Những điều thú vị về ráy tai
Ráy tai được xem là vệ sĩ của cơ thể con người, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn, côn trùng, giúp tai không bị "sốc" vì các âm thanh quá lớn và thậm chí được dùng làm thuốc chữa bệnh. Ráy tai còn có thể tiết lộ việc chủ nhân của nó có bị... hôi nách hay không.
Ráy tai thường bị buộc tội là "đồ rác rưởi", chỉ cản trở âm thanh và gây nên ngứa ngáy, khó chịu. Vì vậy, ngay cả khi không có trong tay những “đồ nghề chuyên nghiệp”, nhiều người vẫn dùng cả móng tay, que diêm, cặp tóc, tăm xỉa răng... để loại trừ cho hết ráy tai. Không hiếm người còn xem chuyện lấy ráy tai như một thú tiêu khiển, cứ vài ngày lại đến hiệu cắt tóc lấy ráy tai để “thư giãn”...
Ráy tai nằm ở ống tai ngoài, do một loại chất nhờn tựa như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ (tuyến ráy tai) trộn lẫn với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai mà thành. Nó chẳng phải thứ vô dụng như nhiều người nghĩ. Những hạt bụi bẩn trong không khí và côn trùng nhỏ nếu chẳng may bay vào lỗ tai thì chất nhờn ngăn chặn lại, không cho chúng đi sâu vào bên trong, tránh gây tổn hại đối với cơ quan thính giác. Một số côn trùng nhỏ đôi khi bị “lạc đường” chui vào lỗ tai, nhấm phải vị đắng của ráy tai sẽ lập tức bò ra ngoài.
Bản thân ráy tai không phải là một môi trường mà vi khuẩn có thể sinh sống. Hơn thế nữa, nó còn là chất sát trùng. Vi khuẩn chẳng may lọt vào trong lỗ tai, đụng phải thứ “thuốc sát trùng” này sẽ bị chết, vì vậy tai mới đỡ bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, như mọi người đều biết, con người có thể nghe được âm thanh là nhờ dao động của trống tai (màng nhĩ), nằm ở độ sâu khoảng 25 mm, âm thanh trước khi tới màng nhĩ phải đi qua ống tai ngoài. Tại đây, ráy tai có “nhiệm vụ” làm giảm bớt cường độ của các sóng âm, tránh cho màng nhĩ bị kích thích quá mạnh. Nhờ vậy, khi có những âm thanh quá mạnh như tiếng sấm, tiếng động cơ máy bay, màng nhĩ mới khỏi bị tổn hại.
Bình thường, trong những lúc chúng ta há miệng, lắc đầu, chạy nhảy, nói chuyện, ca hát, ráy tai sẽ tự “nhảy ra ngoài”. Cho nên, nếu để ý một chút ta sẽ thấy trong vành tai thường có những mảnh ráy tai nho nhỏ rơi ra. Một nhà sinh lý học người Mỹ đã làm thí nghiệm lý thú: Ông đã bôi một thứ thuốc nhuộm không độc hại vào lỗ tai của 60 người tình nguyện, tiến hành chụp ảnh để quan sát. Sau một thời gian, chất thuốc nhuộm dần dần bị tống hết ra ngoài cùng với ráy tai. Cho nên, nếu cơ thể khỏe mạnh và môi trường không ô nhiễm nặng thì không cần lấy ráy tai thường xuyên. Như ta thấy, các con vật chẳng bao giờ phải lấy ráy tai, mà tai chúng vẫn nghe rất thính!
Tuy nhiên, không hiếm các trường hợp (tai bị bẩn, bị viêm nhiễm, tuyến ráy tai bài tiết quá mạnh, cấu tạo ống tai ngoài quá hẹp) ráy tai tích lại quá nhiều. Khi đó, nên nhỏ vài giọt glyxerin cho ráy mềm ra, rồi nhờ một người “có tay nghề” lấy ra cả khối. Có một số trường hợp ráy tai tích lại nhiều, khi gội đầu hoặc tắm để nước lọt vào làm ráy nở ra, có thể gây nên ho phản xạ, ù tai, nhức đầu, chóng mặt hoặc viêm tai; khi đó cần phải đến bệnh viện để chữa. Có những trường hợp ráy tai quá rắn, lấy ra rất đau, thầy thuốc phải bơm thuốc tê vào ống tai ngoài, rồi mới từ từ lấy ra được.
Nếu chú ý một chút, ta có thể thấy: một số người có tai rất khô, rất sạch, thơm tho; còn một số người khác thì lỗ tai luôn luôn ươn ướt, thậm chí còn bốc ra thứ mùi “là lạ”. Y học gọi trường hợp đầu là “ráy tai khô”, trường hợp sau là “ráy tai ẩm”. Xét về mặt giải phẫu sinh lý, tuyến ráy tai và tuyến nách thuộc cùng một loại - đều là những “tuyến mồ hôi lớn” trong cơ thể. Nếu trong mồ hôi có nhiều chất béo và chất đạm, khi phân giải sẽ phát ra một thứ mùi hôi đặc biệt (mùi hôi nách). Số liệu thống kê cho thấy, trong số những người có “ráy tai ẩm”, khoảng 93% đồng thời bị mắc chứng hôi nách. Cho nên, chỉ cần quan sát kỹ lỗ tai cũng có thể biết gần như chính xác một người có bị chứng hôi nách hay không. Số liệu thống kê y học còn cho thấy, đa số người châu Âu và châu Phi có ráy tai ẩm; trong khi đó đa số người châu Á có ráy tai khô (90-96%).
Các nghiên cứu còn phát hiện thấy, tế bào tuyến sữa ở phụ nữ và tế bào tuyến ráy tai ở trẻ sơ sinh cũng thuộc cùng một loại. Và điều đặc biệt có ý nghĩa là: nếu như hài nhi có ráy tai ít và mềm thì người mẹ lại có quá nhiều sữa. Khi đó, tuyến sữa của người mẹ hoạt động quá mạnh và nguy cơ bị mắc ung thư vú cũng sẽ tăng lên. Như vậy, ráy tai còn có thể sử dụng như một phương pháp đơn giản để chẩn đoán và dự phòng bệnh tật.
Trong Đông y, từ xưa ráy tai còn được sử dụng để chữa bệnh. Sách Nhật Hoa Tử chư gia bản thảo (thế kỷ thứ 10) viết, ráy tai có thể chữa chứng điên cuồng và tật nghiện rượu. Sách Thính kiến lục cũng nói về việc sử dụng ráy tai để chữa chứng sâu quảng, thuật lại chuyện một người ăn mày đã lấy ráy tai đắp lên vết thương ở chân, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy vết thương đã hết mưng mủ, có thể đi lại như cũ.
Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (bộ bách khoa toàn thư về dược học phương Đông) viết: "Ráy tai có thể dùng để trừ côn trùng, rắn rết. Lý Thời Trân lý giải: tai là khiếu của thận, thận khí nhập vào tai, nếu thông thì tai không có ráy, không thông thì ráy tai lấp kín lỗ tai. Trong Nho môn sự thân, danh y Trương Tòng Chính viết: Muốn trị bệnh “phá thương phong”, lấy ráy tai, móng tay đã cạo vụn trộn với nước bọt của bệnh nhân, bôi vào chỗ vết thương, lập tức kiến hiệu, nếu trên da không có vết loét thì rất khó sử dụng cách này. “Phá thương phong” là chứng bệnh do da thịt bị tổn thương nhiễm trùng gây nên, với các triệu chứng mặt môi xanh tái, nhăn nhó, cơ thịt co giật từng cơn, khó thở...
Còn sách Phổ tế phương có chép lại phương thuốc chữa trẻ khóc dạ đề (khóc đêm) như sau: Dùng ráy tai người 5 phân, thạch liên tâm, nhân sâm mỗi thứ 5 tiền, nhũ hương 2 phân, đan sa 1 phân, dùng 5 phân bạc hà sắc lên để chiêu thuốc.
Như vậy, có thể thấy ráy tai không những chẳng phải thứ bỏ đi, mà còn là một thứ rất đáng tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Bình luận