7:25 CH @ Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Tứ nữ đồng chu, Trương lang hữu mộng

Mềnh thích truyện của Kim Dung từ lâu rồi, cứ có phim mới (mới quay/đóng) từ truyện của ông thì lại tò mò xem, có phim xem được vài tập rồi bỏ (vì làm láo/kém), có phim thì xem liền tù tì. Bản "Ỷ Thiên Đồ Long ký 2009" này với mềnh được coi là một bản hay.

Và dưới đây là bài viết khá hay của tác giả [email protected] về một trích đoạn trong phim (post trong topic “Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2009”) về giấc mộng "giữa ban ngày" của Trương Vô Kỵ: giấc mơ được lấy cả bốn cô vợ Mẫn, Nhược, Ly, Chiêu.





Giấc mộng "ban ngày" của chàng Trương, đúng là "tứ nữ đồng chu, Trương lang hữu mộng". Giấc mơ này trước giờ chưa có bản nào quay, duy bản này "chơi nổi", mà cũng nổi thật vì nguyên tác có nói kỹ càng giấc mơ tròn méo ra sao đâu. Ở đây, 4 nàng mỗi người một vẻ và thái độ của Vô Kỵ cũng khác hẳn. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện là Mẫn, sau đó lần lượt là Nhược, Ly, Chiêu. Quan trọng là, 4 nàng chỉ mỗi mình Nhược trong lần hiện ra đầu tiên trùm khăn, 3 nàng kia không có, có thể nói rằng đó chính là hình ảnh Nhược lúc này trong lòng Kỵ, mông lung, không rõ ràng; Nhược mà Vô Kỵ biết, có lẽ mãi chỉ dừng lại ở Hán Thủy mấy năm về trước mà thôi.

Lại nói ở đây, khi hình ảnh tân nương xuất hiện, thì đồng thời cũng có hình ảnh các nàng trong trận “rơm đại chiến” [tình tiết xảy ra ở mấy phút trước]. Hình ảnh của Mẫn là lúc đang ném rơm, biểu cảm tức giận, nhưng lại không gây thương tổn gì được cho ai, hình ảnh đó có vẻ nói lên trong lòng Vô Kỵ lúc này Mẫn như một cô gái nhỏ, không nguy hiểm, thậm chí còn đáng yêu. Còn Nhược thì ngược lại, hình ảnh hiện lên là lúc đánh lén, biểu cảm lại âm hiểm, cứ như một chiêu muốn lấy mạng, có phần đáng sợ. Hình ảnh của Tiểu Chiêu là lúc khuyên can trong bất lực, giống một đứa em nhỏ, còn Ân Ly là lúc mê sảng, cũng không có gì để nói (tạm thời là AJ chưa biết nói gì ) cho nên nói Mẫn Nhược trước vậy.

Đó là hình ảnh, còn cách xưng hô cũng có vấn đề. Mẫn trước sau đều gọi Trương Vô Kỵ, Nhược từ Vô Kỵ ca ca chuyển thành Trương Vô Kỵ. Mẫn tỏ ra hoàn toàn bình đẳng, và trước sau như một. Nhược thì không những xưng hô thay đổi, ngữ khí cũng từ dịu dàng chuyển sang gằn giọng, dự báo cái gì đây? Lời thoại của 2 nàng đều không nhiều nhưng với Mẫn, từ đầu không hề quay Vô Kỵ, mà chỉ đặc tả Mẫn, nhưng hành động Vô Kỵ đặt tay lên mặt Mẫn và chuyển biến ánh mắt của Mẫn, có thể cảm nhận được là Vô Kỵ đang cười, cho đến khi Mẫn cắn, thì mới quay Vô Kỵ, đó là nét mặt hoảng hốt, còn Mẫn thì cười đầy...tinh quái. Xứng danh yêu nữ

Đối với Nhược, Vô Kỵ ban đầu cười, sau đó, Nhược thay đổi sắc mặt, Vô Kỵ cũng thay đổi. Có thể thấy, cả với Mẫn và Nhược, Vô Kỵ đều dùng biểu cảm hoảng-sợ để kết thúc cảnh mộng. Nhưng, với Mẫn là hoảng hốt, kiểu như bị giật mình, trong mắt dường như đang hỏi "tại sao nàng cắn ta", kết hợp với hình ảnh trong "ném rơm", thì cái cảm giác mà Mẫn đem lại cho Vô Kỵ chỉ dừng lại ở hoảng hốt, đại loại kiểu ... không biết sao nàng làm thế, nhưng không hại người, và chàng cũng không sợ, nàng chỉ là tiểu yêu nữ chứ không phải là đại ma đầu.

Còn Nhược thì biểu cảm lại ở mức kinh sợ, kinh ngạc và nối tiếp là sợ hãi. Nhược không ... cắn người như Mẫn, nhưng chỉ với một cái hất mặt đã đủ khiến Vô Kỵ từ cười sang sợ hãi, kết hợp với hình ảnh "đánh lén", thì Nhược mang đến cho Vô Kỵ không những là cảm giác mông lung khó nắm bắt, lại còn có chút ... không an toàn. Nói thêm, Mẫn khiến Vô Kỵ hốt hoảng là hành động cắn, còn Nhược thì thay đổi nét mặt khiến Vô Kỵ phải kinh sợ, một có vẻ như hại người nhưng thực tế lại không hại người, một có vẻ vô hại nhưng lại hại đc người.

Hai cảnh tượng của 2 nàng phần nào biểu đạt thái độ của Vô Kỵ, cái cảm giác của Vô Kỵ đối với 2 nàng, cũng phần nào dự báo tương lai sắp đến.

Với Ly, xưng hô từ A Ngưu ca ca -> Trương Vô Kỵ -> A Ngưu ca ca, có thể thấy, Trương Vô Kỵ mà nàng muốn nói đến là Vô Kỵ trong lòng nàng, còn Vô Kỵ trước mắt, là Vô Kỵ hay A Ngưu ca ca? Biểu cảm của Kỵ cũng thay đổi nhiều. Trước khi Ly xuất hiện. Kỵ đang đối mặt với với sự sợ hãi trước mặt Nhược, Ly vừa xuất hiện, cái sợ hãi lập tức biến thành hơi cau mày, đau lòng có và khó xử cũng có. Khi Ly nói đến câu "huynh cắn muội ở Hồ Điệp cốc", Kỵ cúi mắt xuống, đó là hành động của day dứt, giống như mình đã có lỗi với một ai đó.

Lần thứ 2 Kỵ ngước lên, biểu cảm lúc này dần chuyển sang xót xa, có một chút bất lực. Tại sao lại bất lực? Vì cắn đã cắn rồi, vết sẹo đó cũng đã hại Ân Ly đau cả đời, đã khiến Ân Ly đi tìm Vô Kỵ cả đời, chàng đâu làm gì đc. Kỵ day dứt vì nỗi khổ của Ân Ly, cũng ứng với bản chỉnh sửa mới, đoạn Kỵ thổ lộ chân tình ở hồi kết nói về Ân Ly có thêm một câu là "ta đồng tình với sự si tình của muội ấy". Về Ân Ly, từ đầu đến cuối đều là biểu cảm đau lòng, mắt ngấn lệ, số phận bi ai của nàng ám ảnh cả trong giấc mơ. Phải nói đến một điều, hình ảnh Ly trong nhà rơm hiện lên trong giấc mơ, là lúc nàng với tay gọi Trương Vô Kỵ. Hình ảnh "với tay" đó hoàn toàn ứng với câu thoại "càng lúc càng xa". Biểu cảm cuối cùng của Vô Kỵ khi nhìn Ân Ly dần xa, phần không rõ là xót xa, đau lòng hay bất lực, nhưng chàng cũng chỉ đứng đó nhìn Ân Ly xa dần, "càng lúc càng xa", dự báo được cái tương lai gần sắp xảy đến với Ân Ly. Và cảnh mộng với Ân Ly cũng là cảnh mộng duy nhất mà Vô Kỵ không hề cười một lần nào cả.

Về Tiểu Chiêu, xưng hô với Vô Kỵ từ Trương công tử -> Giáo chủ ca ca, xưng hô đầu tiên là tôn trọng, xem bản thân là một người hầu đúng nghĩa, còn công tử thì luôn ở trên cao; nhưng giáo chủ ca ca lại thêm một phần thân thiết, gần gũi, Vô Kỵ đối với Tiểu Chiêu nhiều lúc hệt như một ca ca mẫu mực. Thế nhưng, trước ca ca lại thêm vào "giáo chủ", tuy gần gũi, nhưng vẫn có một cái cảm giác Tiểu Chiêu luôn đặt chàng ở trên cao, còn nàng luôn ở dưới thấp. Hình ảnh hiện ra trong giấc mơ là lúc Tiểu Chiêu khuyên can Triệu Chu bất thành. Hành động khuyên can này không hoàn toàn vì Triệu Chu, mà phần lớn là vì Vô Kỵ, vì 2 nàng kia tiếp tục đánh thì Vô Kỵ ở giữa sẽ thiệt thòi. Nhưng Tiểu Chiêu không can được Triệu Chu, chỉ đành ở dưới hét lên "đừng đánh nữa". Hình ảnh thế này hiện ra, cho thấy trong lòng Vô Kỵ, Tiểu Chiêu vẫn như một đứa em nhỏ, đơn thuần, không có tâm kế. Cảnh mộng của Tiểu Chiêu là cảnh mà Vô Kỵ mỉm cười nhiều nhất, cười rất thoải mái. Tiểu Chiêu nói với Vô Kỵ "muội bằng lòng hầu hạ giáo chủ ca ca suốt đời", kết hợp với hình ảnh "khuyên can", vậy thì, có một người con gái nhỏ nhắn tôn trọng mình, bằng lòng hầu hạ mình, hỏi sao Vô Kỵ không thoải mái? So với cảnh mộng của 3 nàng kia, người thì cắn, người thì trừng mắt hất mặt, người thì hai mắt ngấn lệ, thì Tiểu Chiêu luôn mỉm cười, vậy thì Vô Kỵ có thể không cười, không vui lòng sao? Trong nụ cười của Vô Kỵ, rõ ràng luôn có bóng dáng của 2 chữ thân tình, và cũng có một chút yêu mến, như yêu mến một đứa em nhỏ khả ái đáng yêu.

Đã bàn xong về hình ảnh của giấc mộng này rồi, lần sau chuyển sang lời thoại của 4 nàng vậy, thoại của 4 nàng ở đây đặc biệt thú vị. Lần trước phần hình ảnh nói Mẫn Nhược trước, lần này về phần lời thoại sẽ nói Chiêu Ly trước.

Đầu tiên là Ân Ly. Như đã nói, trong giấc mộng này thoại của nàng dài nhất, và cũng bi thương nhất. Thoại của Ân Ly bắt đầu bằng một câu hỏi "huynh còn nhớ...", câu hỏi đó có thể là Ân Ly hỏi, và cũng có thể là phản ánh tâm trạng của Vô Kỵ, bởi vì đó chính là ấn tượng sâu sắc nhất của Vô Kỵ đối với Ân Ly. Tiếp theo đó là những lời bộc bạch, nhưng những lời đó, là Ân Ly muốn nói với Vô Kỵ sao, hay đúng hơn là nói với "đại Trương Vô Kỵ"? Điểm lại lời bộc bạch của Ân Ly, từ "vết thương này tới nay vẫn còn đau" rồi "hại muội đau cả đời", "hại muội tìm huynh cả đời", thì có lẽ, nàng nói những lời này cho "đại Trương Vô Kỵ" đã thành ma ở âm ty, "đại Trương Vô Kỵ" mà nàng tưởng rằng đã chết, chứ không phải "đại Trương Vô Kỵ" đang ở trước mặt nàng. Thoại của Ân Ly kết thúc bằng câu "muội bằng lòng phế đi công phu Thiên Thù Vạn Độc Thủ, hầu hạ huynh", đây cũng là điểm tương đồng giữa thoại của Ân Ly và Tiểu Chiêu.

Thoại của Tiểu Chiêu ngắn hơn Ân Ly, và không bắt đầu bằng câu hỏi mà trực tiếp hơn nhiều. Thế nhưng, giống như Ân Ly, Tiểu Chiêu cũng dùng một câu tương tự để kết thúc "muội bằng lòng hầu hạ giáo chủ ca ca suốt đời". Tiểu Chiêu và Ân Ly đều mong muốn có thể ở bên "hầu hạ" Vô Kỵ, bất luận là Vô Kỵ ca ca hay giáo chủ ca ca.

Tuy nhiên, giữa Ân Ly và Tiểu Chiêu lại có một sự khác biệt nhỏ. Ân Ly trước khi nói "hầu hạ" có nói "Vô Kỵ ca ca, huynh đừng đi", có thể thấy nàng đang dần cách xa Vô Kỵ, xa Vô Kỵ trong hiện thực và xa cả Vô Kỵ trong lòng nàng; "càng lúc càng xa", Vô Kỵ trong hiện thực nàng không nắm bắt được, nàng không biết đó là Vô Kỵ, chỉ biết đó là A Ngưu ca ca, Vô Kỵ trong lòng nàng, mãi mãi chỉ là ảo ảnh, dù đẹp nhưng không sao với tới được. Còn Tiểu Chiêu, trước câu nói kia là "dù huynh đi đến đâu đều phải đưa muội theo". Tiểu Chiêu không những muốn ở bên hầu hạ giáo chủ ca ca, nàng còn khẳng định rất rõ cái giá trị trong hiện thực của mình. Giáo chủ ca ca của nàng là hiện thực, cho nên không "càng lúc càng xa" mà có thể "đưa nàng theo" mọi lúc mọi nơi. Đây là điều mà Ân Ly mãi mãi không có được.

Bây giờ đến Chỉ Nhược. Thoại của Nhược khá đơn giản, nhưng lại phản ánh rõ thái độ trong tình yêu của Nhược đối với Kỵ. "Vô Kỵ ca ca, trong lòng huynh chỉ có thể có một mình muội", lời này quả thật rất xác đáng, người con gái nào mà không muốn mình là duy nhất trong tim người yêu, nhất là một cô gái thời xưa như Nhược. Vấn đề nảy sinh vào vế thứ hai "không được phép có người thứ hai". Vế này thoạt đầu cũng bình thường, chỉ bổ nghĩa cho vế thứ nhất, "chỉ có thể có một" thì tất nhiên sẽ không có "người thứ hai", nhưng, mấu chốt của cả câu lại nằm ở ba chữ "không được phép". Có gì đó không ổn ở chỗ này, đây là một cụm từ diễn tả sự cho phép, của một kẻ trên, kẻ nắm quyền cho phép người dưới, là một sự cấm đoán mang ý mệnh lệnh rất cao. Chỉ 3 chữ đó thôi đã thấy rõ tâm thái của Nhược trong tình yêu này, nàng có yêu Vô Kỵ, chắc chắn, nàng cũng mong mình là người duy nhất, nhưng, nàng lại muốn áp đặt Vô Kỵ theo ý mình, nàng muốn Vô Kỵ thuận theo mình, hoàn toàn không để ý đến cảm giác của Vô Kỵ.

Cuối cùng là Mẫn. Thoại của Mẫn cũng ngắn tương đương với Nhược, và cũng vô cùng trực tiếp. Nếu Nhược, Chiêu, Ly chỉ dùng lời nói, thì Mẫn lại dùng hành động "cắn" để biểu thị cái nguyện vọng của nàng, thể hiện nàng là cô gái dám yêu dám hận. Mẫn khác với Chiêu Ly, nàng không muốn "ở bên hầu hạ", nàng cũng giống Nhược, muốn mình là người con gái trong lòng Vô Kỵ, nhưng cái cách nàng muốn mình sống trong lòng Vô Kỵ lại khác hẳn. Điều nàng muốn là Vô Kỵ "mãi mãi nhớ đến nàng", chỉ là "nhớ" chứ không phải ở bên hay là "người duy nhất". Điều này cũng phù hợp với hoàn cảnh của Kỵ Mẫn, giáo chủ quận chúa, có thể có kết quả sao? Vì vậy Mẫn mong Vô Kỵ nhớ đến mình. Và, so với 3 nàng kia, cái mà Mẫn mong muốn không phải là suốt đời mà là "mãi mãi". Mãi mãi là bao lâu? Không ai biết, có thể là suốt đời, cũng có thể là lâu hơn nữa.

Ở đây lại có sự khác biệt giữa chủ động và bị động trong thoại của 4 nàng. Chiêu Ly mong muốn  được hầu hạ Vô Kỵ, nhưng họ có từng hỏi Vô Kỵ đồng ý hay không chưa? Một người khiến Vô Kỵ day dứt, một người khiến Vô Kỵ yêu mến, liệu Vô Kỵ có sự chọn lựa nào khác ngoài cái gật đầu. Vô Kỵ là người chỉ nhớ cái tốt của người khác, không nhớ cái xấu của người khác, vì vậy, dù là chàng muốn cự tuyệt chàng cũng sẽ đồng ý với 2 nàng Chiêu Ly, cho nên, với 2 nàng Vô Kỵ ở cái thế không chủ động.

Nhược lại hoàn toàn khác. Đối với nàng, Vô Kỵ chỉ có một con đường đó là phục tùng. Từ đầu đến cuối, Nhược không thể hiện một chút gì cho Vô Kỵ, chỉ có "huynh chỉ có thể có một mình muội", chỉ có nhận mà không cho. Vì vậy đối với Nhược, Vô Kỵ hoàn toàn rơi vào bị động tuyệt đối. Còn Mẫn, nàng đầu tiên cắn Vô Kỵ, một người cắn và một người bị cắn, chủ động và bị động dường như rất rõ ràng. Nhưng ở vào vế sau "là để huynh mãi mãi nhớ đến muội", một vết cắn có thể khiến người ta nhớ mãi không? Vô Kỵ chỉ bị cắn, chứ không bị ép buộc ý nghĩ tâm tư. Vậy thì, chàng nhớ hay không nhớ đó là do chàng, Mẫn chỉ cho chàng một "dấu ấn" để chàng có cái để nhớ, chủ động và bị động giờ lại đảo lộn, một người nhớ và một người được nhớ. Vô Kỵ thoạt đầu là bị động, nhưng sau đó lại thành chủ động, Mẫn luôn để Vô Kỵ chủ động trong tâm tưởng suy nghĩ, nàng chỉ đưa ra một mong muốn, và cũng mong Vô Kỵ thực hiện, nhưng thực hiện hay không vẫn do Vô Kỵ quyết định, và dù là cự tuyệt hay đồng ý thì Mẫn cũng không ép buộc chàng. Vô Kỵ đã cự tuyệt cái cắn của Mẫn, nhưng không biểu hiện cự tuyệt "nhớ". Đối diện với Mẫn, Vô Kỵ tưởng chừng như bị động, nhưng thực chất chàng luôn được chủ động.
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi