2:01 SA @ Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2005

Người của những sự kiện!

Một bài thuộc series Những người “làm thuê số 1” - Nguồn: Tuổi Trẻ Online


Người của những sự kiện! Đó là biệt danh mà mọi người đặt cho Nguyễn Ngọc Thụy. Quả thật những sự kiện, lễ hội, show diễn... thuộc đẳng cấp quốc tế được mọi người biết đến trong thời gian qua ít khi nào thiếu vắng bóng dáng của chàng trai còn quá trẻ này.

Vậy mà một thời gian dài đây là công việc chỉ dành cho những chuyên gia nước ngoài, những công ty quốc tế chuyên tổ chức sự kiện lớn với mức lương 2.000 - 3.000 USD /tháng trở lên...

Cơn mưa và ổ bánh mì

“Đó là một ngày mưa tầm tã. Tôi cùng ba người mẫu trong Câu lạc bộ thời trang Hoa học đường đến mời chị chủ tiệm bánh mì Như Lan mua vé xem ca nhạc ủng hộ trẻ em nghèo. Chị chủ tiệm thấy tội nghiệp quá, không những mua vé mà còn cho bốn ổ bánh mì thịt, đó là ổ bánh mì ngon nhất trên đời mà tôi được ăn, chỉ vì lúc đó... đói quá!…”.

Thụy kể về cái thời tập tễnh làm “nhà quản lý” khi còn là học sinh cấp III, ngô nghê bước vào nghề thời trang như một cuộc dạo chơi đầy lãng mạn và trong sáng. “Năm ấy mình đang học lớp 11, vì là bí thư Đoàn Trường Bùi Thị Xuân nên các anh chị trong Nhà văn hóa Thanh niên phân công phụ trách cuộc thi Hoa học đường - cuộc thi thời trang đầu tiên cấp thành phố dành cho tuổi học trò.

Vui đến quên mệt khi tổ chức, nhưng khi chuẩn bị kết thúc thì thấy tiếc: khó khăn lắm mới qui tụ được chừng đó người đẹp, chẳng lẽ trao giải xong là rã đám ? Sao không thể đứng ra tổ chức họ thành một nhóm - một CLB hẳn hoi?

Thụy nộp đơn xin thành lập Câu lạc bộ Hoa học đường - câu lạc bộ thời trang học sinh đầu tiên chuyên tổ chức những chương trình biểu diễn gây quĩ công tác xã hội cho trẻ em nghèo, gia đình neo đơn... Và từ đó tên của CLB đã trở thành một “thương hiệu” lớn trong làng thời trang VN.

Ba năm sau, khi “thương hiệu” này lên đến đỉnh cao của nghề nghiệp thì Ngọc Thụy lại ra đi: “Rất đơn giản, vẫn yêu thích những show diễn, những sân khấu hoành tráng, nhưng tôi nghĩ hoạt động thời trang của mình cũng chỉ là bán chuyên nghiệp và nặng về tính biểu diễn chứ chưa thật sự là một nhà tổ chức những sự kiện lớn... Tôi đã được đi trên sông rồi, bây giờ cần tìm đường ra biển thôi”.

Cậu sinh viên năm 2 khoa quản trị kinh doanh chuyển sang một công việc mới: làm quản lý cho cửa hàng thời trang. Mỗi ngày làm việc 16 giờ với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng, nhưng Ngọc Thụy thú nhận: “Vẫn chưa hết công suất của tôi. Có người cho rằng tôi bị bệnh - bệnh khát khao được làm việc!” .

Anh chàng thừa năng lượng này vẫn thích can thiệp vào những công việc mang tính khuếch trương thương hiệu: từ việc tiếp xúc với báo chí, sắp xếp lại cách trình bày cửa hàng, tạo ra những giá trị cộng thêm cho khách hàng như cảm giác “sành điệu”, rủ rê bạn bè người mẫu tham gia và đặc biệt là chương trình phối hợp với các thương hiệu lớn của quốc tê, làm những cú đột phá vào thị trường.

Sự kiện dầu gội đầu mang nhãn hiệu O. được tung ra thị trường đã làm xôn xao giới marketing lúc ấy là do chính bàn tay của Thụy. Sau sự kiện này, cậu sinh viên Ngọc Thụy được công ty của nhãn hiệu O. thưởng vài chục triệu. Cầm tiền trên tay lúc đó Ngọc Thụy cứ nghĩ miên man: “Chỉ một ý tưởng tổ chức sự kiện mà người ta trả cao đến như vậy à? Đó là một nghề độc đáo và nghiêm túc!”.

Một công việc rất nghiêm túc. Và với anh chàng bí thư Đoàn thì cả những chuyện “vác tù và hàng tổng” như hiến máu nhân đạo, thăm trẻ em nghèo, giao lưu với thanh niên công nhân…cũng phải thật ấn tượng và độc đáo. Ngọc Thụy bảo: “Sự kiện đôi khi không phải nhiều tiền là độc đáo, mà quan trọng hơn là ý tưởng sáng tạo, phải làm sao cho người ta “cảm” được sự kiện đó”.

Không chỉ làm một mình, Ngọc Thụy còn “móc show” cho các sinh viên có máu phong trào như mình làm thêm ngoài giờ. Ngọc Anh, một sinh viên đồng môn giờ là giám đốc một công ty quảng cáo có tiếng, nhớ lại: “Chẳng hiểu hắn lấy đâu ra nhiều năng lượng như vậy. Làm việc hết mình, chơi hết ga và lúc nào cũng toe toét cười. Nhưng chưa bao giờ bị điểm kém , không biết hắn lấy thời gian đâu mà học nữa…”.

Kể lại câu chuyện này cho Ngọc Thụy, anh lại cười toe: “Đâu có, tôi học nghiêm túc lắm chứ. Thật ra chuyện tiền nong lúc đó không là vấn đề lớn, tôi thích là làm. Có những sự kiện mình tổ chức được trả hàng ngàn đôla, nhưng có những sự kiện công tác xã hội được trả công bằng một... ổ bánh mì mà tôi vẫn làm hoành tráng như nhau. Thậm chí công tác xã hội còn làm xúc động hơn bởi tôi có thể nhìn thấy nhiều, nghe nhiều và học được nhiều điều từ cuộc sống”.

“Có những điều mà tiền không thể mua được !”

Ngồi trong góc khuất của quán cà phê gần cơ quan, tay ăn, tay không ngưng nghe điện thoại, mái tóc nhuộm hi-light xù ra đến xơ xác: “Đang bận quá, nhiều dự án đang chạy, mình cũng phải chạy”. Nhưng anh chàng vẫn cười rạng rỡ và “thuyết giảng” về cái nghề PR của mình: “Đâu phải PR là muốn nói trắng thành đen được đâu! Cho dù là sự kiện mang tính chất quảng bá cho các sản phẩm, nhưng quan trọng là phải trung thực và tạo ra sự thân thiện của sản phẩm đến người tiêu dùng.

Chẳng hạn ai cũng biết Omo là bột giặt, nhưng mình làm sao để nó trở thành người bạn thân thiết của các bà nội trợ, mà các bà thường là tay hòm chìa khóa cho gia đình kia mà!”. Ngọc Thụy vẫn không khác mấy cái thời say mê hoạt động Đoàn, ý tưởng về các sự kiện cứ tuôn trào, mà lắm lúc anh “buộc” các doanh nghiệp, các công ty nước ngoài phải tổ chức những sự kiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm theo hướng xã hội của anh.

Người nước ngoài vốn “lạnh lùng” vậy mà sau những sự kiện giao cho Ngọc Thụy tổ chức lại được người tiêu dùng cảm nhận một cách xúc động thì họ cũng… xúc động theo. Và một trong những sự kiện của anh mang màu sắc, tinh thần, tình cảm VN đã được một tập đoàn của Mỹ trao giấy khen “chương trình xuất sắc nhất của tập đoàn” và mời đến Mỹ nhận giải. Choáng và hạnh phúc, anh chàng lê la khắp nơi ở đất Mỹ để thỏa mãn cái máu phiêu lưu của mình.

Với Ngọc Thụy, sự kiện được người ta chú ý không phải ở mức độ hoành tráng với tiền triệu, tiền tỉ mà quan trọng nhất là cái hồn của sự kiện đó. Một lần Ngọc Thụy muốn thực hiện chương trình bán đấu giá những bức ảnh về nạn nhân da cam của nhiếp ảnh gia Đoàn Đức Minh nhưng chưa biết phải làm sao.

Thụy nhớ lại cái cảm giác không diễn tả được bằng lời của mình khi lần đầu nhìn thấy những sinh linh bé nhỏ không tượng hình người vì chất độc hủy diệt này mà giọng nghẹn lại. Gặp nhiều người bạn trong nghề, người góp ý này ý kia, những “ý tưởng lớn” gặp nhau và cùng nhau kéo đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ và đề xuất thực hiện chương trình “Đêm trắng”.

Đó là một sự kiện xúc động, có tiếng vang lớn, nhiều công ty tìm đến đề nghị trả cho Ngọc Thụy 3.000 USD để làm một “show” ấn tượng tương tự “Đêm trắng”, nhưng anh lắc đầu từ chối, bởi cái hồn không thể bị chi phối bởi đồng tiền! “Hình ảnh hàng ngàn người cùng cầm hạc giấy, cầm nến trong đêm, cùng hát và hướng về một ngày mai tươi sáng hơn cho những đồng loại bất hạnh. Tôi hình dung một mảnh khăn trắng được mọi người chuyền tay nhau như một sự sẻ chia và chung lòng. Đồng tiền nào có thể thay thế cái hồn như thế?” - Ngọc Thụy nói về một cảnh trong chương trình “Đêm trắng”.

Ngọc Thụy bước vào thế giới của nghề PR kiêm tổ chức sự kiện cho tập đoàn JWT một cách nhẹ nhàng, trong khi đó là một vị trí mà nhiều người yêu thích: “Thụy không xem nặng tiền nong, giờ có công ty nào tuyển Thụy làm mà trả lương bằng những chuyến du lịch miễn phí đi khắp thế giới là Thụy làm liền, không phân vân gì cả. Thụy đã đi khắp Đông Nam Á, Nhật, Pháp, Ý, Mỹ, Úc, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhưng thế giới này còn mênh mông quá”.

Đang nói chuyện đi làm, ước mơ được đi khắp năm châu miễn phí, vậy mà ý tưởng lại bất ngờ ập tới: “ À mà sao VN mình đẹp mà công nghiệp du lịch kém thế nhỉ? Nếu có một công ty chuyên về quảng bá du lịch, mình tin rằng mình sẽ làm tốt cho mà xem. Singapore bé xíu, có cái gì đâu mà coi, vậy mà khách du lịch tìm đến ùn ùn và du lịch phát triển mạnh một phần cũng nhờ vào đội ngũ PR rất chuyên nghiệp.

Hồi báo chí lên tiếng vụ du lịch VN không có biểu tượng, tôi đã gọi điện thoại cả tuần ra Hà Nội xin đứng ra tổ chức sự kiện đi tìm biểu tượng cho du lịch VN, nhưng bên du lịch chỉ tới chỉ lui lòng vòng nên tôi nản quá bỏ cuộc luôn…”.

Ngọc Thụy lại ngồi im, trầm ngâm một cách xa xăm. Có lẽ một ý tưởng sáng tạo nào đó đang ùa về trong tâm trí anh chàng làm nghề PR này...



Nguyễn Ngọc Thụy sinh năm 1976 tại TP.HCM, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Thụy từng là hạt nhân phong trào Đoàn của Trường THPT Bùi Thị Xuân, bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế, tham gia chủ nhiệm CLB đội nhóm NVH Thanh niên…

Hiện anh đang làm PR manager của Công ty quảng cáo JWT.
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi