1:51 SA @ Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2005

“Sếp IT” của Tập đoàn Unilever VN

Một bài thuộc series Những người “làm thuê số 1” - Nguồn: Tuổi Trẻ Online


Vào đời bằng câu nói của ông bố: “Gia sản của tôi để lại cho anh chỉ có cái tủ lạnh nát đấy, làm thế nào thì làm. Anh chỉ có duy nhất một cơ hội: học giỏi và làm giỏi hơn những người xung quanh, nếu không ra đời chỉ có đi ăn mày!”.

Nguyễn Anh Nguyên nuôi chí lớn từ những công việc nhỏ nhặt và sau đó tự học mà trở thành người đầu tiên lập ra hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cho Tập đoàn Unilever ở VN. Hiện “thương hiệu” Anh Nguyên được thị trường nhân lực các tập đoàn đa quốc gia tại VN săn đón với mức thu nhập hơn tỉ bạc mỗi năm.

Khởi nghiệp…

Thập niên 1980, cả nước cùng khó, nhà nhà cùng khổ, chẳng riêng gì ai. Nguyễn Anh Nguyên thời ấy đã làm tất cả những nghề gì có trên đời, chỉ có đạp xích lô là chịu chết vì sức khỏe không đủ tốt. Ngay trong nhà bếp và sân vườn của mình, anh nuôi heo, thỏ, chim cút, cá trê phi, nuôi cả… giun đất, rồi gà, vịt, bồ câu... Có lúc anh xoay qua làm lồng đèn trung thu và hoa tulip bằng phim hỏng của xưởng phim thành phố, làm yaourt bỏ mối, quậy xà phòng, làm đầu lọc thuốc lá, đạp gạo nấu men rượu...

Anh nhắc lại những câu chuyện nhọc nhằn một cách thanh thản: “Thấy con đam mê học mà nhà nghèo quá, cha tôi phải nhờ cậy người quen xin cho tôi được vào học lớp tin học ở Viện Khoa học công nghiệp. Cái thời học Lotus 1, 2, 3, màn hình xanh lè xanh lét. Ông thầy dạy bằng tiếng Pháp, mà tôi thì nửa chữ Pháp bẻ đôi cũng không biết nên chỉ học mò, vậy mà mê máy tính hồi nào không hay. Ông thầy bảo tôi thông minh và cho làm trợ giảng của lớp học, đó là cơ hội lớn để tôi đi theo con đường IT (CNTT). Rồi vào đại học cuộc sống khốn khó cứ bám chặt, nhưng tôi thà chịu đói chứ không chịu dốt. Tôi có thể nhịn ăn cả ngày, dành dụm tiền đi thuê máy tính ở Câu lạc bộ Maika để mò mẫm, khám phá…”.

Nguyên chính là người đầu tiên viết ra bộ font chữ tiếng Việt bằng lập trình Pascal chạy trên các ứng dụng đồ họa. Lẽ ra sáng kiến này có thể bán được tiền tỉ nhưng anh lại mang tặng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để các sinh viên làm đồ án tốt nghiệp…

Bước ngoặt đầu tiên trong đời sau khi tốt nghiệp với vị trí thủ khoa khoa điện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1992 là được điều động làm giảng viên cho Trung tâm Điện toán của Ủy ban Kế hoạch nhà nước…

“Tôi còn nhớ những năm 1991-1992 cùng mấy anh bạn mê tin học thường ngồi mơ ước với nhau là có chung một chiếc xe gắn máy đời 79, một cái máy tính màn hình EGA và thuê được căn phòng riêng 12m2 để… mở nhóm lập trình kiếm tiền sống. Giấc mơ đó ngày ấy xa vô cùng, đến cái xe đạp để đi cho ra trò còn chưa có huống hồ gì, nhiều người đã bỏ cuộc vì sự nghiệt ngã của đường mưu sinh, nghèo đến tận cùng như vậy.

Nhưng nhóm chúng tôi thì khát vọng to lắm, có lúc cùng ngồi viết một phần mềm và tự tính với nhau nếu bán được chắc hẳn sẽ có tiền tỉ. Mà nhiều tập đoàn của Mỹ đã liên hệ, tìm hiểu thật và đòi mua thật, nhưng vì nhiều lý do kế hoạch này không thành, ước mơ lớn chưa tới thì phải xoay cái ăn cái mặc hằng ngày trước đã. Tôi đi phụ bán máy vi tính cho bạn bè...”.

Chuyện Anh Nguyên về làm “sếp” cho Tập đoàn Unilever tại VN là một cái gì đó mang tính cơ duyên. Thuở ấy, Unilever sang VN chỉ có hai người: tổng giám đốc và người trợ lý. Nguyên nhớ mãi cái ngày đó - một ngày tháng 6-1994, ngài tổng giám đốc đang “vi hành” xem các thiết bị máy tính cho văn phòng thì gặp Nguyên.

Người giúp việc cho cửa hàng không chỉ bán, ra giá, trả giá như nhiều người khác mà anh còn ra sức giảng mọi thứ về máy tính cho khách hàng. Cho đến giờ Nguyên cũng không nhớ mình đã nói những gì mà ông tổng giám đốc Unilever cứ im lặng nghe, rồi gật gù và cuối cùng thì một lời đề nghị vô cùng lịch sự được đưa ra: “Anh có thể về làm gia sư về máy tính cho tôi và người trợ lý không?”.

Chỉ vài tháng sau ngày nhận chức “gia sư”, một chức vụ mới được Unilever VN cho ra đời: trưởng bộ phận CNTT. Bộ phận này lúc bấy giờ chỉ có mình Nguyên vừa làm sếp vừa làm lính, nhưng đó là nền tảng cho tương lai sau này: chuẩn bị hệ thống máy tính cho sự phát triển của tập đoàn tại VN và các liên doanh. Anh được “quẳng” đi nhiều nơi để học tập: Thái Lan, Singapore…

“Một sự choáng ngợp trước những tiện nghi hiện đại mà tôi chưa bao giờ thấy kể từ ngày theo đuổi CNTT. Nhưng chính sự choáng ngợp đó đã làm tôi tự tin hơn khi tự nhủ “mình và các đồng sự VN có thể làm chủ được tất cả!” - Nguyên kể.

“Không có người yếu kém, chỉ có hoàn cảnh tồi!”

“Nếu ai nghĩ rằng làm sếp CNTT cho một tập đoàn lớn là suốt ngày loay hoay trong căn phòng “ướp lạnh” và rị mọ phát triển phần mềm tin học là sai hoàn toàn!” - Nguyên nói về công việc của mình ở Unilever. Thật ra công việc quản lý công nghệ máy tính, bao gồm máy tính để bàn, máy chủ, in ấn, ứng dụng văn phòng, email, truyền dẫn... cho gần 1.000 nhân viên, chuyên gia trên khắp bảy chi nhánh công ty toàn VN chỉ chiếm 10% thời gian của anh.

Thời gian lớn hơn, Nguyên cùng các chuyên viên phân tích tìm hiểu các cơ hội phát triển những ứng dụng trên ra thị trường, tập trung phát triển các cơ hội nhằm nâng cao trình độ của ngay cả các đối tác kinh doanh như các nhà phân phối, các công ty bạn hàng, các đối tác trong sản xuất...

“Tôi đã từng đi qua chuỗi ngày phát triển của ngành CNTT VN suốt 14 năm qua, mặc dù chủ yếu thông qua việc tự học. Chỉ cần cảm nhận được những thay đổi hằng ngày về năng lực sử dụng CNTT để tăng tính cạnh tranh và khả năng kinh doanh hiệu quả của công ty, đặc biệt là của hàng trăm nhà phân phối và nhà cung cấp của chúng tôi là đã đủ sướng rồi.

Mỗi khi tôi đi thăm các đối tác, lắng nghe họ diễn tả một cách hào hứng về niềm hạnh phúc của mình khi có trong tay những công cụ CNTT đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh doanh ngay trước mắt bằng những con số với nhiều dãy số 0 phía sau là tôi cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng”.

Giờ đây, ngồi trước máy tính nối mạng toàn cầu với những dãy số doanh thu của đơn vị cùng hàng chục dãy số 0 phía sau, Nguyên vẫn không thể nào quên cái ngày xưa lụi cụi nuôi từng con “lục súc tranh công” để có thêm một vài đồng bạc cho cả gia đình, cái ngày xưa khao khát được sở hữu một máy vi tính màn hình đen trắng, cái ngày xưa thất bại với những khát vọng lớn để đi ra phố bán máy vi tính…

Có lẽ chính đã từng trải qua cái khắc nghiệt của cuộc sống đói nghèo mà giờ đây với những khắc nghiệt của áp lực thương trường, của sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh, trong sự phát triển như vũ bão của CNTT mà Anh Nguyên luôn có những cách vượt qua một cách nhẹ nhàng, như người ta thường bảo: thư giãn đi, giảm stress đi...

“Mỗi khi cảm thấy áp lực lên tới ngưỡng thì tôi... bỏ về nhà, tắt hết điện thoại, tắm một cái cho khỏe rồi leo lên giường trùm chăn tắc lưỡi: “Sẽ qua ngay thôi mà”, một chút âm nhạc du dương của Kenny G là tôi có thể nhanh chóng chìm trong giấc ngủ. Khi trở mình thức dậy là cảm thấy khỏe ngay, có thể “chiến đấu” tiếp ngay! Không tin à, bạn có thể thử cách giảm stress như tôi đi!”.

“Còn những người trẻ bây giờ như tôi ngày trước à? Tôi thấy họ thông minh và giỏi hơn rất nhiều, có những lợi thế mà ngày xưa chúng tôi thường không có được. Nơi tôi làm có rất nhiều người trẻ với nhiều triển vọng trong tương lai, hơn thua nhau ở chỗ biết vượt qua những “hoàn cảnh cắc cớ”.

Với tôi, trong công việc không có người yếu kém, chỉ có hoàn cảnh là có khi tốt, có khi tồi thôi. Việc của bạn là tìm kiếm được lối ra nào cho thích hợp. Bạn trẻ cũng cần có dũng khí và biết tạm gác lại hai từ “sĩ diện” to tướng sang một bên, vì phía trước mặt vẫn còn nhiều chuyện để bạn lo lắng và vượt qua…”
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi