Sự ra đời của VnExpress
Lúc chiều có một cậu bạn ở cty FPT gửi qua email một bài viết của anh Thang Đức Thắng về sự ra đời của báo điện tử VnExpress (trong tập sử ký của cty FPT), đọc cũng thấy thú vị.
Thú vị nhất là ở cái cách làm rất Việt Nam (làm sao dùng cho tốt các tài nguyên miễn phí là... các báo giấy :D), nhưng cũng rất sáng tạo và cũng là một case study khá hay về con đường báo chí và kinh doanh dịch vụ nội dung trực tuyến ở VN. Vậy thế nên quyết định post lại toàn bộ nội dung tại đây theo một cách... miễn phí nhất để hầu quý bạn đọc tham khảo chơi :D
Ý tưởng
Vào một ngày tháng 3 năm 2000, tôi đến dự cuộc họp báo do FPT tổ chức tại 89 Láng Hạ với tư cách phóng viên báo Lao Động. Ngồi cạnh tôi, tình cờ, là Trương Đình Anh, Giám đốc FOX. Chúng tôi quen biết nhau từ cuối năm 1995, khi tôi đến làm cộng tác viên cho FPT. Rồi tôi, đại diện cho báo Lao Động, là một trong những khách thuê bao đầu tiên của FOX, sau đó đưa nội dung hàng ngày của Lao Động sang mạng TTVN.
Trong lúc họp, Đình Anh nói nhỏ:
- Anh xem có thể tìm giúp em một nhà báo chuyên nghiệp có thể về làm nội dung Internet cho FOX?
- Làm cái website của công ty thì cần gì nhà báo chuyên nghiệp? - tôi hỏi lại.
- Không phải website công ty, mà là một portal của Việt Nam.
- Anh sẽ tìm người nào đó xứng đáng trong số đàn em. Nhưng cho biết sơ qua, Đình Anh cần một người như thế nào?
- Cần một người, tốt nhất là... như anh!
Tôi nhìn Đình Anh và thấy anh ta nói hoàn toàn nghiêm túc.
Từ lâu tôi đã có mong muốn làm một tờ báo thực sự có ích cho mọi người. Từ khi làm quen với Internet (năm 1998), tôi nhận ra rằng đây sẽ là mảnh đất chưa khai phá cho báo chí. Mình có thể là người đầu tiên làm điều đó? Nhưng tôi hoàn toàn đơn độc. Những người nghe nói về ý định của tôi đều cười, cho rằng, qua rất nhiều năm nữa người Việt Nam vẫn thích mua một tờ báo in giá 1-2 nghìn đồng đọc "vừa tiện vừa rẻ", hơn là nhìn vào màn hình tù mù, chạy ậm ạch, phải trả vừa cước điện thoại, vừa cước Internet. Hồi đó, vào đầu năm 2000, cả Việt Nam có chưa đến 50.000 thuê bao Internet. Báo chí thường xuyên kêu la về tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, bao giờ mới tăng được số người dùng Internet.
Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau. Đình Anh hay hỏi về công việc làm báo trong toà soạn và tỏ ra hứng thú khi nghe tôi nói.
Lịch sử báo chí cho thấy, những mốc phát triển quan trọng của nó gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400-1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio đã dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh những năm 1920. Ứng dụng truyền hình đã tạo ra các "báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940. Và Internet sẽ phải là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam.
"Anh muốn làm cho một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo!", tôi nói. Và có lẽ Đình Anh là người duy nhất ngày ấy đã đồng tình với tôi. "Nhưng không thể với Laodong.com" - Đình Anh nói - "Chỉ với cơ chế như ở FPT, anh mới làm được điều đó..."
Tôi xin cơ quan cho chuyển công tác. Mọi người ở báo Lao Động rất ngạc nhiên. Khi đó tôi là Trưởng ban Thời sự kiêm Trưởng ban Báo Điện tử. Ông Tổng biên tập đề nghị tôi suy nghĩ lại. Cuối cùng, ông đành đồng ý, nhưng với yêu cầu tôi thực hiện nốt phần việc của báo trong công tác tổ chức cuộc thi phần mềm "Trí tuệ Việt Nam", đến tháng 9 mới xong.
Từ tháng 7 năm 2000, tôi và Đình Anh bắt đầu bàn bạc, nghiên cứu tình hình, lập dự án xây dựng báo trực tuyến. Nó phải có nhiều độc giả, phải tự cân đối tài chính, hay nói cách khác nó phải làm ra tiền bạc. Hai nguồn thu phải là quảng cáo và thời lượng của khách hàng thuê bao vào mạng gia tăng.
Đầu tháng 8/2000, chúng tôi đăng quảng cáo tuyển dụng biên tập viên, phóng viên để “xây dựng một tờ báo trực tuyến lớn nhất VN”. Sau đó mới nghĩ tên cho nó: phải là một cái tên có nghĩa liên quan đến báo chí, liên tưởng đến sự tầm cỡ, tính tích cực. Vài tên đầu tiên chọn đăng ký domain đều đã bị sử dụng. Cuối cùng, đến "VnExpress.net" thì được. Nó cũng hợp với những yêu cầu đặt ra.
Kế hoạch kinh doanh
Từ những phân tích của mỗi người, chúng tôi chuẩn bị làm kế hoạch kinh doanh. Ngày 20/9/2000, chúng tôi bảo vệ kế hoạch đó trước ban TGĐ. Trong bài trình bày, điểm mấu chốt nhất là sẽ thu tiền về bằng cách nào? Dễ thấy rằng đó phải là quảng cáo. Nhưng lấy gì làm căn cứ để xác định doanh số (quảng cáo trên mạng còn là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ)?
Tôi thầm khâm phục Đình Anh đã đưa được ra con số cụ thể dựa vào căn cứ sau: Lấy giá quảng cáo trung bình trên một số tờ báo in thông dụng trong nước chia cho diện tích trang báo quảng cáo để ra giá quảng cáo trung bình của một centimét vuông trên báo chí Việt Nam. Từ đó nhân lên diện tích tương ứng của banner và logo để tính ra giá quảng cáo của chúng trên trang báo trực tuyến. Rồi nhân tiếp với số folders (sẽ có) của VnExpress để ra doanh thu dự tính sau 18 tháng. Cộng tiếp với số cước thời gian truy cập gia tăng của khách thuê bao FPT vào xem VnExpress trong tương lai, với tốc độ tăng ước tính là 10% mỗi tháng. Tất cả được trình bày chi tiết theo từng tháng, con số cuối cùng thật ấn tượng và thuyết phục. Phó TGĐ Lê Quang Tiến nói: "Rất được!".
Khi biết nội dung tin trong nước của VnExpress thời kỳ đầu sẽ là biên tập từ các báo đài, anh Trương Gia Bình hỏi:
- Cái gì sẽ là khác biệt của các vị?
- Đó là tốc độ cập nhật và phong cách đưa tin. - Tôi đáp, và thấy ngay trong mắt ban TGĐ một sự nghi ngờ. Biên tập lại từ báo in thì làm sao có "tốc độ cập nhật" được? Còn "phong cách đưa tin" thì thật mơ hồ.
Tôi giải trình, nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả, nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất, thì nó không những nhanh tương đương thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ. Đó chính là tốc độ cập nhật.
Hơn nữa chúng tôi không có lựa chọn khác. Nếu ngay từ đầu thành lập một toà soạn báo với các phóng viên lành nghề, hoạt động săn tin trên cả nước, sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ. Mà rất lãng phí. Vì những ngày đầu đã có độc giả đâu. Báo chí trực tuyến là con số không. VnExpress hoàn toàn là số không. Chẳng khác nào xây ngay một nhà máy điện vĩ đại, rồi chờ dân số phát triển. Cũng chưa có cơ sở pháp lý nào cho VnExpress hoạt động phóng viên: ở Việt Nam chưa có tiền lệ cấp phép hoạt động báo chí cho một công ty, và chưa biết đến bao giờ mới có, các quan chức kiên quyết lắc đầu.
Chúng tôi thấy, con đường để một ngày nào đó VnExpress có diễm phúc được cấp phép là: trước tiên phải làm sao được xã hội dần dần thừa nhận, coi như một chủ thể báo chí đã tồn tại, không thể phớt lờ. Do đó, mục tiêu là làm sao có độc giả. Mà phải bằng cách ít tốn kém nhất. Vậy tại sao không lấy những tờ báo đã phát hành - một nguồn nguyên liệu sẵn có - chế biến nó thành tin tức hữu ích? Chiến lược ban đầu của chúng tôi là: lấy nguồn tài nguyên miễn phí - chế biến thành hàng hoá!
Chế biến bằng hai nguyên tắc: lựa chọn tin tức theo giá trị của nó, và đưa tin một cách khách quan. Điều đó có nghĩa là tin phải được độc giả chờ đón, khi đưa thì chỉ có sự kiện, không có ý kiến áp đặt của phóng viên. Độc giả sẽ tự phán xét sự việc được nêu là tốt hay xấu, ai đúng ai sai. Vì vậy trong các tin bài sẽ không có những câu kiểu như: "Thiết nghĩ phải...", "Các cơ quan hữu quan cần...", "Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ...", "Dư luận căm phẫn trước việc làm sai trái như vậy...", "Công chúng cảm thấy bị xúc phạm bởi...", "Hỡi những người có lương tri..." v.v…
Khi độc giả đọc tờ báo không có sự áp đặt, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy thoải mái tự do trong tiếp nhận thông tin. Sự tự do đó sẽ gây "nghiện" . Và chúng tôi sẽ có độc giả thường xuyên, trung thành.
Hai nguyên tắc trên chính là "phong cách đưa tin" của chúng tôi. Trên thế giới, nó không có gì mới lạ. Nhưng ở Việt Nam, có thể nói là chưa có tờ báo nào làm thế. Họ không lựa chọn tin chỉ theo giá trị của chúng vì, chủ quan hoặc khách quan, họ thường rơi vào hai cám dỗ sau đây. Một là, đưa những tin chỉ có lợi cho số ít những người lãnh đạo toà soạn (thường là lợi về vật chất). Hai là, đưa những tin tuyên truyền làm vừa lòng các cấp chủ quản (cũng là lợi cho lãnh đạo toà soạn, về chính trị), nhưng không có giá trị cho độc giả.
Ban TGĐ, cuối cùng, đã tin vào chúng tôi. Kế hoạch kinh doanh được thông qua.
Cũng tối hôm đó, 20/9/2000, diễn ra lễ bế mạc trao giải thưởng cuộc thi phần mềm Trí tuệ Việt Nam lần thứ nhất. Tôi có mặt để tham gia nhiệm vụ tổ chức và viết bài phóng sự về buổi lễ đầy cảm xúc ấy. Đó là bài phóng sự cuối cùng của tôi cho báo Lao Động.
Xây dựng
Hồ sơ xin dự tuyển biên tập viên gửi đến chất đầy phòng làm việc của Đình Anh, hơn 900 người. Tôi lần lượt đọc kỹ từng tập, chọn ra 240 người để gọi thi viết, chia thành ba buổi vào các ngày 3-4/10. Tôi nghĩ, cách làm báo sẽ khác nhiều so với các báo trong nước, do đó không nhất thiết phải tuyển những người có kinh nghiệm phóng viên. Cần những người thông minh - để tiếp thu mọi việc nhanh chóng và có nhiều ý tưởng; cần tiếng Anh - ngoài những ích lợi thông thường, những người có ngoại ngữ còn có văn phạm chuẩn hơn; và cần văn phong tiếng Việt tốt.
Do đó tôi rất mừng khi thấy quy trình thi tuyển của FPT cũng đúng như thế: IQ, GMAT, English, còn thi chuyên môn - là bài luận bằng tiếng Việt. Sau này, qua những lần tuyển dụng tiếp theo, tôi thấy những người điểm cao nhất thường chính là những những nhân viên có năng lực nhất. Vì thế tôi rất tín nhiệm quy trình thi của công ty và chân thành biết ơn các cán bộ của Phòng nhân sự đã giúp tôi tiến hành tất cả các cuộc thi và chấm thi.
Có hôm, trong phòng thi viết, tôi cầm một đề IQ thử giải, thấy nhiều câu chẳng biết làm thế nào. Nghĩ thầm, "thằng nào ra đề vớ vẩn thật". Sau này, có lần một em phóng viên VnExpress thật thà hỏi tôi: "Hồi anh vào FPT có phải thi IQ không ạ?". Tôi bảo: "Nếu anh mà phải thi IQ thì bây giờ chắc không có bọn em ở đây".
Tôi chấm tất cả hơn 900 bài luận văn, hết gần một tuần. Tôi đọc từng dòng, cố gắng tìm được nhiều thông tin nhất về khả năng, và có thể là cả tính cách nữa, của người viết.
Trong khi đó Đình Anh ráo riết thúc đẩy thi công thêm 200 m2 diện tích văn phòng trong khu nhà 75 Trần Hưng Đạo. 120 m2 sẽ dành cho VnExpress. Nói "xây dựng VnExpress từ số không" quả là đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Từ 12/10, tôi và Đình Anh phỏng vấn 90 ứng viên được mời sau vòng thi viết. Ba ngày liền chúng tôi hầu như ngồi lỳ trong phòng phỏng vấn từ sáng đến chiều...
Hơn 20 người được tuyển dụng tập trung lần đầu tiên vào ngày 30/10. Tại phòng họp tầng 2 ở 89 Láng Hạ, tôi mời họ ngồi thành vòng tròn. Mỗi người lần lượt giới thiệu về mình - quá trình học tập, công tác trước đây, năng lực sở trường... Nhờ đó họ nhanh chóng trở nên thân thiện, gần gũi nhau. Phần lớn là những người vừa tốt nghiệp đại học, rất trẻ, chưa làm báo bao giờ. Đó là những người thông minh nhất mà tôi có thể có được vào thời điểm đó.
Tôi cũng đứng lên tự giới thiệu, nói về kế hoạch xây dựng VnExpress. "Tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các nhà báo. Đến ngày nào đó, những gì các bạn viết ra sẽ có hàng nghìn người đọc. Rồi nhiều hơn thế, và có thể ở nhiều nước trên khắp thế giới. Đến ngày nào đó, trên các màn hình máy tính ở mọi nơi sẽ thường xuyên hiện lên cái tên VnExpress...". Tôi nhìn vào mắt họ, và nghĩ, có lẽ họ tin tôi.
Tiếp đó là hai tuần đào tạo nghiệp vụ báo chí.
Diện tích xây thêm ở 75 Trần Hưng Đạo đang định hình từng ngày.
Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam.
Trước hết, đó là cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó. Trước đó, khi nói đến báo chí, nhất thiết người ta phải nói đến tính định kỳ của nó: "Báo của anh là ra hàng tháng, hay bán nguyệt san, hay tuần báo, hay ra hàng ngày?...". Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học QG Hà Nội viết: "Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản như thông tin, định hướng dư luận, giải trí..., và được phát hành định kỳ". Thậm chí các báo điện tử tồn tại trước đó cũng lên mạng theo "số báo". Ví dụ, người ta còn viết: "báo Nhân Dân Điện tử số ra ngày..."(!). Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin.
Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là "bài báo mở" - tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đã có các hình thức bài "Tường thuật trực tiếp" và "Phỏng vấn trực tuyến".
Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết "bài toán trang nhất". Ngay từ ngày báo in ra đời đến nay, các biên tập viên luôn luôn đương đầu với mâu thuẫn là: làm sao đưa được hết những cái hay nhất của số báo ra trang nhất để mời chào độc giả. Tờ báo càng hay thì càng không thể đưa được hết nội dung ra ngoài. Nhiều tờ báo hiện nay tìm mọi cách cắt xén các bài gần như chỉ còn lại headlines để đưa ra manh mún trên trang nhất. Với báo trực tuyến, trang nhất còn tệ hại hơn, nhỏ hơn: chỉ còn bằng màn hình. Nhiều websites đã cố đưa ra trang home hàng chục, thậm chí cả trăm tít bài, nhưng vẫn không hấp dẫn được độc giả.
Chúng tôi chọn nguyên tắc "Nắm cỏ thơm cho con lừa". Nghĩa là chỉ bằng một nắm cỏ nhỏ bé, nhưng thơm ngon nhất, để dụ con lừa vào kho cỏ mênh mông, trù phú bên trong. Hình tượng "con lừa" ở đây hoàn toàn không có ý coi thường độc giả, mà chỉ là thuật ngữ nói lên tính thụ động của người đọc: họ không có nhiệm vụ phải đọc báo của bạn, họ thụ động và lười đọc báo của bạn vì còn có nhiều thứ hấp dẫn khác.
Do đó mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là "lead". Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Tất cả phụ thuộc vào trình độ của biên tập viên.
Tiếp nữa, font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này.
Ngày 22/11, chúng tôi tiếp quản Newsroom của mình - cả tầng ba vừa xây xong ở 75 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày thực tập làm tin, nhưng không đăng đi đâu - chờ chương trình. Mấy tháng liền Đình Anh ngồi một mình viết chương trình. Ngày nào cũng đến 7-8 giờ tối. Có lần đổ ốm, sốt cao mấy ngày.
Ngày 4/12, chúng tôi bắt đầu tập làm tin bằng phần mềm chạy thử mới viết xong. Thỉnh thoảng lại "chết". Có người bối rối: "Tốc độ chạy thử thế này, đến Noel lên mạng được là may". Quả thật - đã không may, đến tận ra Tết, 15/2/2001 VnExpress Editor mới được hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử.
Ra mắt
Cuối cùng, ngày 26/2, mặc dù còn khiếm khuyết, chúng tôi quyết định "phóng" VnExpress lên Internet.
Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo trên báo chí, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua e-mail cho các khách hàng của FPT Internet. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress. Chúng tôi bắt đầu theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu hits. Liệu những nắm cỏ thơm của chúng tôi có mời chào được ai không? Liệu người ta có hiểu ý chúng tôi để click vào xem tiếp những trang trong? Liệu những tính toán của chúng tôi có đúng không? Hay mọi công sức đều đổ đi hết?... Một trăm, rồi hai trăm máy tính truy cập trong một ngày... Tôi ngồi trước máy tính của mình, muốn nói: "Hãy vào xem đi các vị. Sẽ có nhiều thông tin hữu ích đấy. Hãy xem đi, các vị sẽ hiểu chúng tôi và yêu mến chúng tôi".
Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Các biên tập viên trẻ của tôi ngỡ ngàng vui mừng. Tin họ vừa biên dịch xong có những 1.000 người đọc. Một tuần sau, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi... Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả... Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến VnExpress là nhờ bạn bè giới thiệu.
Đó là những ngày đầu tiên trên con đường tiến tới được xã hội chấp nhận, rồi đến chính quyền phải xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, rồi mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý. Qua những ngày đó mới hiểu, tại sao ngày 25/11/2002, khi cầm trên tay tờ giấy màu vàng giản đơn ghi dòng chữ "Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP - BVHTT", Đình Anh đã nói: "Tôi thực sự xúc động".
Sau đó, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm 2002 "do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam".
Những người viết sử thường nhấn mạnh những gian truân lúc sơ khai để đề cao sự việc. Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay. (Trong trang sử ký này tôi không nêu nhiều tên người, vì như vậy sẽ rất nhiều: để làm tờ báo, cần có một tập thể lớn).
Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.
Thú vị nhất là ở cái cách làm rất Việt Nam (làm sao dùng cho tốt các tài nguyên miễn phí là... các báo giấy :D), nhưng cũng rất sáng tạo và cũng là một case study khá hay về con đường báo chí và kinh doanh dịch vụ nội dung trực tuyến ở VN. Vậy thế nên quyết định post lại toàn bộ nội dung tại đây theo một cách... miễn phí nhất để hầu quý bạn đọc tham khảo chơi :D
Tác giả: Thang Đức Thắng, Tổng biên tập báo điện tử VnExpress.net
Ý tưởng
Vào một ngày tháng 3 năm 2000, tôi đến dự cuộc họp báo do FPT tổ chức tại 89 Láng Hạ với tư cách phóng viên báo Lao Động. Ngồi cạnh tôi, tình cờ, là Trương Đình Anh, Giám đốc FOX. Chúng tôi quen biết nhau từ cuối năm 1995, khi tôi đến làm cộng tác viên cho FPT. Rồi tôi, đại diện cho báo Lao Động, là một trong những khách thuê bao đầu tiên của FOX, sau đó đưa nội dung hàng ngày của Lao Động sang mạng TTVN.
Trong lúc họp, Đình Anh nói nhỏ:
- Anh xem có thể tìm giúp em một nhà báo chuyên nghiệp có thể về làm nội dung Internet cho FOX?
- Làm cái website của công ty thì cần gì nhà báo chuyên nghiệp? - tôi hỏi lại.
- Không phải website công ty, mà là một portal của Việt Nam.
- Anh sẽ tìm người nào đó xứng đáng trong số đàn em. Nhưng cho biết sơ qua, Đình Anh cần một người như thế nào?
- Cần một người, tốt nhất là... như anh!
Tôi nhìn Đình Anh và thấy anh ta nói hoàn toàn nghiêm túc.
Từ lâu tôi đã có mong muốn làm một tờ báo thực sự có ích cho mọi người. Từ khi làm quen với Internet (năm 1998), tôi nhận ra rằng đây sẽ là mảnh đất chưa khai phá cho báo chí. Mình có thể là người đầu tiên làm điều đó? Nhưng tôi hoàn toàn đơn độc. Những người nghe nói về ý định của tôi đều cười, cho rằng, qua rất nhiều năm nữa người Việt Nam vẫn thích mua một tờ báo in giá 1-2 nghìn đồng đọc "vừa tiện vừa rẻ", hơn là nhìn vào màn hình tù mù, chạy ậm ạch, phải trả vừa cước điện thoại, vừa cước Internet. Hồi đó, vào đầu năm 2000, cả Việt Nam có chưa đến 50.000 thuê bao Internet. Báo chí thường xuyên kêu la về tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, bao giờ mới tăng được số người dùng Internet.
Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau. Đình Anh hay hỏi về công việc làm báo trong toà soạn và tỏ ra hứng thú khi nghe tôi nói.
Lịch sử báo chí cho thấy, những mốc phát triển quan trọng của nó gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400-1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio đã dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh những năm 1920. Ứng dụng truyền hình đã tạo ra các "báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940. Và Internet sẽ phải là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam.
"Anh muốn làm cho một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo!", tôi nói. Và có lẽ Đình Anh là người duy nhất ngày ấy đã đồng tình với tôi. "Nhưng không thể với Laodong.com" - Đình Anh nói - "Chỉ với cơ chế như ở FPT, anh mới làm được điều đó..."
Tôi xin cơ quan cho chuyển công tác. Mọi người ở báo Lao Động rất ngạc nhiên. Khi đó tôi là Trưởng ban Thời sự kiêm Trưởng ban Báo Điện tử. Ông Tổng biên tập đề nghị tôi suy nghĩ lại. Cuối cùng, ông đành đồng ý, nhưng với yêu cầu tôi thực hiện nốt phần việc của báo trong công tác tổ chức cuộc thi phần mềm "Trí tuệ Việt Nam", đến tháng 9 mới xong.
Từ tháng 7 năm 2000, tôi và Đình Anh bắt đầu bàn bạc, nghiên cứu tình hình, lập dự án xây dựng báo trực tuyến. Nó phải có nhiều độc giả, phải tự cân đối tài chính, hay nói cách khác nó phải làm ra tiền bạc. Hai nguồn thu phải là quảng cáo và thời lượng của khách hàng thuê bao vào mạng gia tăng.
Đầu tháng 8/2000, chúng tôi đăng quảng cáo tuyển dụng biên tập viên, phóng viên để “xây dựng một tờ báo trực tuyến lớn nhất VN”. Sau đó mới nghĩ tên cho nó: phải là một cái tên có nghĩa liên quan đến báo chí, liên tưởng đến sự tầm cỡ, tính tích cực. Vài tên đầu tiên chọn đăng ký domain đều đã bị sử dụng. Cuối cùng, đến "VnExpress.net" thì được. Nó cũng hợp với những yêu cầu đặt ra.
Kế hoạch kinh doanh
Từ những phân tích của mỗi người, chúng tôi chuẩn bị làm kế hoạch kinh doanh. Ngày 20/9/2000, chúng tôi bảo vệ kế hoạch đó trước ban TGĐ. Trong bài trình bày, điểm mấu chốt nhất là sẽ thu tiền về bằng cách nào? Dễ thấy rằng đó phải là quảng cáo. Nhưng lấy gì làm căn cứ để xác định doanh số (quảng cáo trên mạng còn là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ)?
Tôi thầm khâm phục Đình Anh đã đưa được ra con số cụ thể dựa vào căn cứ sau: Lấy giá quảng cáo trung bình trên một số tờ báo in thông dụng trong nước chia cho diện tích trang báo quảng cáo để ra giá quảng cáo trung bình của một centimét vuông trên báo chí Việt Nam. Từ đó nhân lên diện tích tương ứng của banner và logo để tính ra giá quảng cáo của chúng trên trang báo trực tuyến. Rồi nhân tiếp với số folders (sẽ có) của VnExpress để ra doanh thu dự tính sau 18 tháng. Cộng tiếp với số cước thời gian truy cập gia tăng của khách thuê bao FPT vào xem VnExpress trong tương lai, với tốc độ tăng ước tính là 10% mỗi tháng. Tất cả được trình bày chi tiết theo từng tháng, con số cuối cùng thật ấn tượng và thuyết phục. Phó TGĐ Lê Quang Tiến nói: "Rất được!".
Khi biết nội dung tin trong nước của VnExpress thời kỳ đầu sẽ là biên tập từ các báo đài, anh Trương Gia Bình hỏi:
- Cái gì sẽ là khác biệt của các vị?
- Đó là tốc độ cập nhật và phong cách đưa tin. - Tôi đáp, và thấy ngay trong mắt ban TGĐ một sự nghi ngờ. Biên tập lại từ báo in thì làm sao có "tốc độ cập nhật" được? Còn "phong cách đưa tin" thì thật mơ hồ.
Tôi giải trình, nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả, nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất, thì nó không những nhanh tương đương thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ. Đó chính là tốc độ cập nhật.
Hơn nữa chúng tôi không có lựa chọn khác. Nếu ngay từ đầu thành lập một toà soạn báo với các phóng viên lành nghề, hoạt động săn tin trên cả nước, sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ. Mà rất lãng phí. Vì những ngày đầu đã có độc giả đâu. Báo chí trực tuyến là con số không. VnExpress hoàn toàn là số không. Chẳng khác nào xây ngay một nhà máy điện vĩ đại, rồi chờ dân số phát triển. Cũng chưa có cơ sở pháp lý nào cho VnExpress hoạt động phóng viên: ở Việt Nam chưa có tiền lệ cấp phép hoạt động báo chí cho một công ty, và chưa biết đến bao giờ mới có, các quan chức kiên quyết lắc đầu.
Chúng tôi thấy, con đường để một ngày nào đó VnExpress có diễm phúc được cấp phép là: trước tiên phải làm sao được xã hội dần dần thừa nhận, coi như một chủ thể báo chí đã tồn tại, không thể phớt lờ. Do đó, mục tiêu là làm sao có độc giả. Mà phải bằng cách ít tốn kém nhất. Vậy tại sao không lấy những tờ báo đã phát hành - một nguồn nguyên liệu sẵn có - chế biến nó thành tin tức hữu ích? Chiến lược ban đầu của chúng tôi là: lấy nguồn tài nguyên miễn phí - chế biến thành hàng hoá!
Chế biến bằng hai nguyên tắc: lựa chọn tin tức theo giá trị của nó, và đưa tin một cách khách quan. Điều đó có nghĩa là tin phải được độc giả chờ đón, khi đưa thì chỉ có sự kiện, không có ý kiến áp đặt của phóng viên. Độc giả sẽ tự phán xét sự việc được nêu là tốt hay xấu, ai đúng ai sai. Vì vậy trong các tin bài sẽ không có những câu kiểu như: "Thiết nghĩ phải...", "Các cơ quan hữu quan cần...", "Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ...", "Dư luận căm phẫn trước việc làm sai trái như vậy...", "Công chúng cảm thấy bị xúc phạm bởi...", "Hỡi những người có lương tri..." v.v…
Khi độc giả đọc tờ báo không có sự áp đặt, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy thoải mái tự do trong tiếp nhận thông tin. Sự tự do đó sẽ gây "nghiện" . Và chúng tôi sẽ có độc giả thường xuyên, trung thành.
Hai nguyên tắc trên chính là "phong cách đưa tin" của chúng tôi. Trên thế giới, nó không có gì mới lạ. Nhưng ở Việt Nam, có thể nói là chưa có tờ báo nào làm thế. Họ không lựa chọn tin chỉ theo giá trị của chúng vì, chủ quan hoặc khách quan, họ thường rơi vào hai cám dỗ sau đây. Một là, đưa những tin chỉ có lợi cho số ít những người lãnh đạo toà soạn (thường là lợi về vật chất). Hai là, đưa những tin tuyên truyền làm vừa lòng các cấp chủ quản (cũng là lợi cho lãnh đạo toà soạn, về chính trị), nhưng không có giá trị cho độc giả.
Ban TGĐ, cuối cùng, đã tin vào chúng tôi. Kế hoạch kinh doanh được thông qua.
Cũng tối hôm đó, 20/9/2000, diễn ra lễ bế mạc trao giải thưởng cuộc thi phần mềm Trí tuệ Việt Nam lần thứ nhất. Tôi có mặt để tham gia nhiệm vụ tổ chức và viết bài phóng sự về buổi lễ đầy cảm xúc ấy. Đó là bài phóng sự cuối cùng của tôi cho báo Lao Động.
Xây dựng
Hồ sơ xin dự tuyển biên tập viên gửi đến chất đầy phòng làm việc của Đình Anh, hơn 900 người. Tôi lần lượt đọc kỹ từng tập, chọn ra 240 người để gọi thi viết, chia thành ba buổi vào các ngày 3-4/10. Tôi nghĩ, cách làm báo sẽ khác nhiều so với các báo trong nước, do đó không nhất thiết phải tuyển những người có kinh nghiệm phóng viên. Cần những người thông minh - để tiếp thu mọi việc nhanh chóng và có nhiều ý tưởng; cần tiếng Anh - ngoài những ích lợi thông thường, những người có ngoại ngữ còn có văn phạm chuẩn hơn; và cần văn phong tiếng Việt tốt.
Do đó tôi rất mừng khi thấy quy trình thi tuyển của FPT cũng đúng như thế: IQ, GMAT, English, còn thi chuyên môn - là bài luận bằng tiếng Việt. Sau này, qua những lần tuyển dụng tiếp theo, tôi thấy những người điểm cao nhất thường chính là những những nhân viên có năng lực nhất. Vì thế tôi rất tín nhiệm quy trình thi của công ty và chân thành biết ơn các cán bộ của Phòng nhân sự đã giúp tôi tiến hành tất cả các cuộc thi và chấm thi.
Có hôm, trong phòng thi viết, tôi cầm một đề IQ thử giải, thấy nhiều câu chẳng biết làm thế nào. Nghĩ thầm, "thằng nào ra đề vớ vẩn thật". Sau này, có lần một em phóng viên VnExpress thật thà hỏi tôi: "Hồi anh vào FPT có phải thi IQ không ạ?". Tôi bảo: "Nếu anh mà phải thi IQ thì bây giờ chắc không có bọn em ở đây".
Tôi chấm tất cả hơn 900 bài luận văn, hết gần một tuần. Tôi đọc từng dòng, cố gắng tìm được nhiều thông tin nhất về khả năng, và có thể là cả tính cách nữa, của người viết.
Trong khi đó Đình Anh ráo riết thúc đẩy thi công thêm 200 m2 diện tích văn phòng trong khu nhà 75 Trần Hưng Đạo. 120 m2 sẽ dành cho VnExpress. Nói "xây dựng VnExpress từ số không" quả là đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Từ 12/10, tôi và Đình Anh phỏng vấn 90 ứng viên được mời sau vòng thi viết. Ba ngày liền chúng tôi hầu như ngồi lỳ trong phòng phỏng vấn từ sáng đến chiều...
Hơn 20 người được tuyển dụng tập trung lần đầu tiên vào ngày 30/10. Tại phòng họp tầng 2 ở 89 Láng Hạ, tôi mời họ ngồi thành vòng tròn. Mỗi người lần lượt giới thiệu về mình - quá trình học tập, công tác trước đây, năng lực sở trường... Nhờ đó họ nhanh chóng trở nên thân thiện, gần gũi nhau. Phần lớn là những người vừa tốt nghiệp đại học, rất trẻ, chưa làm báo bao giờ. Đó là những người thông minh nhất mà tôi có thể có được vào thời điểm đó.
Tôi cũng đứng lên tự giới thiệu, nói về kế hoạch xây dựng VnExpress. "Tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các nhà báo. Đến ngày nào đó, những gì các bạn viết ra sẽ có hàng nghìn người đọc. Rồi nhiều hơn thế, và có thể ở nhiều nước trên khắp thế giới. Đến ngày nào đó, trên các màn hình máy tính ở mọi nơi sẽ thường xuyên hiện lên cái tên VnExpress...". Tôi nhìn vào mắt họ, và nghĩ, có lẽ họ tin tôi.
Tiếp đó là hai tuần đào tạo nghiệp vụ báo chí.
Diện tích xây thêm ở 75 Trần Hưng Đạo đang định hình từng ngày.
Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam.
Trước hết, đó là cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó. Trước đó, khi nói đến báo chí, nhất thiết người ta phải nói đến tính định kỳ của nó: "Báo của anh là ra hàng tháng, hay bán nguyệt san, hay tuần báo, hay ra hàng ngày?...". Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học QG Hà Nội viết: "Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản như thông tin, định hướng dư luận, giải trí..., và được phát hành định kỳ". Thậm chí các báo điện tử tồn tại trước đó cũng lên mạng theo "số báo". Ví dụ, người ta còn viết: "báo Nhân Dân Điện tử số ra ngày..."(!). Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin.
Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là "bài báo mở" - tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đã có các hình thức bài "Tường thuật trực tiếp" và "Phỏng vấn trực tuyến".
Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết "bài toán trang nhất". Ngay từ ngày báo in ra đời đến nay, các biên tập viên luôn luôn đương đầu với mâu thuẫn là: làm sao đưa được hết những cái hay nhất của số báo ra trang nhất để mời chào độc giả. Tờ báo càng hay thì càng không thể đưa được hết nội dung ra ngoài. Nhiều tờ báo hiện nay tìm mọi cách cắt xén các bài gần như chỉ còn lại headlines để đưa ra manh mún trên trang nhất. Với báo trực tuyến, trang nhất còn tệ hại hơn, nhỏ hơn: chỉ còn bằng màn hình. Nhiều websites đã cố đưa ra trang home hàng chục, thậm chí cả trăm tít bài, nhưng vẫn không hấp dẫn được độc giả.
Chúng tôi chọn nguyên tắc "Nắm cỏ thơm cho con lừa". Nghĩa là chỉ bằng một nắm cỏ nhỏ bé, nhưng thơm ngon nhất, để dụ con lừa vào kho cỏ mênh mông, trù phú bên trong. Hình tượng "con lừa" ở đây hoàn toàn không có ý coi thường độc giả, mà chỉ là thuật ngữ nói lên tính thụ động của người đọc: họ không có nhiệm vụ phải đọc báo của bạn, họ thụ động và lười đọc báo của bạn vì còn có nhiều thứ hấp dẫn khác.
Do đó mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là "lead". Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Tất cả phụ thuộc vào trình độ của biên tập viên.
Tiếp nữa, font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này.
Ngày 22/11, chúng tôi tiếp quản Newsroom của mình - cả tầng ba vừa xây xong ở 75 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày thực tập làm tin, nhưng không đăng đi đâu - chờ chương trình. Mấy tháng liền Đình Anh ngồi một mình viết chương trình. Ngày nào cũng đến 7-8 giờ tối. Có lần đổ ốm, sốt cao mấy ngày.
Ngày 4/12, chúng tôi bắt đầu tập làm tin bằng phần mềm chạy thử mới viết xong. Thỉnh thoảng lại "chết". Có người bối rối: "Tốc độ chạy thử thế này, đến Noel lên mạng được là may". Quả thật - đã không may, đến tận ra Tết, 15/2/2001 VnExpress Editor mới được hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử.
Ra mắt
Cuối cùng, ngày 26/2, mặc dù còn khiếm khuyết, chúng tôi quyết định "phóng" VnExpress lên Internet.
Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo trên báo chí, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua e-mail cho các khách hàng của FPT Internet. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress. Chúng tôi bắt đầu theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu hits. Liệu những nắm cỏ thơm của chúng tôi có mời chào được ai không? Liệu người ta có hiểu ý chúng tôi để click vào xem tiếp những trang trong? Liệu những tính toán của chúng tôi có đúng không? Hay mọi công sức đều đổ đi hết?... Một trăm, rồi hai trăm máy tính truy cập trong một ngày... Tôi ngồi trước máy tính của mình, muốn nói: "Hãy vào xem đi các vị. Sẽ có nhiều thông tin hữu ích đấy. Hãy xem đi, các vị sẽ hiểu chúng tôi và yêu mến chúng tôi".
Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Các biên tập viên trẻ của tôi ngỡ ngàng vui mừng. Tin họ vừa biên dịch xong có những 1.000 người đọc. Một tuần sau, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi... Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả... Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến VnExpress là nhờ bạn bè giới thiệu.
Đó là những ngày đầu tiên trên con đường tiến tới được xã hội chấp nhận, rồi đến chính quyền phải xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, rồi mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý. Qua những ngày đó mới hiểu, tại sao ngày 25/11/2002, khi cầm trên tay tờ giấy màu vàng giản đơn ghi dòng chữ "Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP - BVHTT", Đình Anh đã nói: "Tôi thực sự xúc động".
Sau đó, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm 2002 "do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam".
Những người viết sử thường nhấn mạnh những gian truân lúc sơ khai để đề cao sự việc. Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay. (Trong trang sử ký này tôi không nêu nhiều tên người, vì như vậy sẽ rất nhiều: để làm tờ báo, cần có một tập thể lớn).
Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.
Bình luận