Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Từng bị ảnh hưởng từ chill-out
Nhạc sĩ của những bản tình ca Đỗ Bảo thừa nhận anh từng bị ảnh hưởng từ chill-out.
Chill-out được nhiều người gọi nôm na là nhạc thư giãn, tôi nghĩ thế cũng đúng thôi. Ngày nay, sự thư giãn là một trong những nhu cầu dần trở nên quan trọng trong nhịp sống của con người hiện đại, thậm chí quan trọng tới mức nó có thể được tổ chức như một nghi thức riêng của mỗi người, bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó nghe nhạc chill-out đang là một lựa chọn tất yếu.
Làm ra một bản nhạc thư giãn là rất khó, cũng khó như làm ra bất cứ một tác phẩm ở thể loại nào khác. Nhạc chillout có những đặc điểm chuyên biệt riêng, và đối với người nhạc sĩ, những đặc điểm ấy luôn là những thách thức thường trực mỗi khi anh ta khởi công sáng tác một bản chill-out.
Theo tôi, nhạc chill-out rất cần được sáng tạo từ ban đầu, thay vì đôi khi ta thấy những bản chill-out được chuyển soạn, khai triển từ một ca khúc (như tôi đã làm với Nguyệt Ánh Chill-Out) hay một tác phẩm âm nhạc cổ điển, bởi chill-out rất cần có những motif giai điệu vuông vắn, tròn trịa, cân phương chuyên biệt để vang lên xuyên suốt cả tác phẩm, tính cô đọng, tính kết tinh ở chill-out là sự khác biệt của nó so với các thể loại khác. Khác với khái niệm giai điệu ở một ca khúc, một bản độc tấu nhạc cụ, giai điệu của chill-out mà tôi nhắc đến là tính giai điệu tổng hòa, gồm nét nhạc, hòa thanh và tiết tấu, thậm chí là hiệu ứng - kỹ xảo âm thanh. Sự pha trộn ở mức độ nào để tất cả những thành phần ấy trở thành một loại giai điệu bắt tai là một câu chuyện dài, đầy khó khăn đối với nghệ sĩ sáng tác hay chuyển soạn.
Khoảng 10 năm trước, lần đầu tôi nghe chill-out là tại Hong Kong, trong một quán bar, khi ấy tôi không biết mình đang nghe cái gì nữa..., chỉ thấy lạ thôi. Thì ra một số sáng tác nhạc pop của tôi, trước và sau đó có ảnh hưởng vô thức ít nhiều từ cách tư duy sáng tác ấy, cả những bản phối khí từ hồi làm Nhật thực của Hà Trần (1999), hay Những ô màu khối lập phương của Tùng Dương (2006). Tôi cảm thấy khâm phục những người đã tạo ra lounge và chill-out, một rẽ nhánh của âm nhạc New Age, giống như cách những nghệ sĩ thế giới khác đã tạo ra những thể loại âm nhạc khác. Ở đây, với chillout, họ thực sự sáng tạo ra, đẩy mạnh và duy trì một hình thái âm nhạc với ngôn ngữ khác biệt, ngôn ngữ để ta nghe, mạnh mẽ hay nhẹ nhàng nhưng đều êm đềm, lôi cuốn, và ta thấy mình có thể thư giãn được.
Hai album của DJ Trí Minh và Nguyệt Ánh
Nhạc sĩ Trí Minh: Chill-out Việt nên thể hiện cá tính Việt
Với tôi, nhạc chill-out hoặc nhạc thư giãn Việt nói riêng và các thể loại âm nhạc của Việt Nam nói chung nên thể hiện được cá tính Việt trong âm nhạc của mình. Những âm sắc đặc trưng của Việt Nam như những bản nhạc dân gian, cũng như những nét giai điệu thuần Việt được pha trộn tinh tế sẽ làm cho nhạc chill-out Việt có đặc trưng riêng và tạo nên cá tính của mình. Tôi đã làm như vậy với Hanoi Love Stories.
Album Chuyện Tình Hà Nội/Hanoi Love Stories là những tuyển tập mẫu âm thanh, những câu chuyện, không gian sống và những trải nghiệm về một Hà Nội cũ kỹ với những hoài niệm thời thơ ấu nhưng cũng rất hiện đại với những hoài bão của mình. 10 tracks nhạc trong album là một chuỗi các câu chuyện được kể không tách rời, bằng những ngẫu hứng về âm thanh và về những suy nghĩ rất riêng tư của các nghệ sĩ về Hà Nội. Bắt đầu bằng Hà Nội Buổi Sáng với tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Đan Mạch Anders T Andersen được thu âm vào một buổi sáng tại Copenhagen. Tiếng đường phố Hà Nội, tiếng nói chuyện, tiếng chim chích chòe lửa được hòa quyện lại để tạo nên những không gian sống rất Hà Nội. Track nhạc cuối như một bản nhạc chia tay đầy nuối tiếcMột thế giới không biệt ly do nghệ sĩ Đan Mạch Michael Moller thu tại Hà Nội.
Bình luận