đạo Trung quân xung trận, bất chấp địa lôi, rào cản, súng đạn, hỏa mù… chống trả của giặc, sau đấy đã tràn được vào đại đồn Ngọc Hồi mà đánh giết, khiến chiến trường “máu ngập đến mắt cá chân”. Như sự ghi chép của sử cũ thì những kẻ sống sót khi bỏ đồn chạy thục mạng về phía Thăng Long, nhưng vấp phải đội quân nghi binh Tây Sơn phục sẵn, nổi dậy giương cờ gióng trống xua đuổi, chúng đành phải dạt cả về phía tây, để ở đấy mà chịu trận đánh tiêu diệt của Đô đốc Bảo vừa kịp đến phối hợp: Dùng voi, ngựa giày xéo, giẫm đạp toàn bộ quân giặc dưới khu bùn lầy Đầm Mực!

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Cũng vào lúc rạng sáng Mồng Năm Tết ấy, cánh khinh binh vu hồi của Đô đốc Long đã kịp tới đích để cùng dân chúng “Ba làng gừng” (Khương Thượng, Khương Trung, Khương Đình) làm “trận Rồng lửa”, phá tan đại đồn Đống Đa của quân Thanh, rồi nhanh chóng xông qua cửa Ô Chợ Dừa, đánh thẳng vào sau lưng đại bản doanh địch. Chủ tướng Tôn Sĩ Nghị đang mải miết theo dõi, chỉ huy hướng trận phía trước ở mạn nam-Ngọc Hồi-bất ngờ, thảng thốt, chỉ kịp đập kiếm lệnh xuống bàn, thét câu: “Địch trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên à?” và nhảy ngay lên con ngựa chưa kịp thắng cả yên cương, vượt sông Cái (sông Hồng) cắm đầu chạy một mạch về nước, sau khi may mắn nhờ vứt bỏ cả ấn tín, giấy tờ… mà thoát khỏi được chiếc bẫy chẹn đường ở Phượng Nhãn của Đô đốc Lộc vừa kịp đến giương lên ở đấy.

Người dân Thăng Long đón vua Quang Trung ngày Mùng năm Tết

Chiến dịch giải phóng Thăng Long vậy là kết thúc thắng lợi trọn vẹn vào ngày Mồng Năm Tết. Hiện chưa thể biết rõ hết, trong ngày Mồng Bốn Tết trước đấy, phương thức thông tin liên lạc để “điều binh khiển tướng” đã được vị Hoàng soái Tây Sơn Nguyễn Huệ thực hiện cụ thể như thế nào, để có thể tạo ra được sự phối hợp nhịp nhàng đến mức thần diệu như vậy giữa năm cánh quân, đúng là năm ngón tay của một “Bàn tay xòe chỉ thẳng”, nhưng lại là những đơn vị lớn, hoạt động với những nhiệm vụ trọng đại khác nhau và ở xa nhau! Tuy nhiên, chắc chắn là trong một ngày đánh trận Ngọc Hồi chậm lại ấy, những công việc vô cùng cần thiết nhưng tinh tế và khó khăn, phức tạp cực kỳ như thế, đã được tổ chức thực hiện một cách tuyệt vời!



Xem thêm: NHỮNG CÁI TẾT OAI HÙNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ CỦA VN
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi