5:17 CH @ Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Phân tích về "cái chết" của đề án 112



Phần I: “Ném tiền qua cửa sổ”

Phần mềm dùng chung cùng... chết chung

Xây dựng, cài đặt phần mềm dùng chung (PMDC) và đào tạo ứng dụng tin học cho công chức là hai công việc quan trọng nhất của đề án 112. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội thì cả PMDC lẫn công tác đào tạo tin học cho công chức đều kém hiệu quả...

Theo báo cáo của Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, PMDC đã được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành, 15 bộ, ngành; bao gồm: phần mềm thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, phần mềm thông tin điện tử quản lý văn bản và hồ sơ cồng việc, phần mềm trang thông tin điện tử phục vụ điều hành. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, các PMDC nhanh chóng biến thành phần mềm “đắp chiếu” chung!

Tại Vĩnh Phúc, kết quả kiểm tra bước đầu của Sở Bưu chính - viễn thông tỉnh cho thấy ở 12 cơ quan, đơn vị được cài đặt các PMDC đều gặp nhiều khó khăn trong sử dụng, thậm chí có nơi không sử dụng được.

Tương tự, tại Phú Thọ có 29 đơn vị được cài đặt ba PMDC, hầu hết không sử dụng được phần mềm hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội; chỉ có bảy đơn vị sử dụng thường xuyên phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ba đơn vị sử dụng phần mềm trang thông tin điện tử. Đáng lưu ý, Sở Bưu chính - viễn thông Phú Thọ đã sử dụng phần mềm khác đáp ứng tốt hơn PMDC của đề án 112.

Ông Chu Hảo (nguyên phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT):
"Theo tôi, lãng phí của đề án 112 là nhiều địa phương ham mua máy tính, mua phần cứng nhiều hơn là đi vào xây dựng cơ sở dữ liệu, rồi nối mạng máy tính và chia sẻ thông tin"
Theo khảo sát của Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, tại quận 5 và quận 10, những bất cập của ba PMDC là không sát thực tế, không hiệu quả; phần mềm chưa hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn chỉnh sửa nhưng đã triển khai trên diện rộng. Đặc biệt, ba phần mềm được sử dụng riêng lẻ, không liên kết với nhau, không mang tính hệ thống...

Cụ thể, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc mắc nhiều lỗi logic và thiết kế giao diện chưa chuẩn, gây khó khăn cho việc nhập liệu với số lượng lớn; phần mềm tổng hợp thông tin văn hóa - xã hội chưa hỗ trợ việc tính tổng số liệu từng tháng, không hỗ trợ lãnh đạo đơn vị trong việc lập kế hoạch; phần mềm điều hành tác nghiệp có chức năng sơ sài, không đáp ứng được nhu cầu điều hành.

Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM còn kiến nghị làm rõ vấn đề chi phí cài đặt 25 triệu đồng cho một phần mềm tại một đơn vị “là chi phí quá cao, quá bất hợp lý”. Sở này cũng cho rằng Ban điều hành đề án 112 Chính phủ cần thông báo chính thức số phiên bản mỗi phần mềm và số công ty xây dựng một phần mềm trên địa bàn TP và trên cả nước để đánh giá được mức độ “dùng chung” của cả ba PMDC...

Nói tóm lại, sau năm năm triển khai đề án 112, chưa nơi nào có một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành theo đúng nghĩa.

Ồ ạt... đào tạo!

Ông Nguyễn Trọng (nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT):
"Mục tiêu của đề án 112 là đúng, nhưng đường đi đến mục tiêu ấy là không đúng, do đó chúng ta không thể tới đích"

Cho đến đầu tháng 4-2005, Ban điều hành đề án 112 Chính phủ mới ra văn bản hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo tin học cho cán bộ công chức. Trong khi đó, về nguyên tắc thì giai đoạn 1 của đề án 112 sẽ kết thúc vào năm 2005. Có lẽ vì thời gian còn lại không nhiều nên Ban điều hành 112 đã phải dốc hết sức để huy động người đi đào tạo. Và hầu như khắp các tỉnh, thành trong cả nước đều “chạy nước rút” để tổ chức dạy tin học cho công chức theo chủ trương của đề án 112. Báo cáo của Ban điều hành đề án 112 cho biết đã có khoảng 64.000 cán bộ, công chức được đào tạo ứng dụng tin học. Riêng TP.HCM, từ giữa tháng 5-2005 cho đến khoảng đầu tháng 1-2006, đã huy động được hơn 3.000 cán bộ, công chức ở 24 quận huyện và 43 sở ngành đi học tin học.

Thế nhưng, tháng 5-2005, sau khi nhận được kế hoạch và chương trình đào tạo của Ban điều hành đề án 112, Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM đã có phản ứng gay gắt. Theo đó, sở cho rằng toàn bộ chương trình gồm tám phần nội dung (môđun) nhưng có đến sáu môđun (chiếm 80% thời lượng chương trình) là kiến thức thuộc chương trình đào tạo chứng chỉ quốc gia tin học trình độ A.

Theo hợp đồng ký kết giữa Ban điều hành 112 với các đơn vị đào tạo thì định mức chi phí đào tạo tin học là trên dưới 2 triệu đồng/người học (trong khoảng 19 ngày). Như vậy, nếu tính mức này thì việc đào tạo tin học theo chương trình của đề án 112 cho 64.000 người đã ngốn của ngân sách khoảng 128 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến chi phí viết giáo trình, chi phí tổ chức đào tạo...

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, hằng năm Sở Nội vụ TP cũng có chương trình đào tạo chứng chỉ quốc gia trình độ A cho công chức, nên ở đây có sự trùng lắp và gây lãng phí trong việc tổ chức đào tạo kiến thức tin học căn bản.

Phần 2: Thất bại được báo trước!

Chuẩn bị quá sơ sài

Năm 1996, chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) với vốn đầu tư khoảng 280 tỉ đồng (trong số này có trên 150 tỉ đồng dành cho các dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước) được triển khai rầm rộ. Nhưng chỉ ba năm sau, năm 1998, chương trình này bị “khai tử” một cách đột ngột, trong khi theo kế hoạch thì lẽ ra nó phải “sống” cho đến hết năm 2000. Những bài học “xương máu” của chương trình quốc gia về CNTT chưa được nghiêm túc xem xét thì đề án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 2001-2005” được khai sinh. Đây là đề án qui mô nhất từ trước đến nay ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay khi ra đời, đề án 112 đã nhận được không ít lời cảnh báo về những nguy cơ sẽ giẫm lên “vết xe đổ” của giai đoạn trước đó...

Ông Lê Mạnh Hà(GĐ Sở BCVT TP.HCM): Đúng là “ném tiền qua cửa sổ”!
“Ném tiền qua cửa sổ” - câu nói đó rất đúng với lĩnh vực CNTT. Nếu làm một con đường thì dù tốt dù xấu cũng vẫn có thể lưu thông được. Với CNTT thì khác, máy móc mua không được dùng là lạc hậu và xuống giá rất nhanh, phần mềm không dùng được thì không sử dụng vào việc gì khác mà chỉ có bỏ đi, đào tạo mà không có thực hành thì cũng quên hết.
Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đề án 112 là tính không chuyên nghiệp đối với một đề án đòi hỏi có trình độ quản lý chuyên môn cao.
Giải pháp nào cho ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính nhà nước? Giải pháp đầu tiên là về con người. Hiện nay chúng ta đang thiếu một “nhạc trưởng” thực thụ trong CNTT. Nếu không có tổng chỉ huy có khả năng quản lý nhà nước và dày dạn kinh nghiệm thì khả năng thành công là rất thấp dù có đề án tốt đến đâu

Ông Phan Đình Diệu, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (giai đoạn từ tháng 5-1994 đến 6-1997), còn lưu lại bức thư ông gửi Thủ tướng Phan Văn Khải đề ngày 2-8-2001, tức chỉ vài ngày sau khi đề án 112 ra đời. Trong bức thư này, ông nhấn mạnh: “Nội dung đề án 112 được chuẩn bị quá sơ sài, không đủ luận cứ khoa học, các khái niệm có nhiều nhầm lẫn...”. Ông Diệu viết tiếp: “Tôi có cảm tưởng như đề án được viết để cho có, để rồi có thể làm một cách tắc trách, chứ không phải viết nghiêm túc để làm một cách nghiêm túc. Nặng về phần trang thiết bị và mạng nhưng rất qua loa về nội dung thông tin - đáng lẽ phải là phần chủ yếu nhất của đề án”.

Cũng trong bức thư này, ông Diệu nêu rõ: “Nếu đã xác định làm thật thì phải hiểu tin học hóa là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Tiếc rằng những công việc được bắt đầu trong giai đoạn 1996-1998 đã bị xóa bỏ một cách vô trách nhiệm, nay không thể lại làm với sự chỉ đạo hời hợt được”. Ông cũng đề nghị với Thủ tướng cần kiểm điểm vì sao chương trình quốc gia về CNTT bị đình chỉ từ năm 1998.

Cũng đề cập sự ra đời và triển khai đề án 112, ông Nguyễn Trọng - nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - cho biết cách đây khoảng năm năm, ông đã từng đặt vấn đề thông qua những bài viết trên tạp chí PC World B rằng dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 1996-1998 với vốn đầu tư hơn 150 tỉ đồng có thành công không và những ngàn tỉ tới đây cho việc này sẽ ra sao? Lúc đó ông Trọng cũng nêu quan điểm thẳng thắn: “Chúng tôi chưa thấy rõ khả năng thật sự để vượt qua “cái chết hệ thống” của những toan tính hôm nay”. Theo ông, “những toan tính hôm nay” chính là việc triển khai đề án 112!

Giẫm lên vết xe cũ

Tiếp nối câu chuyện về sự ra đời của đề án 112, ông Chu Hảo - nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - nói: “Hầu hết những người thực hiện chương trình quốc gia về CNTT 1996-1998 đều thấy rằng đề án 112 chắc sẽ lặp lại cách làm mà chúng tôi có ý định tránh. Nghĩa là đề án 112 vẫn đi theo lối phân bổ ngân sách gần như rải đều ở các nơi, cũng xây dựng đồng loạt các trung tâm tích hợp dữ liệu qui mô, các phần mềm... mà không tính sát sao đến nhu cầu thực tế cũng như trình độ, khả năng khai thác ở các nơi. Mặt khác, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi biết đề án 112 được đầu tư không dưới 1.000 tỉ đồng cho các hạng mục chính”.

Ông Hảo cho rằng ngay khi đề án 112 ra đời, ông đã không tin tưởng lắm vào khả năng thành công vì cách đi của những người tổ chức thực hiện đề án này đã lặp lại lối đi mà những người thực hiện chương trình quốc gia về CNTT trước đó đã nhận ra rằng không thể tiếp tục. Ông Hảo cũng nói đề án 112 đã được lấy ý kiến rất hình thức: “Chúng tôi không được tham khảo từ đầu, đến giai đoạn cuối trước khi ra quyết định thì mới được hỏi ý kiến. Trong những tình huống như thế thật là khó để góp ý kiến chu đáo được”.

Tùy tiện đầu tư!

Theo phân tích của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, việc phân cấp đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án rõ ràng và tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. Song trong quá trình chỉ đạo, do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ không định được khung chuẩn các hệ thống tin học hóa của các bộ, ngành, địa phương, không xác định được mức đầu tư sàn dẫn đến các bộ, ngành, địa phương tùy tiện đầu tư.

Chưa hết, có bộ, ngành, địa phương được đầu tư rất lớn, có nơi lại ít quan tâm, hầu như không đầu tư gì thêm ngoài nguồn từ kinh phí trung ương cấp về. Nói cách khác, vẫn còn nặng cơ chế “rót” kinh phí từ trung ương xuống địa phương nên có tình trạng không ít địa phương cố gắng “tranh thủ”, đồng thời ỷ lại vào trung ương về ngân sách cũng như về phương án triển khai, không chú trọng đúng mức tới hiệu quả đầu tư. Ngay kinh phí trung ương cũng không dự trù sát mà chỉ nêu “không dưới 1.000 tỉ”.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Ban điều hành đề án 112 ở trung ương không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu. Con số tổng hợp mới đến tháng 9-2003 đã là 3.730 tỉ đồng chi cho đề án 112. Vậy đến cuối năm 2005 là bao nhiêu?

Ngoài ra, nhiều báo cáo còn cho thấy nguồn kinh phí từ Ban điều hành 112 Chính phủ chỉ đầu tư cho việc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và chỉ được đầu tư trong các năm 2002-2004. Trong khi đó, chưa có phần mềm dùng chung và cơ sở dữ liệu nên vốn đầu tư sẽ không hiệu quả...

Quốc Thanh - Khiết Hưng (Báo Tuổi Trẻ)

Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi