9:52 CH @ Thứ Ba, 15 tháng 11, 2005

Sách giáo khoa, cải cách và tham nhũng trong giáo dục

Dạo này có cái thói quen là lượn qua danh mục các bài báo về văn hoá, giáo dục và kinh tế của GS. Trần Hữu Dũng để làm tìm kiếm các bài hay để đọc, rồi từ đó lại quay ngược trở lại bài "Từ sách giáo khoa đến chuyện dạy văn" ở ChúngTa.com của ông Cao Tự Thanh (đăng trên Tạp chí Khám phá) viết về chuyện cải cách giáo dục, cải sách giáo khoa lân đến chuyện bài văn lạ của Phi Thanh với những câu chữ lời văn phải gọi là "nức lòng" (nhân tiên cũng nói là tui biết đến Cao Tự Thanh là nhờ thông qua các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mà ông dịch).

Thông thường, xã hội chúng ta chấp nhận sự "xuề xoà" như là một tiêu chuẩn của "sự ổn định của xã hội", "sự ổn định của phát triển" và không dám nhìn vào một sự thật là xã hội chúng ta "đang rất thối nát". Nhớ khi trước đọc một bài rất dài đi tìm trả lời cho câu hỏi "Vì sao tỷ lệ thi trượt đại học ở Việt Nam cao nhất thế giới?" thì nhận thấy rằng quy mô của giáo dục và y tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại chỉ đáp ứng được cho năm 70 (nghĩa là mới chỉ đáp ứng được cho miền bắc VN năm 70 nếu không có chiến tranh - đấy là tính cung cả nước năm 2003 cho cầu miền bắc năm 70), nhưng đến bây giờ (năm 2005) chúng ta vẫn chưa cho phép "xã hội hoá giáo dục" nghĩa là cho phép dân mở rộng giáo dục (tất nhiên ý kiến đưa ra thì cực nhiều, và cái nào cũng hợp lý).

Nhân việc đọc những dòng của ông Cao Tự Thanh về giáo dục VN:

Có lẽ trên khắp thế giới không có nước nào có ngành giáo dục kỳ quái như Việt Nam hiện nay, một ngành giáo dục liên tiếp xảy ra các vụ cải cách thì chất lượng càng rớt, thầy cô càng rỗi, học sinh càng rên, phụ huynh càng run, xã hội càng rầu.
Mà điều kỳ quái nhất là lối cải cách rùm beng ấy xem ra lại là một sự thời thượng kiểu ngẫu hứng chứ không có chút gì là trách nhiệm, cứ cải cách văng mạng rồi lỡ sai thì lờ, trước nay chưa ai cải cách giáo dục làm cho xã hội tổn thất mà phải đi tù cả, cho dù là vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng không.


Đọc những dòng chữ này, chẳng thấy sai một chữ nào cả. Ấy thế nhưng vẫn cải cách và cả luật giáo dục cũng được Quốc hội thông qua rồi, dzui thật. Và đây nữa:

Vụ sách giáo khoa phân ban này quả là một đỉnh cao sự thiếu hiểu biết và vô lương tâm của các nhà cải cách giáo dục, không biết chúng đã được thiết kế bởi những ban bệ nào, thực hiện bởi những chuyên gia nào và nghiệm thu bởi những hội đồng nào, nhưng chắc chắn phải chi phí tiền tỷ bên cạnh nhiều tỷ khác phải chi để những thứ mà rất có thể không bao lâu nữa sẽ phải xếp xó.

Đọc đến đoạn này thì hiểu tại sao các dự án liên quan đến giáo dục được các "thành phân kinh tế" hào hứng quan tâm thế, và cũng hiểu tại sao đến ngày hôm nay sách giáo khoa vẫn được NXB Giáo Dục độc quyền (chuyện, mỏ vàng trong đất nước rừng vàng biển bạc mừ). Ngoài ra trong bài này cũng nói đến việc tham nhũng trong giáo dục (Tuổi trẻ Chủ nhật), tò mò đọc thử, đọc xong thì chỉ còn biết gật đầu, vì nó đúng quá. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT hay chính phủ sẽ luôn có câu hỏi "bằng chứng đâu?", vậy là hết, và giáo dục của chúng ta vẫn phát triển, tiến sĩ vẫn ... cực nhiều và cuối cùng là vẫn nát bét.

Ở đoạn kết của mình, ông Cao Tự Thanh xin được đại diện cho chúng ta (tui cảm thấy vậy) để "cảm ơn những người biên soạn sách", quả là chí lý:

kính thưa khá nhiều thầy cô giáo và các nhà biên soạn chỉnh lý, cải cách sách giáo khoa, tôi xin mạo muội thay mặt sự Ngu dốt, thói Thực dụng và thái độ Vô cảm để ngả mũ nghiêng mình mà bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn đối với các vị, những kẻ lập công đầu trong việc đào tạo ra một lớp người mồ côi truyền thống mới, đủ trở thành gánh nặng cho con dân của đất nước này ít ra là nửa thế kỷ nữa trong tương lai

Vậy với cái tình hình này, thì liệu giáo dục của chúng ta đi về đâu, liệu Con Rồng Cháu Tiên được "nhồi" cái gì? Biết đâu có ngày lại trở thành "Cháu Giun", chán... :(


Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi