12:58 SA @ Thứ Ba, 6 tháng 9, 2005

Đời văn phòng, cơm hộp, ...

Khi cụm từ “cơm bình dân” ra đời và phổ biến, mọi người có ngay từ ngoài luồng: “cơm bụi” để gọi. Còn “cơm trưa văn phòng”, 15.000 đồng một suất, thì nickname của nó là gì?

Từ này hãy còn hơi mơi mới, mà cũng có vẻ thời thượng. Ấy là khi mỗi buổi trưa, các cô váy chữ A, chân dài hoặc không được dài, đi guốc cao gót ỏn ẻn dùng thìa dĩa xúc cơm trong đĩa, xong chiêu bằng bát nước rau xiu xíu hay các thanh niên công chức áo sơ mi quần âu đầu gôm nhai cho xong bữa để mơ đến tan tầm có độ nhậu bia tươi Anchor. Thậm chí nhiều hàng ăn máy lạnh còn trưng biển hộp chiếu đèn rất tự hào “Cơm văn phòng máy lạnh lịch sự”, thiếu “hợp vệ sinh” là đủ những khía cạnh cho một bữa cơm hứa hẹn sự tương hợp với nơi công sở. Từ lóng hình như chưa có, có từ “cơm hộp” nhưng chỉ là một loại cơm, cho cả văn phòng lẫn chợ búa, nên chưa được chuẩn lắm. Vì rằng còn có cơm đĩa, cơm xuất, cơm tự chọn,… có kèm tráng miệng và thêm đồ uống kiểu “Líp tông đá”. Đi với cơm bụi là trà đá, đương nhiên. Dân văn phòng cho đó là những sự kết hợp có tính âm - dương cân bằng.

Nghĩ mà xem, dân văn phòng thì cũng có những nhu cầu thiết thân: cơm văn phòng, thời trang công sở, cà phê Trung Nguyên, trà Dilmah, Nokia giắt túi, phi xe Wave, một số còn tính thêm cả nhà nghỉ để cùng đi “công tác” hoặc “gặp khách hàng”… Một ngày thì gặp đồng nghiệp nhiều nhất, hơn cả so với những người thân yêu của mình. Ta có thể phác ra thời gian biểu thế này: 8 tiếng ngồi làm việc là phải nhìn cái mặt thằng cha bên cạnh, nếu may có người đẹp bàn giấy chân dài thì còn khá. Ngoài công việc thì có 8 tiếng để ngủ, 1 tiếng vệ sinh thân thể, giỏi lắm thì ăn cơm tối 2 tiếng, thêm 2 tiếng xem ti-vi, nghe nhạc đọc báo, “giao lưu” các thế hệ trong gia đình thêm độ 1 tiếng, còn đi với bồ nữa, cũng có 2 tiếng còn lại để làm cái chuyện lãng mạn ở đời (nếu coi là lãng mạn). Thế đấy! Xưa trái tim có “ba phần tươi đỏ”, phần dành để em yêu đã nhỏ rồi, nhưng tỉ lệ đó còn là lớn so với bây giờ, nhận tin nhắn của bồ cũng không biết nên reply thế nào cho đỡ lặp lại vở cũ: “Anh khoe khong? Khoe. Hom nay anh an gi? Com hop. Chieu ve den deo em, em cho. OK”.


http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/NgamNghi-VietNam/Tan_man_cuoc_song_vien_chuc_VP/
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi