8:36 CH @ Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Vốn điều lệ

Đọc một series trên TBKTSG về chủ đề này, thấy bài này hay nên pốt ở đây để sau còn đọc lại



LẠI NÓI VỀ VỐN ĐIỀU LỆ
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Trong bài Đừng tin “vốn điều lệ”!, tác giả Huy Nam sau khi đặt các câu hỏi về vốn ấy thì đã trả lời rằng là “… có thể nói đó chưa là gì, ít ra về mặt tài chính doanh nghiệp… có thể là dư âm của nếp quản lý tiền kiểm…”. Và ông đã giải thích bằng bài viết của mình. Ở đây tôi xin góp thêm vào cố gắng của tác giả.

Thoạt đầu (vì bây giờ đổi rồi), vốn điều lệ là danh từ của luật ta để chỉ số tiền lần đầu của một doanh nghiệp do các cổ đông tự khai rồi đăng ký. Sở dĩ gọi như vậy là để phân biệt nó với vốn pháp định là cái mà luật buộc một số loại công ty phải có khi được thành lập. Dù có tên là gì thì cả hai chỉ là một số tiền mà các cổ đông bỏ ra để lập doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó vốn có hai tính chất: pháp lý và thương mại.

Tính chất pháp lý của vốn

Công ty là một pháp nhân, tức là con người nhưng chỉ tồn tại trong con mắt của luật pháp. Xin gọi là “con ma”. Các cổ đông bỏ tiền ra để lập con ma; rồi cho nó hoạt động một mình (tách khỏi họ) và độc lập (không dính với ai về mặt trách nhiệm). Khi kinh doanh con ma sẽ gây thiệt hại cho những người khác (thể nhân và pháp nhân) và nó phải bồi thường; muốn làm được nó phải có tài sản. Đó là vốn. Do đó, về mặt pháp lý, người ta nói vốn là tiền mà công ty dùng để trả nợ. Đấy là trật tự xã hội, không thì sẽ loạn.

Vì mục đích đó, luật buộc (i) con ma phải công bố vốn và (ii) cổ đông không được làm giảm số vốn kia. Về sau này, khi con ma trả nợ thì người sẽ mất tiền thực sự là các cổ đông. Họ là “con nợ cuối cùng”. Con ma sẽ bị tòa án buộc trả nợ cho mọi chủ nợ, khi nó không có tiền mặt trả nợ đến hạn cho một người, và bị người ấy thưa ra tòa xin phá sản. Trách nhiệm của con ma thực sự là lúc này; còn lúc khác nó khất nợ được. Trách nhiệm của “con nợ cuối cùng” cũng là ở đây; đó là trách nhiệm phải “chi tiền” chứ không phải là “đi tù”. Khi phải trả nợ như vậy, có bao nhiêu tài sản con ma phải đem ra hết để trả. Thí dụ nó đã khai vốn điều lệ là 8 tỉ đồng, hiện có trong quỹ 16 tỉ, nhưng nợ 20 tỉ; vậy nó phải lấy 16 tỉ ra trả. Trả đến sạch túi như thế luật bảo là “chịu trách nhiệm vô hạn”. Các cổ đông đã bỏ vào nó 8 tỉ như đã đăng ký thì trong trường hợp này cũng mất luôn. Nhưng, họ chỉ mất số đó thôi, chứ còn tiền để ở nhà thì không sao; luật bảo là họ chịu “trách nhiệm hữu hạn”.

Do đó, đã là công ty - trách nhiệm hữu hạn, hay cổ phần - thì nó chịu trách nhiệm vô hạn; chỉ có người bỏ vốn được “hữu hạn”. Các khái niệm căn bản này của công ty vẫn thường bị hiểu lầm ở ta. Là “con nợ cuối cùng” nên khi lập ra con ma, cổ đông bảo nó “mày được phép có ngần này tiền làm vốn”. Do vậy, luật của Anh và Mỹ có khái niệm “authorized capital” (vốn được phép phát hành). Vào lúc công ty bị phá sản, cổ đông nào chưa góp đủ tiền như đã cam kết sẽ bị tòa buộc góp cho đủ. Họ bị ràng buộc bởi sự công bố của mình.

Tính chất pháp lý của vốn là như thế, nên khi con ma bị phá sản, vốn là số tiền mà chủ nợ của con ma và cổ đông tranh giành với nhau. Cổ đông được (do công ty tẩu tán tài sản) thì chủ nợ mất (họ cho vay 10$, nhưng có thể chỉ lấy lại được 5$); cho nên để đề phòng con ma tẩu tán tài sản, người ta đặt ra luật phá sản. Chỉ không trả được nợ cho một người thì con ma bị thưa phá sản ngay. Trong thủ tục phá sản, lại có thứ tự phân chia tài sản còn lại của con ma, ai lấy trước, lấy sau; do đó mà có nợ có bảo đảm và nợ không bảo đảm.

Tính chất thương mại của vốn

Ta đã nói về “vốn được phép phát hành”; đào sâu danh từ này thì ta đi sang ý nghĩa thương mại của vốn. Trước hết, là tiền bạc vốn sẽ tạo ra tài sản. Tài sản thì đem ra mua bán được và có thể nằm dưới các hình thức khác nhau như: giấy tờ có giá, động sản, bất động sản. Mua bán thì có luật cung cầu nên có lúc giá của tài sản lên hay xuống. Đấy là về phần vốn. Về phần con ma, bao lâu nó có tiền để trả nợ thì hoạt động… vô tư. Mà thực sự chẳng chủ nợ nào muốn nó bị phá sản. Con ma làm ăn lời lãi thì nó lắm của, nhiều tiền và số này sẽ cao hơn vốn được phép phát hành nhiều lần. Tính thương mại của vốn nảy sinh từ các điều kiện này.

Tác giả Huy Nam đã mô tả các sắc thái của vốn trong tính chất này. Ở đây - méo mó nghề nghiệp - tôi xin xếp chúng lại theo một thứ tự dễ hiểu hơn hầu có thể nêu một vấn đề khác.

Vì cứ còn tiền là con ma hoạt động vô tư, nên khi “cho phép” nó có - thí dụ - 10 tỉ đồng làm vốn, thì các cổ đông sáng lập chỉ góp 2 tỉ lúc đầu, cốt cho nó khởi động; sau này cần đến đâu thì góp tới đó. Sở dĩ vậy vì bỏ tiền ra thì ai cũng sợ mất; góp nhiều thì phải chia cổ tức nhiều, nên chi phí để có vốn (capital costs) sẽ cao; hơn nữa là khi con ma cần thì họ có thể kêu gọi người khác góp. Muốn vậy phải có cách làm. Để chia đều lãi lỗ với nhau, các cổ đông chia vốn thành từng phần đều nhau và định cho nó một giá để dùng giữa họ với nhau. Cái đó được gọi là mệnh giá của cổ phần (par value) hay giá danh nghĩa (nominal value). Số tiền cổ đông góp lúc đầu cho con ma theo mệnh giá được gọi là vốn đã góp (paid up capital). Cho người khác góp thêm sau này để đạt đến mức “cho phép” được gọi là công ty “phát hành cổ phần”. Việc ấy tạo nên sự chuyển nhượng hay mua bán vốn. Đã mua bán thì có giá cả và lời lỗ.

Vì vậy, vốn có giá thị trường, có khi lên cao, có khi xuống thấp; khi ấy mệnh giá của cổ phần không còn ý nghĩa nữa. Để sao mua bán lúc nào cũng có lời, người mua bán tìm nhiều cách tính toán như: chỉ số chứng khoán, tỷ lệ P/E, biểu đồ các loại để đánh giá công ty. Chúng ta nghe về các chi tiết này nhiều khi có thị trường chứng khoán, nơi có nhiều người mua hay bán cổ phần. Cổ phần có giá thị trường tạo nên “vốn hóa trên thị trường” (market capitalization). Cái vốn này cao hơn cái vốn “được phép” nhiều lắm. Và con ma sẽ khoe con số này để quảng cáo cho mình. Vốn là tiếng tăm!

Trong khi giá cổ phiếu của con ma trên thị trường lên hay xuống thì tiền cũng không phải là của nó, mà là của các người mua bán. Về phần mình con ma phải sử dụng tiền để kinh doanh và đóng thuế. Cho các việc ấy, nó có hệ thống sổ sách kế toán, bảng cân đối và báo cáo tài chính. Trước khi đóng thuế, nó phải lấy lại tiền đã chi tiêu. Nếu lấy hết một món tiền đã tiêu ngay trong năm thì tiền đó gọi là khấu hao; nếu chỉ được lấy lại trong vài năm thì tiền đó được gọi là “chi đầu tư vốn” (capital expenditure). Đọc lên thấy khó hiểu ghê! Sở dĩ có các vụ rắc rối ấy là vì Nhà nước có quyền chia một phần tư tiền lãi của con ma thì cũng phải cho nó giữ lại một số để sống mà… nộp thuế tiếp. Đóng thuế xong, con ma lập quỹ, chia cổ tức, hay giữ lại. Số tiền giữ lại kia sau vài năm cộng lại sẽ cao hơn nhiều so với số vốn đã được phép phát hành. Vốn này khác với “vốn hóa trên thị trường”. Bây giờ ta hiểu tại sao có lời hô hào “Đừng tin vốn điều lệ”! Nhưng điều ấy chỉ đúng trong tính chất thương mại của vốn.

Việc quản lý vốn

Ta du nhập định chế công ty vào mình bằng cách ban hành luật. Du nhập như thế thì nhiều khái niệm cơ bản và tập tục của định chế không được biết hết. Do đó thay vì bàn bạc về khái niệm, về tập tục thì ở ta người ta dễ tranh luận về từ ngữ.

Để quản lý vốn, ở các nước mà công ty đã có từ lâu thì việc ấy được phân chia như sau. Về tính pháp lý, tức là kê khai vốn “được phép phát hành”, thì việc ấy được giao cho cơ quan đăng ký công ty. Cổ đông khai sao, họ ghi vậy; không thắc mắc; ai khai nhiều mà không góp đã có chủ nợ khi công ty phá sản. Quản lý tính thương mại của vốn thì do những người giao dịch trực tiếp với công ty làm. Họ bỏ “khúc ruột” thì phải “chọn mặt gửi vàng”. Để bảo vệ họ, có tòa án và luật phá sản. Những người giao dịch gián tiếp với công ty cũng phải làm y chang và họ được ủy ban chứng khoán bảo vệ. Hệ thống quản lý vận hành theo nguyên tắc “ai có lợi ích thì phải tự lo” và cách quản lý là “đa đầu”. Cứ tưởng tượng các chủ nợ săm soi công ty thì thấy mức độ quản lý ấy chặt chẽ đến thế nào. Nhưng công ty cứ... vô tư kinh doanh, đừng để thiếu tiền mặt trả nợ! Quản lý lỏng nhưng chặt là như thế.

Ở ta quan niệm về tính chất của vốn không rõ ràng; dân giao dịch với công ty dường như theo nguyên tắc “khi lời lãi thì tìm cách né thuế, lúc lỗ lã thì trách móc chính quyền là không quản lý”; luật vay mượn chưa được cưỡng chế hữu hiệu, phá sản công ty chưa phổ biến; cho nên ta không thực hiện được cách quản lý “đa đầu”. Trong khung cảnh ấy, các cơ quan chức năng - Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán - bèn quản lý vốn theo nguyên tắc “chắc ăn cho mình - còn kệ họ”. Do vậy, cả hai đều không phân biệt tính pháp lý và thương mại của vốn; hoặc bắt chước theo tên mà không biết cách làm theo nghĩa. Điển hình là Nghị định 102/2010 quy định vốn đã góp tiền (paid up) là vốn điều lệ (nhận đăng ký) còn “vốn được phép phát hành” là “số cổ phần được quyền phát hành”! Vốn là tiền thì nó sẽ sinh sôi hay mất mát còn cổ phần chỉ là một sự giao ước của các cổ đông với nhau. Sao chủ nợ dựa vào giao ước đó được để thu hồi nợ?

Một điển hình nữa là Nghị định số 1/2010 buộc công ty cổ phần mua bán cổ phần trực tiếp (phát hành riêng lẻ) phải báo trước 20 ngày cho sở kế hoạch và đầu tư; rồi người mua không được bán lại trong vòng một năm; và các đợt phát hành phải cách nhau sáu tháng. Ủy ban Chứng khoán quản lý tính chất nào của vốn? Không phân biệt công ty gọi vốn từ một số ít người hay từ nhiều người.

Vì cách quản lý như thế nên người bị hoang mang là… báo chí! Sau khi có một ông ở TPHCM mở 37 công ty, thì một tờ báo đã đặt câu hỏi là Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM đã kiểm soát như thế nào mà để cho việc ấy xảy ra. Và đặt một cái tựa cũng không kém hoang mang “Hiểm họa vốn ảo!”. Người quan tâm… bình loạn! Nhà nước quản… rối tung! Cái vòng ấy sẽ kéo dài miên man, sao mà hội nhập với thế giới?
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi