1:11 SA @ Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Hoa trôi trên sóng nước - Chương 7

Thất vọng về việc tham cứu công án không mang lại kết quả như ý muốn, tôi đành tìm đến nhà Hayakawa, một người bạn mà tôi đã quen khi tham dự các khóa lễ tại chùa Honganji. Hayakawa là một phụ nữ bình dân, trình độ học vấn chưa hết bậc tiểu học nhưng khả năng về Phật học lại rất thâm sâu. Trong các buổi đàm luận, bà thường đưa ra nhiều lý luận sâu sắc khiến mọi người phải thán phục. Sở dĩ Hayakawa có một kiến thức rộng rãi như vậy là nhờ sự học hỏi suốt mấy chục năm với giáo sư Shibata Fuguan, một học giả rất nổi tiếng về Phật học lúc đó. Nghe tôi than thở về việc tu hành không kết quả của mình, bà đã an ủi và rủ tôi đến thăm nhà học giả này.

- Tôi nghĩ giáo sư Shibata có thể giúp chị được. Có lẽ chị cần một vị thầy không quá nghiêm khắc như những người mà chị đã gặp.

Giáo sư Shibata sống trong một căn nhà nhỏ tại Toyochira-cho, thuộc ngoại ô thành phố Sapporo. Tuy chỉ là cư sĩ nhưng ông sống không khác gì một nhà tu. Ông không lập gia đình, ăn chay trường và dành trọn đời nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Mặc dù tuổi đã ngoài bảy mươi lại thêm bệnh suyễn, nói năng khó khăn nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Sau khi nghe tôi kể về trường hợp đi tìm đạo của mình, ông khoan thai nói:

- Bà muốn tìm kiếm con đường giải thoát nhưng tôi thấy hình như bà chưa biết rõ mình phải đi theo con đường nào một cách rõ rệt. Bà sống bằng trực giác nhiều quá, bà cảm thấy cần phải tu, phải đi theo con đường tâm linh, phải làm thế này hay thế khác, mà không thực sự nắm vững mục đích con đường của mình nên cứ trôi giạt từ nơi này đến nơi khác, từ lý thuyết này đến lý thuyết khác, từ thầy này đến thầy nọ…

- Giáo sư nói rất đúng. Tôi biết mình không thể sống một cách phiêu bạt hồ đồ mãi như thế được, đời người thì ngắn mà phiền não lại quá nhiều, tôi muốn tìm kiếm con đường thoát khổ. Xin giáo sư thương tình giúp cho.

Giáo sư từ tốn lắc đầu:

- Tôi không thể giúp cho bà được, chính bà phải tự giúp bà bằng cách tu học để giải thoát. Tôi chỉ có thể trình bày cho bà thấy con đường mà đức Phật đã chỉ dẫn nhưng bà phải tự cất bước mà đi. Bà nên biết, đạo Phật là một tôn giáo hết sức thực tiễn, đề cao sự giải thoát bằng nỗ lực cá nhân chứ không trông cậy vào một năng lực nào đến từ bên ngoài. Do đó người ta không thể đến với đạo Phật bằng cách trông chờ một đấng nào đó cứu giúp cho hay một tu sĩ nào tu giùm cho mình được mà phải tự cất bước. Muốn thế người ta cần phải học và hiểu những điều đức Phật đã dạy trong kinh chứ không thể tụng kinh mà không hiểu ý được.

Đây là lần đầu tiên tôi nghe có người chủ trương phải học hỏi kinh điển. Các vị thầy tôi gặp trước kia chỉ khuyên tín đồ đọc thật nhiều kinh nhưng không mấy ai giải thích ý nghĩa kinh điển ra sao hoặc nếu có giảng thì họ cố tình giảng giải theo ý kiến riêng của họ.

Giáo sư Shibata nói tiếp:

- Đọc tụng kinh điển là điều rất hay nếu người ta hiểu được ý nghĩa những câu kinh, còn nếu không thì được lợi ích gì nếu chỉ đọc suông như một con vẹt? Do đó bà phải chú trọng vào vấn đề học nhưng phải học trong tinh thần tự do tuyệt đối, không nên lệ thuộc vào sự giải thích của bất cứ ai. Phải có óc hoài nghi, vừa học vừa phân tích cẩn thận, xem đúng sai như thế nào. Chỉ khi nào thấy đúng hãy tuân theo. Sự tu hành mà thiếu yếu tố học hỏi này dễ đưa người ta đến lòng cuồng tìn, mù quáng, hẹp hòi cố chấp, và như thế là không đúng với giáo lý đề cao việc phát triển trí tuệ của đức Phật.

Tôi dè dặt đặt câu hỏi:

- Thưa giáo sư, phải chăng khi theo Phật giáo, tôi đã không đi lầm đường?

Giáo sư Shibata nhìn tôi một cách ưu ái rồi nói:

- Đạo Phật không phải là một lý thuyết hay một mớ tín điều nhưng là một lối sống vì đức Phật, người khám phá ra những chân lý này, đã minh chứng nó một cách linh động và hùng hồn bằng chính đời sống của ngài. Ngài đã can đảm dứt bỏ địa vị cao sang, quyền quí để quyết tâm tìm đạo giải thoát. Ngài chủ trương không ỷ lại bất cứ một năng lực bên ngoài, như một đấng nào hay một vị thầy nào, mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào khả năng sẵn có của mình. Sau khi chứng ngộ, ngài không nhập Niết Bàn ngay mà còn mang những điều mình biết ra chỉ dẫn để giúp nhân loại giải thoát khỏi những khổ đau hệ lụy của họ. Theo sự hiểu biết của tôi thì đạo Phật chính là con đường giải thoát mà bà vẫn tìm kiếm từ bao lâu nay. Tuy nhiên bà không thể nhắm mắt đi càn mà cần phải nghiên cứu, học hỏi để hiểu cho thật rõ điều đức Phật đã chỉ dẫn vì giáo pháp của ngài bao trùm tất cả mọi ngành, từ khoa học đến triết học, từ văn chương đến nghệ thuật, càng học hỏi người ta càng thấy nó bao la, cao siêu và mầu nhiệm vô cùng.

- Thưa giáo sư, vậy tôi phải bắt đầu như thế nào?

- Bà có thường tụng kinh không?

- Tôi vẫn thường tụng kinh và niệm hồng danh chư Phật.

- Bà có hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm không?

Thấy tôi lúng túng ngập ngừng không trả lời, giáo sư Shibata gật đầu cười:

- Phần lớn mọi người đều lúng túng như vậy cả vì tụng niệm là một truyền thống, đến chùa thì tụng kinh. Cha mẹ trước làm thế thì con cháu sau cũng làm theo, nhưng không mấy ai chịu tìm hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm. Tụng là đọc, niệm là suy tưởng đến lời dạy của đức Phật để làm phương châm cho đời sống hàng ngày và giao hạt giống giải thoát vào tâm thức. Do đó người ta cần phải hiểu thật rõ lời dạy của đức Phật thì mới có ích. Nếu chỉ đọc mà không hiểu gì hết thì chỉ như ca hát vu vơ chứ có ích lợi gì. Khi biết thật thấu đáo, không còn chút nghi ngờ nào thì mới được. Đối với đạo Phật, đức tin chỉ đến sau khi người ta đã tự mình chứng nghiệm nó bằng chính năng lực bản thân thì đức tin đó mới vững vàng, không thể lay chuyển. Lòng tin đúng với tinh thần Phật giáo không có sự mù quáng, vì càng hiểu thấu đáo nó bao nhiêu, người ta càng thấy lời dạy của đức Phật giản dị và rõ ràng bấy nhiêu. Một khi đã hiểu thật rõ thì đâu thể hành động khác với lời dạy của chư Phật được. Tóm lại, tụng niệm chính là việc ôn lại những lời dạy bảo này, gieo nó vào tâm thức mình để chuyển hóa tâm và thân. Tụng niệm là phương thức huân tập tâm thức rất tốt, giúp cho người tụng kiềm chế được thân, khẩu, ý, không để cho nói năng bừa bãi, buông lung theo thói quen nữa và nhờ thế giảm bớt được các nghiệp chướng, tai họa. Theo ý tôi, việc đầu tiên bà nên làm là học hỏi Phật pháp và tôi sẵn sàng giúp bà trong bước đầu này.

Tôi hết sức cảm động trước lời chỉ dẫn đầy ưu ái, chân thành của giáo sư. Từ đó mỗi tuần tôi đều theo Hayakawa đến đây học hỏi. Giáo sư Shibata là người làm việc theo phương pháp khoa học. Ông thu xếp các bài giảng ra từng phần rõ rệt, bắt đầu từ những bộ kinh ngắn dễ hiểu và sau đến các bộ kinh lớn, hàm súc hơn. Sau buổi học, ông đúc kết các bài giảng ra những bài ngắn để học sinh có thể mang về nhà tham cứu thêm. Trong mỗi bài viết, ông đều có mục lục tham khảo để học sinh có thể tìm kiếm thêm tài liệu. Cho đến nay tôi chưa thấy ai có phương pháp làm việc quy củ, cẩn thận như ông. Giáo sư thường nói:” Khi xưa tôi đã đi khắp nơi tìm thầy học đạo. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn trở ngại, có lúc muốn bỏ cuộc nên rất thông cảm tâm trạng của những người tìm đạo. Tôi chỉ muốn làm sao để người đi sau gặp hoàn cảnh tốt, có thể phấn khởi tu học nên không quản công lao, đúc kết những điều đã thâu tập được thành từng bài viết ngắn để những người đến đây học hỏi, nếu không hiểu gì nhiều thì cũng có cái cầm về nhà, sau này có dịp đọc lại biết đâu chẳng hiểu thêm ra”.

Giáo sư Shibata không mở những khóa tu mà chỉ dạy riêng cho từng người hay từng nhóm nhỏ, giới hạn khoảng hai ba người mà thôi. Ông chủ trương “tùy bệnh cho thuốc”, tùy tâm trạng mỗi người mà giảng dạy một cách khác nhau. Lúc đầu tôi đến học với ông mỗi tuần một lần, nhưng về sau tôi đến thường xuyên hơn, hai lần rồi ba lần một tuần, và sau cùng tôi dọn xuống Sapporo để có thể thăm viếng giáo sư hàng ngày. Hayakawa xin cho tôi vào làm công cho một gia đình khá giả gần đó. Công việc quét dọn, lau chùi nhà cửa này không đến nỗi bận rộn nên tôi có thể tham dự các khóa học một cách thường xuyên.

Trong suốt bảy năm liền, tôi đã theo học với giáo sư một cách chuyên cần, nhờ đó mà tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều từ trước đến nay tôi không hề để ý đến. Tôi đã đọc nhiều sách vở của Thần Đạo cũng như của các tôn giáo khác nhưng giáo sư Shibata đã dạy cho tôi cách phân biệt lý thuyết nào là của Phật giáo, lý thuyết nào là của Thần Đạo hay của các tôn giáo khác. Ông cho biết:” Truyền thống nước ta (Nhật Bản) kính ngưỡng mọi sự thiêng liêng, từ các đấng thân linh (Kami) đến Bồ Tát và Phật. Trên nguyên tắc, chư thần (Kami) thuộc về Thần Đạo (Shinto) trong khi Bồ Tát và Phật thuộc về Phật giáo nhưng trải qua hàng ngàn năm, hai truyền thống này đã hợp lại nên rất khó phân biệt. Gần như ngôi chùa nào tại Nhật cũng có đền thờ chư thần (Kami). Đối với người dân thường thì không hề có sự khác biệt giữa các đấng thiêng liêng nhưng trong việc học hỏi, người ta phải biết phân biệt thật rõ giáo lý nào là của đức Phật và điều nào không phải. Thần Đạo tin rằng có một đấng hóa công sáng tạo mọi vật và đấng này cai quản vô số thần linh xuất hiện khắp nơi. Truyền thống Nhật Bản có rất nhiều giai thoại về các đấng thần linh này. Theo thời gian, con số thần linh tiếp tục gia tăng. Lúc đầu chỉ là hòn đá, gốc cổ thụ; về sau vua chúa, tướng sĩ đều được tôn làm thần hết. Điều này thực ra không có gì xấu vì các vị thần chỉ tượng trưng cho những lý tưởng cao thượng tốt lành, nhưng về sau người ta đã hạ thấp nó xuống thành một thứ thần quyền có thể ban phúc, giáng họa rồi lồng vào đó những nghi thức mê tín dị đoan khiến cho con người trở nên nhu nhược, ỷ lại, chỉ biết xin xỏ chứ không biết làm gì khác hơn. Phật giáo không chấp nhận có một đấng hóa công hay một vị thần linh nào có thể ban phúc, giáng họa mà giải thích mọi vật qua lý duyên khởi. Đây là một đặc điểm để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác. Phật giáo chủ trương ”chư hành vô thường’ nghĩa là mọi hiện tượng trong trời đất luôn luôn thay đổi, không bao giờ thường trụ bất biến, có sinh ắt có tử, có thành ắt có hoại. Mọi hiện tượng đều trải qua bốn thời kỳ: phát sinh, tồn tại, thay đổi và tiêu diệt (sinh, trụ, dị, diệt). Con người sinh ra, trưởng thành, già yếu và chết đi. Cây cối cũng có bốn mùa: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Tuy nhiên có chết đi thì mới lại sinh ra. Cây cối héo úa rụng lá trong mùa đông thì đến mùa xuân lại đâm chồi nẩy lộc. Con người có chết đi thì mới lại sinh ra vì chết không phải là hết mà là điều kiện cần thiết để tái sinh. Vì không hiểu lý vô thường, cho rằng mọi vật không thay đổi mà vững bền nên con người mới bám chặt vào những danh lợi phù du, đến khi sự việc thay đổi, không như ý thì họ đau khổ, tạo nghiệp và đọa lạc trong luân hồi sinh tử. Phật giáo chủ trương “chư Pháp vô ngã”, nghĩa là mọi cái mà ta tưởng là có thật đều chỉ là huyễn hóa, do duyên hợp lại mà thôi. Có duyên thì thành, hết duyên thì hoại, cứ thế thành trụ, hoại diệt mãi mãi không ngưng. Ngay thân xác chúng ta cũng do Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa) gặp duyên mà hợp thành; khi hết duyên, chúng tan rã thì đâu còn gì nữa, đó là sự chết. Thế nhưng đa số con người cứ chấp vào một cái ngã trường tồn nên mới bị mê vọng chi phối. Vì nghĩ rằng có một cái Ngã nên người ta mới lo tô điểm cho nó bằng các danh xưng, địa vị, đồ ăn thức uống, rồi làm nô lệ cho nó và bị chính sự tưởng tượng của mình chi phối. Vì có Ngã nên mới nảy sinh ra tham, sân, si rồi tạo nghiệp hay điều kiện trói buộc vào trong sinh tử luân hồi. Đạo Phật chủ trương “Niết Bàn tịch tịnh” nghĩa là chuyển mê khải ngộ, phá cái Ngã chấp kia, diệt cái nhận thức mê lầm thì sẽ thoát khổ. Khi đã thoát khổ thì giải thoát, không bị chi phối bởi luân hồi, vượt khỏi phiền não, đạt đến giải thoát tuyệt đối hay Niết Bàn”.

Từ khi học hỏi giáo sư Shibata, tôi bắt đầu sống thoải mái hơn. Phải nói thật, lúc đầu tôi cũng do dự lắm vì thâm tâm tôi vẫn không thích những gì thuộc về lý thuyết trừu tượng. Tánh tôi vẫn không ưa những người ăn nói thật hay nhưng lại hành động khác hẳn; nhưng về sau tôi thấy giáo sư không phải một học giả chỉ chuyên về chữ nghĩa mà còn có một nội tâm hết sức phong phú nữa. Mỗi lời nói của ông đều có một sức mạnh truyền cảm phát xuất từ kinh nghiệm sâu xa do công phu tu tập chứ không hời hợt như những người khác. Giáo sư khuyên chúng tôi tiếp tục đi chùa, tụng kinh, và thực tập thiền quán nhưng phải ý thức thật rõ những điều mình làm, đừng để thói quen chi phối. Nhờ sự hướng dẫn của ông mà tánh tôi bắt đầu thuần ra. Nhờ việc dạy dỗ công phu của ông mà tôi đã hiểu được nhiều điều lợi ích trong kinh điển. Phải nói, nếu không nhờ công ơn dạy dỗ của giáo sư, có lẽ ngày nay tôi vẫn trôi giạt trong những quay cuồng điên đảo không biết ra sao!

Giáo sư cho biết khi còn trẻ ông say mê triết học Tây phương, chịu ảnh hưởng các triết gia Hy Lạp và tận tình nghiên cứu các lý thuyết này nhưng sau nhiều năm học hỏi, ông đi đến chỗ bế tắc. Không như các người khác chấp nhận các lý thuyết một cách dễ dãi và mù quáng, giáo sư thường đặt câu hỏi để đào sâu sự việc và ông không chấp nhận những gì có tính cách bắt người khác phải tin tưởng hay các điều siêu hình viển vông, không thực tế. Thất vọng với triết học Tây phương, ông quay về Á đông, nghiên cứu Ấn Độ giáo, Khổng giáo trước khi chuyển qua Phật giáo. Ông đã tìm được điều ông muốn trong kinh điển của đức Phật và nhờ siêng năng học hỏi mà ông đã mở được con mắt Tâm khi nghiên cứu bộ kinh Duy Ma Cật. Ông cho biết, một khi con mắt Tâm đã mở thì tất cả đều trở nên sáng sủa, không còn chút nghi ngờ nào nữa. Từ đó ông có thể giảng dạy kinh điển một cách dễ dàng, thông suốt nhưng không bao giờ ông bắt buộc học trò phải tin những điều ông nói. Trái lại, ông thường đặt câu hỏi và bắt học trò phải suy gẫm, tìm câu trả lời. Ông luôn luôn nhấn mạnh rằng:” Những gì người khác nói chỉ là kinh nghiệm của họ, không có lợi gì cho mình nếu mình không thực sự kinh nghiệm được nó. Phật giáo không phải là một lý thuyết. Người ta không có lợi gì nếu chỉ nghiên cứu suông mà phải biết áp dụng nó vào đời sống”.

Phương pháp giảng dạy của giáo sư thường bắt đầu bằng ý nghĩa tên cuốn kinh. Lý do nào đức Phật đã giảng kinh này, kinh đó thuộc về thời nào trong Ngũ Thời Pháp (Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa) rồi từng đoạn ngắn trong kinh, từng hàng, từng chữ, bắt học trò phải nghiền ngẫm ý nghĩa của nó. Tôi thường nói đùa với Hayakawa rằng giáo sư thích chữ nghĩa quá, cứ nhai đi nhai lại từng chữ một như người “đếm từng hạt đậu” nhưng khi nghiêm chỉnh theo dõi, tôi phải công nhận mỗi câu, mỗi chữ qua sự giải thích của giáo sư đều có những ý nghĩa huyền diệu, sống động vô cùng.

Càng học hỏi với giáo sư, tôi càng say mê và tự nhiên nảy ra ý nghĩ phải tổ chức những khóa học cho quần chúng như tôi đã từng làm khi còn là một vị thầy của Thần Đạo. Tôi dự định sẽ thuê một thính đường lớn, tổ chức thuyết pháp để mang lại lợi ích cho mọi người. Tôi ngỏ lời với giáo sư, mặc dù chưa bao giờ ăn nói trước đám đông nhưng ông cũng vui vẻ trả lời:

- Nếu bà tổ chức một buổi thuyết giảng, tôi sẽ đến tham dự.

Tôi mừng rỡ đem việc này ra bàn với Hayakawa và nghĩ rằng bà sẽ đồng ý nhưng bất ngờ thay, bà này lại nổi giận:

- Chị chưa biết gì nhiều mà đã định làm thầy thiên hạ hay sao? Nếu chị làm thế, tôi sẽ tuyệt giao với chị ngay.

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì việc tổ chức giảng kinh thuyết pháp đâu xa lạ gì với tôi. Tôi là người có óc tổ chức, đã từng làm việc này nhiều lần rồi. Hơn nữa, đem các lời vàng ngọc học hỏi từ giáo sư ra trình bày cho mọi người là điều nên làm kia mà. Giáo sư đã chẳng chấp nhận lời đề nghị của tôi hay sao? Tuy có phần bất mãn nhưng vì rất phục Hayakawa nên tôi không muốn làm phật lòng người bạn tốt này và tạm dẹp ý nghĩ đăng đàn thuyết pháp đó đi. Ngày nay nghĩ lại việc đó, tôi rất xấu hổ vì nếu làm vậy có lẽ tôi đã phải hối hận rồi. Khi đó tôi chưa biết gì, chưa tự cứu được mình, mới chập chững bước chân vào cửa Phật mà đã có những ý tưởng ngông cuồng, hão huyền, thật đáng xấu hổ.

Chúng tôi tiếp tục học hỏi với giáo sư và đã có những tiến bộ rõ rệt. Giáo sư thường khen Hayakawa rằng chẳng bao lâu nữa bà này sẽ mở được con mắt Tâm. Một hôm sau buổi học, ông nói:

- Ta không thể chết trước khi mở được con mắt Tâm cho các con.

Một lời nói làm chúng tôi vô cùng hứng khởi, nhưng cuối năm đó, ông đã qua đời một cách bất ngờ. Trong những năm cuối của cuộc đời, giáo sư đã chuyên tâm dạy dỗ tôi, một kẻ già nua bơ vơ, không nơi nương tựa. Bất chấp tuổi tác và bệnh tật, ông đã giúp tôi có thể hiểu được ý nghĩa những lời dạy cao quí của đức Phật, có khi ông đã giảng cho tôi suốt mấy giờ liền không ngừng nghỉ. Sự qua đời của ông là một mất mát quá lớn đối với tôi. Sau những xúc động, tôi quyết định sẽ đền ơn giáo sư bằng cách dành trọn phần đời còn lại của mình để săn sóc mộ phần cho ông, soạn thảo lại những bài giảng dạy của ông, đúc kết thành những tập sách cho những người muốn tìm hiểu về Phật giáo.

Mùa đông năm đó, tôi quyết định xin xuất gia thọ giới thành một ni sư lãnh việc quét dọn nghĩa trang chùa Hongaji vì giáo sư được chôn cất tại đó, Tuy nhiên Hayakawa không đồng ý:

- Này chị bạn, cuộc hành trình tìm đạo của chúng ta chưa chấm dứt. Chúng ta chưa đạt đến mục đích tối hậu, chúng ta phải tiếp tục thì mới không phụ lòng dạy bảo của giáo sư. Phải chăng giáo sư đã chẳng mong chúng ta sẽ mở được con mắt Tâm? Bằng mọi giá, trong kiếp này chúng ta phải chứng ngộ thì vong linh của giáo sư mới có thể ngậm cười nơi chín suối được. Chúng ta phải tiếp tục…

Thái độ cương quyết của Hayakawa làm tôi ngạc nhiên và thán phục. Trong khi tôi còn đang buồn bã và âu sầu thì Hayakawa vẫn dũng mãnh tiếp tục con đường đạo. Bà chuẩn bị tìm kiếm ngay một vị thầy khác để hướng dẫn cho chúng tôi tu học.

Tiện đây, tôi muốn nói qua vài hàng về người bạn đồng tu này. Nếu xét về công phu tu học thì Hayakawa xứng đáng là một đại tướng oai phong lẫm liệt trong khi tôi chỉ là một thứ binh nhì, một lính mới tò te, ngây ngô chẳng biết gì. Ngoài sự hiểu biết thâm sâu về Phật học, Hayakawa còn có một khả năng lắng nghe thật tuyệt vời. Bà có thể ngồi hàng giờ chăm chú nghe giảng về Phật pháp mà không mệt mòi. Bà thường cùng tôi đến nghe giáo sư giảng dậy, mặc dù tôi biết bà đã nghe giảng nhiều lần về những đề tài đó rồi. Hayakawa cho biết: Không có một cái gì là cũ. Mỗi câu, mỗi chữ đều có những ý nghĩa sống động của nó. Nếu biết nghe một cách chăm chú, từng giây, từng phút, người ta sẽ học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Trên đường từ nhà giáo sư trở về, chúng tôi thường đi ngang một ngôi chùa. Gặp hôm nào có buổi thuyết pháp, Hayakawa đều rủ tôi vào nghe. Tôi đã chán ngán việc nghe các giáo sĩ đạo mạo đăng đàn thuyết pháp đó rồi nên phản đối:

- Việc gì phải mất thì giờ với những người ăn nói chán ngắt đó? Chúng ta đã có thầy là giáo sư Shibata, liệu mấy ai có thể giảng hay hơn thầy chúng ta được?

Hayakawa nhẹ nhàng từ tốn khuyên:

- Này chị bạn, làm sao có thể mất thì giờ được khi mình đi nghe pháp? Chị không nghe cổ nhân có câu: Làm người khó được, Phật pháp khó tìm, thiện tri thức khó gặp đó sao? Hiện nay mình đã sinh làm người, gặp được Phật pháp, được nghe thiện tri thức giảng dạy, quả là hi hữu lắm rồi, bỏ qua cơ hội này thì biết bao giờ mới gặp được cơ hội như thế nữa?

Là người ít nói, nhưng một khi đã nói, Hayakawa rất cương quyết nên dù thân, chúng tôi vẫn hay bất đồng ý kiến với nhau. Có lần trong một buổi đàm đạo, tôi đã phát biểu cảm tưởng:

- Nếu quán triệt được những điều đức Phật chỉ dạy thì chúng ta có thể thoát ly luân hồi sinh tử, xa lìa những nơi chốn khổ đau.

Hayakawa lắc đầu nói một cách ôn tồn:

- Này chị bạn, phải cẩn thận không nên tuyên bố như vậy. Nếu cứ ăn nói hàm hồ như thế thì không chừng chị sẽ phải đầu thai thành loài chồn hoang đấy.

Tôi biết Hayakawa muốn nhắc đến câu truyện Bách Trượng thiền sư và Hồ Ly tăng (chồn hoang): Khi tổ Bách Trượng đến giảng dạy Phật pháp tại núi Chung Nam thì có một ông già râu tóc bạc phơ bước ra nói: “Thưa ngài, tôi đã ở núi này mấy trăm năm rồi, xưa tôi là một vị tăng hay đăng đàn thuyết pháp, nhân có người đến hỏi: “Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tôi trả lời: ”Không”. Vì thế nên khi chết đầu thai thành một con chồn hoang ở mãi nơi đây, xin ngài thương xót giúp cho tôi câu trả lời để tôi thoát kiếp chồn”. Tổ bèn nói: ”Được, ông cứ hỏi đi”. Ông lão bèn hỏi: ”Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tổ Bách Trượng trả lời: ”Họ vẫn không tránh khỏi nhân quả đâu”. Ông lão tóc trắng hốt nhiên đại ngộ, vội quỳ xuống đảnh lễ tổ Bách Trượng: “Đa tạ hòa thượng chỉ dạy, nay con đã thoát thân chồn, xin ngài thương xót mà làm lễ hỏa thiêu cho”. Nói xong ông già hiện hình thành xác con chồn lông trắng. Tuy biết Hayakawa muốn khuyên tôi không nên chấp trước vào những phân biệt nhị nguyên, nhưng bản tính ương ngạnh không cho phép tôi chịu thua:

- Nếu nói như vậy thì tất cả đều chịu sự chi phối của nghiệp lực và người ta không thể thoát ra khỏi nó hay sao?

- Chị không nên kết luận vội vàng. Nếu quả quyết như thế thì có khác gì một kẻ chủ xướng thuyết tiền định đâu.

- Như vậy là sao? Chị ăn nói hàm hồ, chẳng có mà cũng chẳng không nghĩa là thế nào? Phải chăng chị muốn nói đến cái tự tánh trong Tánh Không…

Hayakawa ngắt lời tôi:

- Cái gì mà tự tánh trong tánh không? Làm gì có chuyện như vậy!

- Tại sao lại không?

- Chị nói nhiều quá, không đúng với tinh thần của đạo Phật.

- Tại sao không đúng?

Hayakawa không muốn cãi với tôi nên chỉ nói bâng quơ:

- Nếu muốn biết rõ hơn thì hãy đi kiếm giáo sư mà hỏi.

Tôi bật cười nghĩ thầm: “Chị chẳng hiểu gì hơn tôi mà còn làm bộ. Chị tưởng tôi không dám hỏi giáo sư hay sao? Tôi sẽ mang điều này ra hỏi cho ra lẽ và rồi chị sẽ biết tay tôi”. Một hôm nhân lúc rảnh rỗi tôi đã mang câu chuyện này ra hỏi giáo sư:

- Thưa thầy, nếu đã quán triệt được các diệu lý trong kinh điển, liệu con có thể nói cho người khác nghe được không?

- Được chứ sao không?

- Nếu không thể nói được chắc hẳn con đã không hiểu rõ chứ gì?

- Có lẽ thế.

- Tóm lại, một khi đã hiểu được thì phải nói được, có đúng không?

- Dĩ nhiên rồi, nhưng không phải người nào hiểu cũng mang ra nói. Có người hiểu rất nhiều nhưng lại không thích nói ra. Hayakawa chẳng hạn…

Câu nói vô tình của giáo sư làm tôi bật ngửa. Tôi có cảm tưởng như vừa bị ai đập cho một nhát búa chí tử. Tôi toan cãi nhưng giáo sư đã tiếp:

- Cổ nhân đã dạy: “ Biết thì không nói mà nói thì không biết”. Có những sự việc không thể nói ra bằng lời được ví khi nói ra đã xa rời sự thật rồi. Có những việc người ta chỉ có thể kinh nghiệm chứ không thể diễn tả. Do đó ai uống nước thì biết nóng lạnh nhưng kẻ chưa uống thì làm sao biết được! Ngôn ngữ chỉ là những gì tương đối, không thể diễn tả được cái tuyệt đối. Tóm lại, con đừng quá tin tưởng vào lý luận, ngôn từ mà rời xa sự thật.

Tôi cảm thấy hai tai nóng lên, không biết vì xấu hổ hay vì điều gì khác. Giáo sư nhìn tôi một lúc. Dường như ông hiểu tâm trạng bối rối của tôi nên ôn tồn khuyên:

- Một kẻ thích nói thì không thể nghe thêm một điều gì khác, do đó sự hiểu biết thường hời hợt nông cạn mà thôi. Một người chỉ có thể nghe hoặc nói chứ không thể làm cả hai việc một lúc. Phật pháp cao siêu vô cùng, thoáng nghe tưởng giản đị nhưng thật ra người ta phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới vỡ ra được. Như ta đây đọc kinh Phật nhiều lần mà mỗi lần đọc lại đều tìm thấy những điều mới lạ. Thế mới biết biển học thật bao la vô cùng, đừng bao giờ bằng lòng với cái mình đã biết mà phải đào sâu thêm nữa. Càng học nhiều càng thấy mình không biết gì mới đúng với tinh thần học. Đừng tự hào về kiến thức nhỏ nhoi của mình. Hẳn con biết chuyện học giả Mito đến viếng thiền sư Nan In chứ gì? Học giả Mito tự hào lầu thông kinh điển nhưng vẫn đến thăm viếng thiền sư Nan In để hỏi về thiền. Thiền sư mời nhà học giả uống trà nhưng khi rót, mặc dù chén trà đã đầy ắp, ông cứ tiếp tục rót nữa khiến trà tràn đầy ra ngòai. Học giả Mito ngạc nhiên hỏi:” Trà đã đầy rồi, sao ngài cứ rót mãi như thế?” Thiền sư chỉ vào chén trà đầy ắp nói: ”Tâm ông giống như cái chén trà đã đầy ắp thành kiến và tư tưởng thì làm sao ta rót trà của ta vào đó được nữa?”

Ngưng lại một lúc như để cho tôi thấm thía câu chuyện trên, giáo sư nói tiếp:

- Hẳn con biết chuyện mười bảy vị tăng đi tìm đạo trên đỉnh Tuyết Sơn rồi chứ gì? Họ đi từ Nhật đến Tuyết Sơn để cầu đạo giải thoát nhưng khi đến chân núi Tuyết thì họ dừng lại rồi quay về Nhật. Họ cho rằng họ đã giác ngộ và phải quay về để lo việc cứu độ chúng sinh. Con nghĩ thế nào về những người đó?

Tôi có cảm tưởng như vừa bị khâu chặt miệng, không nói năng gì được. Giáo sư thong thả nói tiếp:

- Tại sao họ không leo lên đỉnh Tuyết Sơn như đã dự định? Phải chăng khi đến chân núi, họ thấy việc tìm đạo như vậy đã đủ? Dù sao họ cũng đã đi từ Nhật qua Tuyết Sơn, trải qua một cuộc hành trình khá gian nan. Một khi nghĩ rằng “đã đủ” nghĩa là đã bằng lòng với cái mình có thì không bao giờ người ta có thể vượt qua bờ bên kia được. Đó là lười biếng, khiếp nhược, thiếu dũng cảm. Những kẻ tìm đạo như thế sẽ không bao giờ giải thoát được cho mình chứ đừng nói cứu được ai. Đó là những kẻ không biết bơi nhưng vẫn nói rằng họ sẵn sàng nhảy xuống sông cứu người chết đuối. Họ sẽ chẳng cứu được ai mà còn làm hại đến mình nữa. Đó là những kẻ viển vông, tu hành để giải trí, tiêu khiển; những kẻ chỉ thích ngộ nửa chừng mà thôi.

Sau bài học thấm thía đó, tôi không dám tranh luận với Hayakawa nữa và cũng bỏ bớt bản tính hiếu thắng, ương ngạnh đi. Như đã nói, sau khi đến học hỏi với giáo sư Shibata được một thời gian thì tôi quyết định dọn đến Toyohira-cho để tiện việc đi lại. Hayakawa đã giúp tôi tìm được việc làm cho một gia đình khá giả gần đó. Công việc tương đối nhàn hạ nên tôi có thể đến học với giáo sư một cách dễ dàng. Ít lâu sau, gia đình chủ tôi mở một quán ăn và giao cho tôi việc quét dọn nơi này. Công việc này còn nhàn hơn trước vì tôi chỉ phải quét dọn trước khi quán mở cửa khoảng xế chiều, và sau khi quán đóng cửa lúc nửa đêm mà thôi. Thời giờ còn lại tôi muốn làm gì tùy ý nên tôi có thể đến học hỏi với giáo sư Shibata thường xuyên hơn. Đó là một nhà hàng lịch sự, sang trọng, thực đơn gồm những sơn hào hải vị do một đầu bếp nổi tiếng phụ trách, nhưng thật ra đặc điểm của quán là những chiêu đãi viên xinh đẹp, được tuyển lựa cẩn thận để đón tiếp những loại khách thượng lưu, quý phái. Chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, quán ăn đã trở nên mơi tụ tập của những người giàu có, tiền rừng bạc biển, những người có địa vị trong xã hội. Đêm nào tôi cũng phải nghe tiếng nhạc ồn ào phức tạp, tiếng người cười cợt nô đùa, tiếng súc sinh bị bắt mổ thịt, phải ngửi mùi xào nấu, rượu thịt hôi tanh, rồi chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi quyết định phải xa rời nơi chốn tối tăm sa đọa đó. Tôi kể mọi sự cho Hayakawa nghe rồi kết luận:

- Tôi không thể tiếp tục làm việc tại những nơi bẩn thỉu, ô uế đó được.

Hayakawa im lặng nghe tôi rồi ôn tồn khuyên:

- Chị không nghe giáo sư giảng ”phiền não tức bổ đề” hay sao? Chị tưởng mình có thể xa rời được những nơi phiền toái, bẩn thỉu để tìm đến một chỗ yên tĩnh, trong sạch không một chút bợn nhơ nào hay sao? Chị tìm đâu được một nơi chốn thanh tịnh như vậy nếu tâm chị không là một đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm trước đã?

- Nhưng làm sao người ta có thể nghe ngày đêm những chuyện thị phi, những điều ngang trái trong trà đình tửu quán mà không bị ảnh hưởng được?

- Đã có lần giáo sư giảng kinh Hoa Nghiêm: ”Đức Phật thị hiện trăm ngàn ức loại âm thanh để diễn tả pháp mầu cho chúng sinh”. Ông đã nhấn mạnh rằng tất cả âm thanh trên thế giới đều là tiếng thuyết pháp của chư Phật, từ tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng gió thổi đều nói pháp cho mình nghe…

- Nhưng điều đó thì ăn nhập gì đến những tiếng động ồn ào náo nhiệt của quán ăn? Không lẽ tiếng nhạc kích động, tiếng súc sinh bị bắt giết mổ thịt, tiếng người nói láo cũng là tiếng pháp hay sao?

- Đúng thế. Nếu biết lắng nghe thì chị sẽ hiểu được rằng mọi sự vật trong thế giới này đều nói pháp cho mình nghe đấy. Người lành thì nói pháp lành, người ác thì nói pháp ác, súc sinh thì nói pháp của súc sinh, còn khách hàng thì nói pháp của khách hàng. Tất cả đều làm cho mình hiểu được vì sao mà những sự việc lại xảy ra như vậy. Vì nhân duyên nào mà súc sinh bị bắt giết mổ thịt cho khách ăn? Phải chăng con gà con vịt khi xưa cũng đã có lúc làm người, vì không hiếu thảo với mẹ cha, không làm đầy đủ bổn phận làm người, không biết sống theo đạo lý nên kiếp này mới sinh ra làm súc vật như thế? Phải chăng những kẻ đang say sưa ăn uống thịt cá rồi khen ngon mà không biết rằng họ đang ăn thịt cha mẹ vợ con của họ từ những kiếp trước? Phải chăng những kẻ đang mổ thịt súc vật không gớm tay kia không biết rằng trong một kiếp tương lai, y cũng trở nên nạn nhân của những cuộc chém giết tàn bạo như vậy? Chiến tranh là gì? Phải chăng nó bắt nguồn từ những chém giết trong bàn tiệc, bữa ăn mà ra? Miếng thịt trong bữa ăn chứa đựng cả một biển oán hận, con người càng sát sinh nhiều thì thế giới càng lắm chiến tranh chứ đâu có gì là lạ. Này chị bạn, con mèo bắt con chuột, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, phải chăng tất cả đều đang nói pháp cho mình nghe về luật nhân quả, gieo nhân nào gặt quả đó. Kẻ ăn cướp đồ vật của người khác vì biết đâu kiếp trước y đã bị người kia cướp mất đồ vật và kiếp này đến đòi nợ? Nếu không vậy thì kiếp sau y cũng sẽ bị người kia cướp lại. Có vay ắt có trả, mọi vật đều là luật nhân quả báo ứng. Nếu cái đó không phải là Phật pháp thì là gì?

- Như vậy chị khuyên tôi phải làm gì?

- Trong những nơi chốn thị phi đó, hiển nhiên có nhiều người lầm lạc đau khổ, cần được an ủi giúp đỡ. Đó là cơ hội tốt để chị khuyên bảo những người này, giảng dạy cho họ một chút về Phật pháp, giúp họ tìm được ý nghĩa chân thật của đời sống. Đức Phật đã nói: ”Mọi chúng sinh đều có Phật tánh” thì dù làm thầy tu hay làm chiêu đãi viên cũng đều có Phật tánh như nhau. Sở dĩ đa số không biết vì họ đang bị lôi kéo bởi nghiệp lực, trí tuệ của họ mờ tối, chẳng hiểu được bản tánh thật sự của mình nên cứ trầm luân điên đảo trong bể khổ đó mãi. Nếu phát lòng từ bi muốn giúp đỡ người khác thì tại sao chị không bắt đầu với những người chiêu đãi viên đó?

Mặc dầu không hiểu được hết lời khuyên sâu xa của Hayakawa nhưng trong lòng tôi cũng nhen nhúm một cái gì đó nên tôi không nghĩ đến xin nghỉ việc nữa. Năm sau, đại học Hokkaido có mở phân khoa về Phật học, Hayakawa rủ tôi ghi tên tham dự. Tôi e ngại tuổi tác đã lớn không biết có được thu nhận hay không nhưng Hayakawa đã nói: ”Trong việc học, tuổi tác không có nghĩa gì cả. Việc quan trọng là mình có muốn học hay không mà thôi”. May mắn thay, sau khi nộp đơn, cả hai chúng tôi đều được thu nhận làm sinh viên dự thính. Năm đầu chúng tôi ghi tên theo học lớp Phật học đại cương do giáo sư Hiragawa giảng dạy. Ông này ăn nói lưu loát nhưng tôi thấy ông chẳng nói được điều gì mới lạ. Qua năm sau, chúng tôi ghi tên vào lớp Các Tông phái của Phật giáo do giáo sư Haranobu giảng dạy. Ông này biên soạn bài giảng rất công phu nhưng cũng chỉ chú trọng về phương diện lịch sử nhiều hơn là đào sâu vào nguyên nhân hay các chi tiết. Tuy nhiên đến năm thứ ba thì các lớp học bắt đầu khó hơn nhiều nhưng nhờ đã có sẵn một căn bản vững nên tôi và Hayakawa không gặp trở ngại nào. Đến khi đó chúng tôi mới phục công trình giảng dạy của giáo sư Shibata. Thời gian qua nhanh, chẳng mấy chốc tôi và Hayakawa đã học xong chương trình Phật học ở đây. Tôi còn nhớ khi ghi danh vào năm thứ nhất, lớp học có khoảng bốn mươi học sinh, nhưng đến khi học lên năm thứ tư thì cả lớp chỉ có vỏn vẹn ba người. Trong ba năm đầu tại đại học, chúng tôi vẫn tiếp tục đến học hỏi thêm với giáo sư Shibata. Khi ông này qua đời, chúng tôi vẫn theo đuổi việc học cho đến khi tốt nghiệp. Nhờ Hayakawa khuyến khích và khuyên bảo nên tôi bỏ ý định trở nên người quét dọn nghĩa trang cho chùa Hongaji nhưng sau đó, vì không có môi trường học hỏi chung nên chúng tôi không có dịp gặp nhau thường xuyên như trước.

Đối với tôi, việc ra đi của giáo sư Shibata là một mất mát rất lớn. Tôi cảm thấy khó có thể tìm được ai thay thế cho vị thầy hiền từ, uyên bác này. Thiếu người hướng dẫn, tôi đành trở lại chùa Chuoji tiếp tục những khóa tu thiền dưới sự chỉ dạy của vị trụ trì. Tóm lại, sau một thời gian học hỏi, nghiên cứu về Phật học, tôi lại thấy mình trở về với pháp môn thiền. Sau khóa tu, tôi thường mang những thắc mắc của mình ra hỏi để vị trụ trì hướng dẫn cho nhưng tiếc thay, đã quen với lối suy luận về Phật học, tôi không thể hiểu được những câu trả lời có tính cách nghịch lý của thiền, dù hỏi đi hỏi lại mãi tôi vẫn không hiểu thêm được bao nhiêu. Khi học hỏi với giáo sư Shibata, vì chỉ có hai người là Hayakawa và tôi nên việc đặt câu hỏi rất thoải mái, không có gì e ngại. Giáo sư Shibata là người kiên nhẫn và nhiều kinh nghiệm nên ông có thể trả lời tùy theo trình độ của người đặt câu hỏi. Hỏi cao thì ông nói cao, hỏi thấp thì ông trả lời thấp nhưng vị trụ trì tại chùa Chuoji thì không được như thế. Lúc đó khóa tu có đông người tham dự, một câu hỏi ngớ ngẩn thường làm mất nhiều thì giờ của người khác nên hôm đó một người đã phát biểu: ”Thật đáng tiếc cho những kẻ tu tập Pháp môn vi diệu mà không có một chút kiến thức căn bản gì. Làm sao họ có thể tiến bộ được nếu một chữ cũng không thể hiểu nổi?” Nghe vậy tôi thấy khó chịu vì có cảm tưởng họ đang chế giễu mình. Tôi nghĩ thầm: ”Không hẳn thế. Một là tất cả. Nếu tôi có thể hiểu được một chữ thôi, nhưng hiểu thật hoàn toàn, thì tôi có thể hiểu được cả trăm ngàn những chữ khác”. Người kia lại nói tiếp: ”Người ta không thể nghĩ bàn đến những cái không thể nghĩ bàn, những điều tuyệt đối vô thượng với cái kiến thức bé nhỏ tối thiểu đó được do đó họ cần phải tin, không nên đòi hỏi quá nhiều”. Nghe vậy tôi phải cố gắng lắm mới khỏi khỏi buồn bực. Tôi thầm nghĩ: ”Ai nói rằng người ta không thể quán triệt được những điều lớn lao, vi diệu? Điều này không hợp lý chút nào. Làm sao có thể tin tưởng suông khi không hiểu gì hết?” Đáng lẽ tôi đã lên tiếng dạy cho người kia một bài học nhưng khi tôi nghĩ đến sự ung dung điềm đạm của Hayakawa tôi lại cố giữ im lặng, không bày tỏ thái độ.

Người ta nói rằng:” Thiền là nghệ thuật soi sáng thể tánh của con người; con đường giải thoát giúp người ta cởi bỏ những ràng buộc vào các khổ lụy thế gian. Thiền trực tiếp kêu gọi sự chứng nghiệm bản thân, vượt qua các kiến thức của sách vở để đưa ta đến thực tại mầu nhiệm. Khi nghe những lời giải thích như trên, tôi nghĩ rằng tôi có thể hiểu được phần nào nhưng không hiểu sao, trong tâm tôi vẫn có một cái gì đó không được ổn. Tôi có cảm tưởng như mình muốn đi mà không sao đi được, muốn vùng lên mà cứ bị giữ chặt xuống. Càng suy gẫm đầu óc tôi càng quay cuồng với những câu hỏi không được giải đáp. Sau cùng tôi đánh bạo đến gặp vị trụ trì để hỏi cho ra lẽ: ”Thưa thầy, khi nghe pháp con có thể hiểu được đôi ba phần nhưng không hiểu sao con vẫn không thể tin được. Con nghĩ rằng khi hiểu được thì sẽ phát lòng tin nhưng không hiểu sao con vẫn không thể tin được. Phải chăng sự hiểu biết của con còn nhiều thiếu sót?” Lúc đó một vị tăng ngồi gần đấy đã buột miệng nói: ”Lạ thật! Sao có thể như thế được? Ta đây chẳng hiểu biết gì nhưng rất tin vào Phật pháp”. Sau khóa thiền hôm đó, vấn đề tin tưởng đã được đem ra thảo luận một cách sôi nổi và sau cùng vị trụ trì đã kết luận: ”Có người nói rằng họ có thể hiểu nhưng không thể tin. Những kẻ thiếu đức tin như vậy khó có thể tiến xa vì thiếu nhiệt thành, thiếu một nội tâm bừng lửa đốt…” Tôi ngồi nghe mà có cảm tưởng như bị đóng đinh vào người. Từ đó tôi lại rơi vào trạng thái dằn vặt đau khổ như trước. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không thấy lối thoát. Tất cả vẫn hoàn toàn đen tối. Tôi biết thời gian không còn bao lâu nữa, cuộc đời của tôi đã đến lúc gần đất xa trời mà sao tôi vẫn còn loay hoay trong những bế tắc, không thấy được một chút hy vọng gì ở cuối chân trời.




MỤC LỤC:
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi