9:27 CH @ Thứ Tư, 30 tháng 11, 2005

Hành trình về Phương Đông

Vào khoảng năm 1995, tôi được một người bạn chuyển cho một bản photo với cái bìa nhàu nát có dòng chứ "Hành trình về Phương Đông" ở phía trên cùng với một lời nhắn "đây là sách cấm" 😋

Tò mò đọc thử thì thấy rất cuốn hút và càng đọc thì càng thấy thú vị. Khi đó cũng không rõ tác giả là ai, chỉ biết đó là một nhóm các nhà khoa học của Anh Quốc (và tất nhiên cũng không biết dịch giả là ai cả - sau mới biết là Nguyên Phong). Đọc xong thì trả, và từ đó cũng không thấy nữa.

Sau đó muốn đọc lại, có ra hiệu sách hỏi (hình như là ở Hiệu sách Tràng Tiền thì phải), thì được cô bán sách ở đó giáo huấn đây là "sách cấm" và không được phép ban hành. Lúc đó cũng thấy lạ, ông bạn nhắc, rồi cô bán sách "dạy dỗ" nhưng tôi chẳng hiểu tại sao lại bị cấm (lúc đó thôi, bây giờ thì không thấy nói là bị cấm). Cho dù nội dung có nhiều chỗ không thể (hoặc chưa thể) chứng minh, nhưng nó đem đến nhiều điều thú vị, và một trong những điều thú vị đó là sự tranh cãi rằng nó có phù hợp với xã hội Việt Nam hay không, hay nó là cấm hay không?

Rồi đến năm 1997, Internet vào Việt Nam và tất cả chúng ta có nhiều cơ hội để đọc, khai thác thông tin và trao đổi nhiều hơn. Lẽ tất nhiên, một cuốn sách thú vị thế này thì kiểu gì cũng sẽ xuất hiện trên Internet.

Tôi cũng đã đọc lại (đọc lướt thôi) từ kha khá lâu rồi, nhưng ngày hôm nay quyết định post lại tại đây để khi nào rảnh rang hơn đọc lại, để ngẫm nghĩ (và cũng có thể lấy làm chủ đề để trao đổi - cãi cọ vậy 😜😆😊).



Tác phẩm "Life and Teaching of the Masters of the Far East" (1935), hồi ký của Dr. Blair T. Spalding (1857 – 1953) Một phần của hồi ký đã được Nguyên Phong chuyển ngữ với tựa đề “Hành Trình Về Phương Đông”.

Nguyên tác có tất cả sáu quyển ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn độ, Tây Tạng, Trung hoa và Ba Tư. Ba quyển đầu ghi lại những cuộc thám hiểm của phái đoàn từ Anh sang Ấn, sự gặp gỡ giữa phái đoàn và những vị thầy tâm linh sống ở Á châu, và ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ba quyển sau là những ghi nhận riêng của giáo sư Spalding về các cuộc hành trình. Sự trao đổi kiến thức giữa phái đoàn và các vị thầy tâm linh, với bản tường trình của phái đoàn đã đưa đến những cuộc tranh luận sôi nổi. Cuối cùng thì ba người trong phái đoàn đã trở lại Ấn Độ sống đời ẩn sĩ. Hồi ký của giáo sư Spalding là một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều dự kiện được phái đoàn ghi nhận đầy đủ một cách khoa học, và cho đến nay vẫn còn nhiều đọc giả hâm mộ, nhiệt liệt tán thưởng các quyển hồi ký này.


MỤC LỤC:



Đôi dòng về Nguyên Phong:


Nguyên Phong - John Vu (Vũ Văn Du)

Tác phẩm phóng tác “Hành trình về phương Đông” của tác giả Nguyên Phong quá xuất sắc và khác biệt so với bất kỳ bản gốc nào, nên vào năm 2009 NXB BookSurge Publishing tại New York cùng hai dịch giả Poven Leace và Biện Giang đã liên hệ xin phép Nguyên Phong để dịch ngược sang tiếng Anh với tựa “Journey to the East” với tên Nguyên Phong ở ngoài bìa ở vị trí như một tác giả.

Vậy Nguyên Phong là ai mà độc giả hâm mộ đến như vậy? Ông là John Vu (tên Việt là Vũ Văn Du), giáo sư ngành công nghệ sinh học (Biotechnology) & kỹ nghệ phần mềm (Software Engineering) ở Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ.

Các tác phẩm do ông dịch đã được First News xuất bản ở Việt Nam gồm: “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Bên rặng Tuyết Sơn”, “Hoa trôi trên sóng nước”, “Minh triết trong đời sống”, “Đường mây qua xứ tuyết”…



Liên kết: Blog của GS. John Vu - Facebook của GS. John Vu (tuy nhiên đã dừng hoạt động do xuất hiện một số cá nhân mạo nhận sử dụng hình ảnh của GS để lừa đảo)
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi