Đầu năm nói chuyện ''lì xì''
Thế là hết ngày mùng 1 của Tết Bính Tuất, cũng không đi đâu được mấy, nhưng cũng được một ngày vui vẻ. Về nhà mở Net ra đọc báo chơi, thấy bài này hay hay ở VietNamNet, chợt nghĩa tới chuyện ông bạn mình "đi Tết sếp", rồi người thì "đi Tết thầy cô", thế nên post lại ở đây hầu quý bạn ghé thăm ngày Tết, đọc để ngẫm nghĩ ngày xuân.
Lì xì là... lộc đầu năm
Một nhà nghiên cứu lý giải thế này, lì xì nghĩa là tiền mừng nhân một dịp đáng mừng nào đó theo cách nói của người Quảng Đông (Trung Quốc). Ở Việt Nam, cư dân lúa nước với tín ngưỡng phồn thực nên kèm theo cái phong bao lì xì là lời chúc năm mới khoẻ mạnh, phát tài phát lộc. Nghĩa là mong muốn mọi được sự sinh sôi, nảy nở.
Như vậy, số tiền ít ỏi nằm trong cái bao lì xì được coi là đồng vốn ban đầu và người ta tin rằng nó sẽ đẻ ra những đồng tiền khác trong suốt một năm.
Bà ngoại tôi năm nay hơn 90 tuổi cũng "hào hứng" khi nói về tục "lì xì", bà bảo, đầu năm mới, con cháu thường về tề tựu đông đủ để chúc Tết và mừng tuổi bà. Việc con cháu mừng tuổi khiến bà rất vui vì "lũ trẻ" san sẻ lộc cho người già. Sau đó, bà cũng mừng tuổi lại cho lũ cháu, khỏi phải nói chúng tôi từ bé đến lớn đều mừng như thế nào khi nhận được tiền mừng tuổi, cứ ríu ra ríu rít cửa nhà. Đó là niềm vui của tuổi già, với bà ngoại tôi đó là lộc.
"Bà thấy thực ra, mừng tuổi là một món quà không lớn về giá trị vật chất nhưng đầu năm mới nhận được một món tiền nhỏ cảm thấy rất vui, mình mừng tuổi cũng là mong muốn người nhận có một niềm vui đầu năm" - bà tôi nói.
Còn mẹ tôi, 30 năm qua, năm nào mẹ cũng là người đầu tiên mừng tuổi cho tôi, cho các em tôi và ... cả bố tôi nữa. Khi chiếc kim đồng hồ chuyển sang ngày mùng 1 Tết, mẹ huy động cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm tân niên (dù cách đó mấy tiếng cả nhà vừa chén bữa tất niên no lặc lè - PV) rồi theo thứ tự từ cao đến thấp, mẹ mừng tuổi cả nhà.
Tiền mừng tuổi của mẹ đủ cả từ tờ mệnh giá nhỏ cho đến lớn, mẹ mong muốn mọi điều đều tiến triển, suôn sẻ. Năm ngoái, chúng tôi trêu mẹ sao không mừng tiền to nhất, mẹ cười "mẹ chỉ dừng lại ở 50 nghìn thôi, để tiền to hơn các con mừng lại mẹ!".
Mẹ giải thích, sáng sớm mùng một, con cháu chúc Tết mừng ông bà, cha mẹ và tỏ lòng "thơm thảo" với một phong bao hồng bên trong đặt một món tiền coi đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc quanh năm sung mãn, may mắn. Còn ông, bà, cha, mẹ, anh, chị lì xì cho trẻ con bao giờ cũng kèm theo câu chúc hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Lúc này, tiền lì xì lại chuyên chở nghĩa của chữ phúc.
Dù chúng tôi cũng đã thành người lớn, nhưng năm nào mẹ cũng là người đầu tiên mang chữ phúc đến cho chúng tôi.
Lì xì biến tướng?!
Đứa cháu 3 tuổi của tôi thì nhắng lên khi dì hỏi "con thích gì?" "Con thích mừng tuổi thật nhiều tiền!". Còn chị nó, 9 tuổi học lớp 3 hớn hở kể: "Cháu chỉ thích đi chúc tết với bố mẹ thôi, vì được mừng tuổi nhiều hơn ở nhà. Năm ngoái, tiền lì xì của cháu được gần 2 triệu. Cháu gửi mẹ giữ hộ, năm nào cũng thế, để sau này lớn cháu mua xe máy đi học". Trẻ con còn biết tính toán tiền mừng tuổi như thế!
Mấy ngày giáp Tết, cả cơ quan tôi "loạn" lên lo đổi tiền 10 nghìn mới để lì xì nhưng ai nấy đều thất vọng vì chỉ có 100 triệu loại tiền mới này được in ra để ... chia đều ra cả nước. Một cô bạn đồng nghiệp có bố làm ngành ngân hàng tiết lộ: "Chỉ những người trong ngành may ra mới đổi được, mà cũng ít lắm, rải ra cả nước cơ mà, còn lâu mới đến lượt mình".
Bí quá, mấy anh đồng nghiệp ra tận bờ hồ Hoàn Kiếm đổi tiền qua "cò", tiền 10 nghìn mới không đến tay công chức như chúng tôi nhưng hỏi "cò" thì bao nhiêu cũng sẵn! Có điều, phải chấp nhận đổi với giá 1 triệu 200 nghìn lấy ... 1 triệu. Ấy thế mà, vẫn có người chấp nhận đổi.
Tôi mừng thầm, người ta "sính" đổi tiền 10 nghìn có thể năm nay mốt mừng tuổi đã "hạ" mệnh giá, nhưng đồng nghiệp tôi nói "đổi tiền này để về quê mừng tuổi, chứ trẻ con thành thị mà mừng 10 nghìn thì cũng phải vài tờ hoặc tiền to hơn, không thì mặt mũi nào mà nhìn ... bố mẹ nó!"
Cô bạn thân tôi thì cao giọng: "Nói đến lì xì là thấy mệt hết cả người, năm nay nhờ vả khắp nơi mới đổi được 1 triệu tiền 10 nghìn mới, chủ yếu là để lì xì cho lũ trẻ. Còn các cụ thì lại tờ màu nâu hoặc màu xanh, chưa nói đến ngoại giao, cứ tùy đối tượng mà lì xì. Mỗi năm cũng mất đôi ba triệu".
"Đôi ba triệu là gì, hôm rồi tớ đi dự bữa tiệc chiêu đãi cuối năm, chỉ là đi theo 1 người bạn thôi nhé, thế mà ông chủ tiệc lì xì cho mỗi khách 1 phong bao, về mở ra thấy bên trong có 2 tờ 500.000 xanh đến... nao lòng"- một đồng nghiệp tôi nghe chuyện chêm vào. Số khách trong bữa tiệc của đồng nghiệp tôi hôm đó có tới gần 20 người!
Đến như mẹ tôi, từ khi về hưu chỉ chăm chú việc nhà mà khi nghe kể cũng nhận xét một câu rất "thời sự": "Thời buổi hiện nay lì xì cũng biến tướng, người ta lợi dụng nó để nhờ vả, chạy vạy, trả nợ nhau..."
Chỉ nên mừng tuổi 10 nghìn
Chú tôi, một quân nhân đã về hưu nhớ lại, mấy chục năm trước, ngày tết đi chơi, mặc một cái quần xanh với cái áo valide hay cái áo popơlin xăngpho trắng mà ở trên ngực đeo cái huy hiệu đoàn và trong túi ngực lấp ló tờ đỏ hay còn gọi là tờ ông mượt (10 nghìn thời bấy giờ-NV) được mừng tuổi thì cảm thấy hãnh diện lắm. Sau đó, thời mở cửa, người ta lại mừng nhau tờ 1 đô, 2 đô cho sang. Nhưng mừng tuổi lúc đó cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính, là chúc nhau, nhớ nhau...
Cũng có thời tờ 10 nghìn "lên ngôi" vì hình thức của nó cũng như giá trị vật chất. Nhưng bây giờ, 10 nghìn dường như nhường ngôi cho những tờ nâu, tờ xanh... Thậm chí ngay cả việc tặng đô la, nếu không nhiều, người ta cũng tính đến chuyện chọn seri hay sưu tầm tờ đô la may mắn (loại 2 USD được coi là hàng hiếm, quý lắm mới tặng).
"Trong ví chú cũng có mấy tờ đô lẻ nhưng không dám mang ra mừng tuổi ai, sợ người ta lại tưởng 100 đô. Theo chú, chỉ nên mừng tuổi 10 nghìn hoặc cùng lắm là 50 nghìn hay chỉ là 1 vài đô lẻ chứ mừng tuổi 100 nghìn hay 10 đô trở lên đã thấy vật chất nằm trong đó rồi, còn đâu ý nghĩa nữa"- chú tôi giọng buồn buồn.
Ấy vậy mà khi hỏi về tục mừng tuổi, ai cũng nói với giọng rất hoan hỉ, mừng tuổi hay còn gọi là lì xì- ý nghĩa của nó là chúc phúc - nếu giữ được nếp này thì tốt biết bao!
Bình luận